Câu chuyện bắt đầu khi anh Vũ Tuấn Anh - người sáng lập dự án phát triển nghề nghiệp cộng đồng cho sinh viên - đã đăng tải bức ảnh các sinh viên đang xếp hàng chờ mua cơm từ thiện tại một quán cơm 2.000 đồng trên đường Cống Quỳnh (Quận 1, TP.HCM).
Dòng chia sẽ lập tức nhận được nhiều bình luận trái chiều. Một số người đồng tình, người phản đối. Tuy nhiên, anh Tuấn Anh vẫn bảo vệ quan điểm của mình khi cho rằng “80% khách đến ăn là sinh viên thì đó đã là một hiện tượng xã hội”. Anh còn nói thêm: “Cứ nhận ta nghèo thì ta cứ nghiễm nhiên có quyền ăn cơm từ thiện là không đúng! Tôi nói thật, bản thân tôi cũng xuất thân từ một gia đình nghèo, bố mất sớm, mẹ là giáo viên phải gồng gánh nuôi con. Tôi phải dán hộp từ năm lớp 6, nhưng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện đi ăn cơm 2.000 đồng”.
Khi đem vấn đề này trực tiếp hỏi các bạn sinh viên tại Sài Gòn, chúng tôi đã nhận được khá nhiều ý kiến.
Cơm từ thiện cớ sao phân biệt?
Nhiều sinh viên cho rằng, việc xếp hàng ăn cơm dù là 2.000 đồng đi nữa đều là chuyện hết sức bình thường. “Mình thấy ăn cơm từ thiện cũng bình thường. Nghèo thì ăn cơm ít tiền, sinh viên cũng nghèo, có những bạn khó khăn lắm. Nhưng cũng biết đâu đấy các bạn ấy ăn cơm 2.000 nhưng trả hơn số tiền đó thì sao”, Lê Hoàng Ái Vy (19 tuồi, sinh viên trường ĐH Bách Khoa) nói.
Cùng ý kiến với Vy, bạn Đỗ Ngọc (20 tuổi, sinh viên trường ĐH KHXH&NV TP. HCM nói thêm: “Đã làm từ thiện cớ sao phân biệt người này người nọ? Từ thiện là làm từ tâm. Người chủ cửa hàng họ không có ý kiến gì, sao người ngoài lại lên án?”.
Cho rằng tác giả bài viết đem việc so sánh xếp hàng ăn cơm và việc thiếu lòng tự trọng là điều quá khắt khe, bạn Trần Văn Phong (20 tuổi, sinh viên ĐH Nguyễn Tất Thành) cho rằng, anh Tuấn Anh đang quá gay gắt khi nhận xét lòng tự trọng chỉ qua việc xếp hàng ăn cơm 2.000 đồng.
Có thể, anh Anh Tuấn không đặt mình vào vị trí các bạn sinh viên khó khăn thậm chí không còn cha mẹ chu cấp hàng tháng. Vậy nên việc ăn cơm 2.000 đồng để tiết kiệm tiền trang trải chi phí khác cũng là điều dễ hiểu.
Sinh viên nên hạn chế ăn cơm từ thiện
Bên cạnh đó, khá nhiều bạn sinh viên lại tỏ ra đồng tình với quan điểm của tác giả bài viết, cho rằng sinh viên dù khó khăn nhưng hoàn toàn có thể chọn công việc làm thêm để kiếm tiền nuôi sống bản thân thì nên hạn chế ăn cơm từ thiện.
“Chúng ta còn trẻ, có sức khỏe, thời gian học lại không quá áp lực thì có thể tìm công việc dạy thêm hay phục vụ quán ăn gì đó để kiếm tiền. Hà cớ gì lại kiểu dành suất ăn của những người nghèo lớn tuổi. Mình nghĩ các bạn sinh viên ấy đang quá lười biếng”, bạn Bùi Mai Anh (21 tuổi, sinh viên ĐH Luật TP.HCM) chia sẻ.
Các bạn cũng e ngại rằng việc các bạn sinh viên chưa thật sự quá nghèo khó mà cứ xếp hàng để chờ những suất cơm được phát bằng sự tử tế, còn giá tiền chỉ “cho có” này quá nhiều sẽ nảy sinh tâm lý phụ thuộc.“Rất nhiều bạn vẫn chưa lâm vào hoàn cảnh quá bi đát mà đến ăn cơm từ thiện thì khó có thể chấp nhận được, nhất là còn đến thường xuyên. Việc cứ phụ thuộc vào bữa cơm chỉ tốn 2.000 đồng này về lâu dài sẽ làm các bạn nảy sinh tấm lý ỷ lại, phụ thuộc. Các bạn nam kia biết đâu lại để dành tiền ăn cơm để chơi game thì sao”, Ngọc Mai (19 tuổi, sinh viên ĐH KHXV&NV) bức xúc.
Không nhận xét các bạn sinh viên ăn cơm từ thiện là thiếu lòng tự trọng nhưng Nhật Nam (22 tuổi, sinh viên trường ĐH Y Dược TP.HCM) cho rằng việc xếp hàng ăn cơm từ thiện của các bạn trẻ nên hạn chế: “Trừ khi quá khó khăn, thật sự khó khăn thì mới phải xếp hàng ăn cơm của người nghèo như thế. Chúng ta còn trẻ mà không chịu lao động thì đừng có đòi hỏi người khác phải thông cảm cho hành động của mình”.
Thật ra việc các bữa cơm từ thiện dành cho người nghèo đã trở nên khá phổ biến ở Sài Gòn. Có lẽ chúng ta vốn đã quen với hình ảnh những người lớn tuổi, những người lao động xếp hàng ăn những bữa cơm chỉ có vài nghìn đồng này.
Chúng ta không ở vào hoàn cảnh của những người nhận cơm để phán xét nhưng nếu vì lỡ bữa lỡ đường hay hoàn cảnh khó khăn, việc ăn cơm từ thiện không có gì phải xấu hổ. Và một điều quan trọng hơn mà có lẽ ai cũng nhìn thấy là mảnh đất Sài Gòn cởi mở và nhiều tấm lòng tử tế này, việc giúp đỡ người nghèo không còn hiếm gặp.