Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Sinh viên bị kỷ luật vì dùng sách photo: 'Ước mơ cũng có giá, nghèo nhưng không được hèn'

Đừng bao giờ lôi cái nghèo ra làm lý do cho hành vi ăn cắp chất xám. Đất nước sẽ không bao giờ có được những sản phẩm sáng tạo đúng nghĩa nếu như những sản phẩm trí tuệ cứ bị ăn cắp một cách trắng trợn và được bênh vực bởi số đông thiếu hiểu biết.

Những ngày gần đây, câu chuyện một sinh viên của trường Đại học Luật TP HCM bị kỷ luật nặng vì mang giáo trình photo vào trong trường học đã gây ra nhiều luồng tranh cãi.

Cụ thể, nữ sinh viên tên N.A, học năm 2 khoa Luật Dân sự đã mang 8 cuốn giáo trình photo vào trường và bị thu giữ. Nhà trường đã ra quyết định kỉ luật đình chỉ học một năm, nhiều ý kiến tỏ ra bức xúc và cho rằng hình thức kỷ luật này quá nặng. Trước những phản hồi từ dư luận, trường Đại học Luật TP HCM đã xem xét và quyết định giảm hình phạt xuống hình thức kỷ luật cảnh cáo.

Và theo một nguồn tin riêng, Saostar được biết đây không phải là lần đầu xảy này ra sự việc này tại trường. Các trường hợp trước đó đều đã bị kỷ luật đúng theo quy định.

Ảnh: internet

Nữ luật sư tương lai vi phạm luật Sở hữu trí tuệ

Ngày 14/2, trả lời một tờ báo, PGS.TS Trần Hoàng Hải - Phó hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng kỷ luật Đại học Luật TP HCM, khẳng định trường hoàn toàn đủ thẩm quyền và cơ sở pháp lý đình chỉ một năm học với sinh viên N.A. Kết luận này căn cứ vào quy định của luật Sở hữu trí tuệ, nữ sinh sử dụng bản photo giáo trình là vi phạm quyền tác giả.

“Đại học Luật là chủ sở hữu quyền tác giả với giáo trình và các tài liệu khác có các quyền tài sản theo quy định Điều 20 và quyền nhân thân theo khoản 3 Điều 19” - ông Hải nói.

Khi “ăn cắp” trở thành thói quen và hiển nhiên được bảo vệ bằng sự thiếu hiểu biết

Bàn về chuyện vi phạm quyền tác giả, ăn cắp bản quyền thì ở nước ta điều này khá “thoáng”. Từ việc sử dụng sản phẩm không có bản quyền của các “ông lớn” nước ngoài như Microsoft, Adobe photoshop… đến những sản phẩm trong nước là những cuốn sách, giáo trình, bài hát, tác phẩm văn học… được coi như một việc làm bình thường và hiển nhiên.

Không rõ từ bao giờ, việc ăn cắp lại được bình thường hóa và nhiều người bênh vực, hùa theo đến vậy. Ăn cắp sở hữu trí tuệ có thể phân ra làm hai dạng: Thứ nhất là ăn cắp do thiếu hiểu biết và thứ hai là vì lòng tham, lợi nhuận… Cả hai nhóm này đều đáng bị lên án. Không chỉ vậy, những người ra sức bảo vệ cho điều này và cụ thể trong câu chuyện trên, những ai lên tiếng bênh vực cho hành vi của cô sinh viên kia thật sự đáng trách và thiếu hiểu biết.

Sinh viên bị kỷ luật vì dùng sách photo: 'Ước mơ cũng có giá, nghèo nhưng không được hèn' Ảnh 2

Copy sản phẩm trí tuệ của người khác không xin phép là phạm luật.

Ngày nay, người ra có thể sẵn sàng lấy đi những thứ không thuộc về mình. Nếu có sự hiểu biết, lương tâm và tự trọng thì có lẽ sẽ không có điều này. Đặc biệt là trong môi trường đào tạo ra những Luật sư tương lai, những người góp phần cho cán cân công lý được giữ thăng bằng, những người hiểu về pháp luật nhất.

Bạn bỏ công sức sáng tạo ra một sản phẩm mang lại lợi ích cho nhiều người thì bạn sẽ không bao giờ muốn người khác sử dụng những sản phẩm đó một cách tự do hoặc sao chép nó mà không xin phép. Chỉ cần tự đặt mình vào vị trí của người tạo ra sản phẩm đó bạn sẽ thấy nó đáng được trân trọng hơn thế.

Chưa xét về cái lý rằng việc photo giáo trình thuộc quyền sở hữu của Đại học Luật TP HCM là phạm quy định của luật Sở hữu trí tuệ, chỉ cần nói đến cái tình về việc không tôn trọng công sức của người khác đã là một việc làm không đúng đắn.

Để có một cuốn giáo trình cho các bạn sinh viên là tâm sức của cả một đội ngũ giáo viên với kiến thức và kinh nghiệm tích lũy nhiều năm trời. Đó là một sản phẩm trí tuệ khó có thể đong đếm được bằng giá trị kim tiền nhưng người sử dụng nên biên trân trọng công sức của những người làm ra sản phẩm đó.

Đừng bao giờ lôi sự nghèo khó của bản thân ra làm lý do cho hành vi ăn cắp. Bởi để làm ra được sản phẩm đó, không phải ai cũng có sẵn kiến thức trong đầu. Người tạo ra sản phẩm cũng phải trải qua quá trình khổ luyện, tích lũy, dày công biên soạn với nhiều khó khăn để có được thành quả cho sinh viên hưởng thụ.

Nguy hiểm hơn nữa là số đông thiếu hiểu biết cổ súy cho hành vi này. Họ bênh vực cho hành vi sai trái và đổ lỗi cho hoàn cảnh.

Ước mơ cũng có cái giá phải trả

Không ai cấm chúng ta thực hiện ước mơ của bản thân nhưng để đạt được ước mơ thì phải trả giá. Chúng ta học cho tương lai, sự nghiệp của chính mình thì cũng nên công bằng với những người khác - người tôn trọng công sức và quyền tác giả. Châm trước cho một hành vi ăn cắp thì thật không công bằng với những sinh viên nhịn ăn nhịn tiêu, làm thêm vất vả để mua những cuốn sách thật. Càng không công bằng với những người dày công gom góp kiến thức ngày đêm để làm ra sản phẩm đó.

Một đất nước với những thế hệ trẻ, đặc biệt là những luật sư tương lai - người hiểu về luật sẽ không bao giờ có thể phát triển, tạo ra những sản phẩm trí tuệ có giá trị tiến đến xa đến văn minh nhân loại nếu như vẫn có những hành vi ăn cắp và coi nhẹ tâm sức của người khác.

Liệu rồi ai sẽ còn muốn sáng tạo khi mọi thứ đều có sẵn và rẻ bèo?

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Đỗ

Được quan tâm

Tin mới nhất