So với Đồng Văn, các xã vùng cao biên giới của huyện Vị Xuyên như Cao Bồ từng chịu nhiều mất mát trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc. Do những đặc trưng về địa hình, Cao Bồ nói riêng, Vị Xuyên nói chung có diện tích trồng trọt cây lương thực xếp vào diện khiêm tốn trong cả nước. Bởi vậy, bảo đảm an ninh lương thực ở Cao Bồ từ lâu luôn là một nhiệm vụ mang tính sống còn chứ chưa bàn đến chuyện làm giàu từ miền đất hoang vu này. Khí hậu khắc nghiệt của vùng cao khiến đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Cao Bồ thêm phần vất vả.
Clip: Hái chè cổ thụ
Món quà thiên phú
Đường vào thôn Thăm Vè, Cao Bồ bị cắt phăng bởi con suối vừa hứng chịu trận mưa lớn. Trên chiếc xe bán tải chở cánh phóng viên, Chủ tịch xã Lý Quốc Hưng vừa cầm lái vừa hào hứng “quảng cáo” rằng: “Đến Cao Bồ, không thưởng thức, không nghe về chè Shan Tuyết cổ thụ, món quà thiên phú cho dân nơi đây thì quả thực là đáng tiếc”.
Ông Hưng cho biết, sở dĩ gọi chè Shan Tuyết bởi nhiều nơi của Hà Giang như Cao Bồ, nằm trên độ cao hơn 400m so với mực nước biển, quanh năm sương phủ, mây mù. Mỗi cánh chè, khi sao lên đều phủ một lớp lông tơ mịn màng, trắng như tuyết.
Cả 11 thôn ở xã Cao Bồ đều trồng chè với diện tích gần 1.000 ha. Nhà không trồng tập trung thành vườn lớn thì cũng trồng dặm, xen dưới tán rừng quế, dổi, lát, trám… Có những cây chè san tuyết cổ thụ vòng gốc bằng một người trưởng thành, dang rộng tay ôm mới kín. Nhiều cây khác có đường kính từ 50 - 80cm, cao từ 15 - 20m. Tán cây mở rộng từ 3 - 5m, che kín cả một vùng. Có những cây cành to, vươn xa, người hái chè không thể với tới mà phải dùng dao đi rừng phạt cả cành chè xuống để vặt búp…
Khí hậu và thổ nhưỡng đã giúp những vườn chè Shan tuyết ở đây phát triển tốt và mang hương vị rất riêng. Đặc biệt, chất lượng chè còn được nâng cao bởi tất cả các công đoạn từ khâu gieo trồng, thu hái, sơ chế cho tới khi thành phẩm đều được làm thủ công, tự nhiên, không sử dụng hóa chất.
Nhờ cây chè, người dân Cao Bồ có công ăn việc làm thường xuyên, tạo nguồn thu đáng kể giúp xóa đói, giảm nghèo, đời sống được cải thiện. Trung bình, mỗi gia đình thu hoạch được khoảng 45 triệu đồng/năm, một số hộ “lên hạng” với thu nhập vài trăm triệu đồng/năm.
“Chè Shan Tuyết cổ thụ là cây đặc hữu của Cao Bồ. Cây chè gắn bó như máu thịt, là đời sống, tâm hồn và biểu tượng của vùng núi non hùng vĩ này. Còn chè cổ thụ là còn thương hiệu chè Cao Bồ”, ông Lý Quốc Hưng khẳng định.
Bán “đặc sản” thời công nghệ
Theo chân Chủ tịch xã Cao Bồ, chúng tôi tới nhà anh Hoàng Tinh Kiêm ở thôn Thăm Vè - một trong nhiều hộ gia đình ăn nên làm ra từ cây chè địa phương. Ngồi giữa căn nhà còn thơm mùi gỗ và đồ đạc mới, vợ chồng anh Kiêm mời chúng tôi thưởng thức ấm trà búp tôm một lá, sản vật mà gia đình họ chỉ để dành tiếp khách quý.
Anh Kiêm cho biết: Từ khi tôi sinh ra, cây chè đã hiện hữu, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác mưu sinh cùng chè. Ba năm trước, khi mạng Internet bắt đầu “phổ cập” thôn xóm, biết đến phương pháp chế biến chè qua mạng xã hội, tôi bắt đầu học hỏi và gắn bó với nghề chế biến chè từ đó.
Khi chương trình hỗ trợ vốn cho người dân về đến thôn bản, anh Kiêm cùng nhiều hộ khác được chính quyền xã động viên, cho đi dự các chương trình tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm nhiều lần, dần dần anh cùng người dân trong thôn bản đã biết chế biến, kinh doanh cây chè.
Mảnh đất Cao Bồ đã không phụ lòng những con người biết gắn bó, bám trụ với nó và thay đổi tư duy nông nghiệp như gia đình anh Kiêm. Thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây phù hợp với cây chè, cây thảo quả hơn là những giống cây lương thực truyền thống.
Anh Kiêm cho biết, mỗi năm, chè cho thu hoạch ba vụ. Ban đầu, anh Kiêm đăng bán online trên mạng facebook, zalo, khách hàng chưa tin tưởng, anh phải gửi mẫu đi cho họ thử. Thử rồi, khách hàng tìm đến anh Kiêm ngày càng đông.
Hiện nay, sản phẩm chè của anh Kiêm đi khắp cả nước, rồi xuất khẩu sang Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga. Trung bình mỗi năm, gia đình anh Kiêm thu được khoảng 90 - 120 triệu đồng.
Chỉ vào hai chiếc máy sao chè mới, anh Kiêm bảo hai chiếc máy này được gia đình mua từ nguồn vốn hỗ trợ do chương trình CPRP (Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa) của huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang cấp. “Còn chiếc ô tô ngoài sân kia, gia đình chúng tôi mới mua từ thành công của vụ chè năm trước”, anh Khiêm hồ hởi.
Giống như gia đình anh Hoàng Tinh Kiêm, nhiều hộ gia đình xã Cao Bồ đã dần thay đổi nếp nghĩ, tập quán canh tác lạc hậu phụ thuộc vào thời tiết để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi bản địa. Từ cây xóa đói giảm nghèo, giờ đây chè Shan tuyết Cao Bồ đã và đang trở thành một trong những thương hiệu nông sản uy tín, được người dân trong nước và bạn bè quốc tế biết đến, đồng thời giúp người dân Cao Bồ làm giàu bằng sức lao động chân chính của họ.
Nhờ những nỗ lực trong việc bảo vệ rừng chè san tuyết cổ thụ và thu hái, chế biến thủ công, năm 2011, chè shan tuyết Cao Bồ chính thức được Liên đoàn quốc tế về phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) cấp chứng chỉ chè hữu cơ - Organic Cao Bồ. Mỗi năm, khoảng hơn 200 tấn chè hữu cơ ở Cao Bồ được xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Mỹ. Đến tháng 6/2016, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cũng chính thức trao “Bằng công nhận cây Di sản Việt Nam” cho quần thể 220 cây chè shan tuyết trên 100 năm tuổi ở xã Cao Bồ.