Theo thông tin của Tuổi Trẻ Online, hiện các cơ quan chức năng của Bộ Y tế đang rà soát lần cuối về số vắc xin sẽ đặt mua đợt đầu, đồng thời trao đổi với nhà sản xuất, Tổ chức Y tế thế giới về việc có tiêm cho trẻ đã mắc COVID-19 và nếu tiêm thì sau khi trẻ khỏi COVID-19 bao lâu thì tiêm?
Với người lớn, Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo là có tiêm nhưng chưa khuyến cáo cho trẻ em.
Các thủ tục mua sắm vắc xin cũng đang tiến hành song song, dự kiến tháng 3 sẽ hoàn tất và cuối tháng 3 bắt đầu được nhận vắc xin, hoàn thành kiểm định để cuối tháng 3 có thể bắt đầu cấp phát vắc xin tiêm cho trẻ em.
Theo Bộ Y tế, với người từ 18 tuổi trở lên, tỉ lệ tiêm vắc xin mũi 1 cho đến nay đạt trên 99%, mũi 2 khoảng 98%, mũi 3 khoảng 32%. Đối với trẻ từ 12 - 17 tuổi, tỉ lệ tiêm mũi 1 khoảng 99%, mũi 2 khoảng 94%.
Việt Nam sẽ tận dụng tốt cơ hội được nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin mRNA
Phát biểu tại phiên họp cấp cao của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 26-2 về chủ đề "Tạo động lực cho tiêm chủng toàn cầu", Phó thủ tướng Phạm Bình Minh hoan nghênh thông báo mới đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc một số nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, được chọn để hợp tác tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin mRNA.
Ông Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam sẽ tận dụng tốt cơ hội hợp tác rất có ý nghĩa này để đóng góp vào nỗ lực chung của quốc tế nhằm thúc đẩy tiêm chủng toàn cầu.
Trước đó, WHO đã phát đi thông cáo báo chí, cho biết Việt Nam là một trong số quốc gia được nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin mRNA. WHO cho biết sẽ cùng các đối tác sẽ đào tạo và hỗ trợ tài chính để chuyển giao công nghệ, kiểm soát chất lượng và quy chuẩn sản phẩm, hỗ trợ các thủ tục và giấy phép cần thiết.
Ngay sau khi nhận được cơ hội hợp tác, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết khi tham gia sáng kiến này, Việt Nam tin tưởng sẽ sản xuất được vắc xin mRNA quy mô lớn, không chỉ sử dụng trong nước mà còn cung cấp cho các nước, góp phần giảm bất bình đẳng trong tiếp cận vắc xin.
Thế giới hiện có một số vắc xin ngừa COVID-19 sản xuất trên nền công nghệ mRNA như vắc xin của Pfizer, Moderna...
28 tỉnh thành ghi nhận từ 1.000 - 11.000 ca mắc mới
Ngày 26-2 có đến 28 tỉnh thành ghi nhận trên 1.000 ca mắc, trong đó Hà Nội ghi nhận xấp xỉ 11.000 ca mắc mới, tăng hơn 3 tỉnh thành có số mắc từ 1.000 ca/ngày trở lên so với 2 ngày trước đó.
Đáng chú ý trong khi số mắc tăng mạnh ở khu vực miền Bắc và tăng lại tại TP.HCM, hiện các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ rất yên ả, chỉ ghi nhận dưới 100 ca mới/ngày/tỉnh thành. Trong số này thấp nhất là tỉnh Tiền Giang chỉ ghi nhận 9 ca mới ngày 26-2.
Hà Nội khẩn trương rà soát, chuẩn bị điều kiện tổ chức bán trú khi học sinh đi học trở lại
Hà Nội vừa có văn bản về việc tổ chức học bán trú khi học sinh đi học trực tiếp trở lại, đề nghị rà soát các điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục để tổ chức ăn bán trú khi trẻ em mầm non, học sinh đi học trực tiếp trở lại; có thể tính tới việc học trực tiếp luân phiên giữa các khối lớp thay vì học một buổi như hiện nay nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh và phụ huynh khi tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp.
Đề nghị cần quy định cụ thể các điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch khi tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ em mầm non, học sinh trên nguyên tắc hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các lớp, ưu tiên tổ chức ăn nghỉ tại lớp học; học sinh ăn theo suất ăn riêng, không dùng chung đồ dùng cá nhân; đảm bảo vệ sinh khử khuẩn khu vực nhà ăn, bếp ăn và an toàn thực phẩm.
Về việc này, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng giao Sở Giáo dục - đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Ngày 26-2, Hà Nội có thêm 10.783 ca COVID-19 mới - 3.709 ca cộng đồng - 24 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong do COVID-19 từ 27-4-2021 đến nay lên 1.026 người. Toàn thành phố có hơn 424.300 ca bệnh đang điều trị, trong đó hơn 98% điều trị tại nhà, tương đương hơn 417.200 ca. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Long Biên (541); Mê Linh (531); Thạch Thất (478); Quốc Oai (385); Hai Bà Trưng (331).
Số ca đang điều trị, theo dõi tăng hơn 54.000 ca so với 25-2. Hiện có 1.376 F0 điều trị tại các cơ sở thu dung, chiếm 0,36%. Có 5.758 ca diễn biến cấp độ trung bình, nặng, nguy kịch phải nhập viện điều trị (tăng hơn 100 ca so với hôm qua), tương đương hơn 1,5% tổng số ca đang điều trị. Tới hết ngày 25-2, có khoảng 3.500 ca diễn biến mức độ trung bình (chiếm gần 64%). Ngoài ra, có hơn 860 ca nặng, nguy kịch...
- Ngày 26-2, Hải Dương có 3.493 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh và ra viện. Tính từ ngày 12-10-2021 đến 16h ngày 26-2, Hải Dương đã có 34.537 bệnh nhân hoàn thành điều trị hoặc chuyển viện. Trong ngày, Hải Dương cũng ghi nhận thêm 3 bệnh nhân COVID-19 tử vong. Đến nay, Hải Dương đã có 61 trường hợp tử vong có mắc COVID-19.
Từ ngày 12-10-2021 đến nay, Hải Dương đã ghi nhận 48.916 ca COVID-19; riêng ngày 26-2 ghi nhận 22.534 ca COVID-19. Hải Dương đã có hướng dẫn cụ thể với người tiếp xúc gần người mắc COVID-19 và đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vắc xin COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 3 ngày thì thực hiện cách ly y tế 5 ngày tại nhà...
- Theo thông báo mới nhất của Yên Bái, hiện toàn tỉnh dịch COVID-19 hiện ở cấp độ dịch 3 - nguy cơ cao. Trong đó, có 1 huyện cấp độ 2; 4 huyện, thị, thành phố cấp độ 3 và 4 huyện cấp độ 4. Trong 24 giờ qua tỉnh đã ghi nhận 1.954 ca mắc mới nâng tổng số ca ở tỉnh từ 27-4 đến nay là hơn 17.000 ca COVID-19.
4 huyện cấp độ dịch 4 (màu đỏ) gồm có: huyện Văn Chấn, Trấn Yên, Trạm Tấu, Yên Bình; 4 địa bàn ở cấp độ dịch 3 (màu cam) gồm: thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và 2 huyện Văn Yên, Lục Yên; chỉ còn duy nhất huyện Mù Cang Chải ở cấp độ 2 (màu vàng). Trong tổng số 173 xã, phường, thị trấn ở tỉnh thì có tới 77 đơn vị ở cấp độ 4; 29 đơn vị ở cấp độ 3…
- Quảng Bình ngày 26-2 trong 24 giờ ghi nhận thêm 1.351 ca COVID-19, trong đó có 1.042 ca cộng đồng. Đến nay tổng số ca COVID-19 của Quảng Bình là 21.188 ca; tổng số ca khỏi là 13.092; số đang điều trị tại bệnh viện là 413 ca; 7.151 F0 đang điều trị tại nhà; có 36 người tử vong.