New York Times dẫn nguồn thông tấn nhà nước Saudi Arabia cho hay hoàng tử Turki bin Saud bin Turki bin Saud al-Kabeer bị xử tử hôm 18/10 tại thủ đô Riyadh vì bắn chết một người đàn ông trong một vụ xô xát.
Bản tin của hãng thông tấn Saudi Arabia không nêu rõ biện pháp thi hành án. Tuy nhiên, hầu hết các án tử hình tại quốc gia này được thực hiện bằng cách chặt đầu phạm nhân tại quảng trường trước sự chứng kiến của đám đông.
Sự kiện hy hữu làm dậy sóng mạng xã hội tại quốc gia Hồi giáo. Đây là lần đầu tiên một thành viên hoàng tộc Saudi Arabia bị hành quyết vì tội giết người kể từ năm 1975 khi hoàng tử Faisal bin Musaid bị chặt đầu vì tội ám sát Quốc vương Faisal.
Nhiều người nói họ chưa từng tưởng tượng một việc như vậy có thể xảy ra trong khi một số khác cho rằng việc này thể hiện sự công bằng của hệ thống tư pháp. Luật pháp của Saudi Arabia chịu ảnh hưởng nặng nề từ luật Shariah của Hồi giáo và thường bị chỉ trích bởi chính phủ các nước phương Tây và các nhóm nhân quyền cho rằng hình phạt độc đoán và tàn nhẫn.
“Điều tuyệt vời nhất là công dân thấy được luật áp dụng như nhau cho tất cả, không phân biệt người quyền thế, kẻ thấp hèn”, Abdul-Rahman, luật sư nổi tiếng của Saudi Arabia, viết trên Twitter.
Trong khi đó, không ít người dân nước này ca ngợi quốc vương Salman. Trên Twitter hôm 18/10, hashtag “Quốc vương Salman quyết đoán trừng phạt hoàng tử” xuất hiện phổ biến.
Tuy nhiên, hãng thông tấn Saudi Arabia không nêu rõ bao nhiêu người đã xem vụ xử tử cũng như phản ứng của họ lúc đó như thế nào. Thông tin về tuổi tác hay lai lịch của hoàng tử Turki cũng không được công bố.
Trao đổi qua điện thoại với New York Times,hoàng tử Faisal bin Farhan al-Saud, một thành viên hoàng gia, cho biết hoàng tử Turki thuộc một trong những dòng dõi danh giá nhất có quan hệ gần gũi với quốc vương Abdulaziz, người sáng lập đất nước Saudi Arabia hiện đại vào năm 1932.
Theo truyền thông địa phương, hoàng tử Turki đã bắn chết một người đàn ông trong một vụ ẩu đả diễn ra vài năm trước đây.
Saudi Arabia đã xử tử 143 người trong năm nay. Quốc gia này là một trong những nền quân chủ chuyên chế hiếm hoi còn sót lại trên thế giới. Các thành viên hoàng tộc được hưởng nhiều đặc quyền mà hơn 20 triệu dân thường còn lại không có được.