Tết là kỳ nghỉ dài ngày được nhiều gia đình mong đợi. Tuy nhiên, đi kèm với Tết, nhiều gia đình trẻ rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười. Đau đầu với giúp việc là chuyện các bà mẹ than vãn nhiều nhất mỗi khi kỳ nghỉ Tết kết thúc.
Chị Nguyễn Thanh Thủy (Thụy Khuê, Hà Nội) cho biết trong 5 năm trở lại đây, không năm nào là chị không đau đầu với giúp việc sau Tết. Rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay chị quyết định “chơi chiêu” khi hứa thưởng tháng lương thứ 13 cho giúp việc với điều kiện giúp việc phải đi làm sớm.
“Tôi thỏa thuận, giúp việc sẽ đi làm vào ngày mùng 10 tháng Giêng, tức là thứ hai tuần sau. Theo lịch, cả nước bắt đầu làm việc từ mùng 6 tháng Giêng. Tôi tính, chỉ hai ngày mùng 6 và mùng 7, tôi có thể xoay xở được với hai cháu nhỏ” - chị Thủy chia sẻ.
Thế nhưng, chị Thủy không để ý hai con chị phải tới mùng 10 mới đi học. Như vậy, vợ chồng chị một trong hai người phải ở nhà trông con 2 ngày. “Nhưng công ty của cả tôi và chồng đều rất chặt chẽ. Không ai được vắng mặt trong ngày đầu làm việc. Chúng tôi chẳng có cách nào khác phải nhờ cậy đến giúp việc” - chị Thủy cho biết thêm.
Chị Thủy kể thêm cô giúp việc từ chối ngay khi chị nhờ vả. Cô đưa ra rất nhiều lý do như ra Tết phải làm lễ thượng thọ cho cụ ở quê, ăn cưới, thăm họ hàng ốm,….
Khi nghe chị Thủy nói khó nhiều quá, cô giúp việc chỉ đồng ý đi làm khi nhận lương 500.000 đồng/ngày. Đi làm sớm 4 ngày, cô giúp việc nhận thêm 2 triệu đồng ngoài mức lương 4 triệu đồng/tháng như bình thường và thưởng tháng 13 thêm 4 triệu đồng nữa.
“Bà Nguyễn Thị Như Loan, mẹ Cường đô la cũng chỉ nhận lương 9 triệu đồng/tháng. Đòi thù lao 500.000 đồng/ngày, cô giúp việc nhà tôi nhận lương chẳng thua gì Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai rồi” - chị Thủy ví von hài hước.
Khác với chị Thủy, chị Đinh Thu Trang (Hoàng Mai, Hà Nội) đã sớm tính toán việc hai con nhỏ phải mùng 10 mới đi học. Vì vậy, chị sớm “đàm phán” giúp việc đi làm từ mùng 6 Tết. Ngoài việc đòi thưởng, cô giúp việc nhà chị Trang không có thêm yêu cầu gì nữa.
Thế nhưng, mùng 5, khi chị gọi điện giục lên sớm, cô giúp việc lại “hoãn binh”. Cô kêu về nhà không… quen thời tiết nên ốm. Cô xin nghỉ thêm mấy ngày nữa để chữa bệnh ở quê. Mặc cho chị nài nỉ cô lên sớm để trông trẻ, cô vẫn khước từ dù hai bé nhà chị đã đi học cấp 1, không tốn quá nhiều công sức để chăm sóc.
“Chỉ tới khi tôi gợi ý sẽ chi trả tiền khám bệnh, thuốc men, cô mà đồng ý. Mà lạ một điều, cô không cần tôi đưa đi khám. Cô bảo cứ ‘khoán trọn gói’ tiền khám chữa bệnh. Còn đi khám thì cô tự lo. Thấy lạ nhưng tôi cũng phải đồng ý.
Dù sao cô cũng không đòi hỏi quá đáng quá. Cô chỉ đòi tiền thuốc 1,5 triệu đồng, số tiền không quá lớn với tôi. Miễn sao cô lên trông con để vợ chồng tôi đi làm ngày đầu năm là được” - Chị Trang chia sẻ.
Không may mắn như chị Thủy, chị Trang, chị Nguyệt Thu (Lê Trọng Tấn, Hà Nội) không có cách nào thuyết phục cô giúp việc đi làm trước rằm tháng Giêng. Thế là trong 2 ngày mùng 6 và mùng 7 tháng Giêng, hai vợ chồng phải kết hợp mỗi người đi làm nửa ngày, nghỉ nửa ngày để ở nhà trông con.
Còn từ mùng 10 tháng Giêng (thứ hai tuần sau), tình hình bớt căng thẳng hơn khi anh chị đưa con đi học. Trong những ngày đó, chị phải “ăn bớt” giờ cơ quan để về sớm đón con.
Trả lời phóng viên, anh Lê Thanh Hùng, Giám đốc trung tâm giao dịch việc làm L.K cho biết đây chỉ là tình trạng giúp việc không chuyên nghiệp. Còn nếu sử dụng lao động qua các trung tâm, người lao động sẽ chuyên nghiệp hơn nhiều.
“Nhiều gia đình thường có thói quen thuê giúp việc nhờ giới thiệu. Những lao động như vậy đa số đều có tâm lý thích thì đi làm, không thích thì thôi. Còn qua các trung tâm, người lao động được đào tạo chuyên nghiệp cả về kỹ năng làm việc lẫn thái độ làm việc.
Vì vậy, họ sẽ tuân thủ đúng hợp đồng lao động. Sẽ không có chuyện chủ nhà phải lao đao vì giúp việc trốn việc ngày Tết”- anh Hùng cho hay.