Sẽ bù đắp thiệt thòi cho nhau
Nhìn lại một loạt những tấm hình chụp xạ thụ Hoàng Xuân Vinh tại sân bay Nội Bài trong đêm 14.8 không khó khăn để nhận ra rằng, xạ thủ quân đội dường như rất ngỡ ngàng với tình cảm của người hâm mộ bản xứ về những gì anh mang về từ bên kia bán cầu. Cũng đúng thôi, hơn 1/2 thế kỷ, Việt Nam mới lần đầu tiên được ghi tên mình trên bảng Vàng thành tích tại đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh. Đó là một đặc ân của người làm thể thao mà không phải ai cũng may mắn có được. Tất nhiên, sự khổ luyện thì bất cứ VĐV thể thao nào cũng đều phải có, nhưng may mắn và tố chất đôi khi lại quyết định nhiều hơn. Hoàng Xuân Vinh có lẽ cũng chờ đợi giây phút này lâu lắm rồi, ít nhất cũng hơn cả thập kỉ.
Thế nhưng, hơn mười năm đó liệu rằng có thật sự suôn sẻ nếu như bên cạnh anh không có người vợ, người bạn đời vẫn đồng hành và san sẻ cùng chồng bao nỗi buồn vui?! Điều đó, chắc hẳn anh Vinh là người hiểu rõ nhất.
Đó cũng chính là điều lý giải cho nụ cười của Hoàng Xuân Vinh khi ôm vợ ở sân bay, có lẽ, chỉ khi được ôm vào lòng người bạn đời luôn đồng hành cùng mình trong cuộc sống cũng như công việc, anh mới cảm thấy hạnh phúc, bình yên nhất, và nụ cười của anh lúc ấy, mới là đẹp nhất, tự nhiên nhất. Đó cũng chính là bức ảnh đẹp nhất trong hàng loạt hình ảnh ghi lại thời khắc anh về đến sân bay Nội Bài đêm 14/8.
Xin phép được sử dụng một trích đoạn của đồng nghiệp tại Vietnamnet trong bài viết “Hoàng Xuân Vinh “phá vòng vây” và cái ôm chặt vợ trong nước mắt”, có đoạn: “Nhìn chồng trong “vòng vây” của báo chí và người hâm mộ ở sân bay, ở một góc sảnh A ít người để ý, chị Giang đã bật khóc. Chị Giang từng nói với chồng rằng, hai vợ chồng mình thiệt thòi đủ thứ, đến cho con đi du lịch cũng không thể thực hiện được. Nhưng nếu cả gia đình cùng cố gắng, cùng bù đắp cho nhau, thì rồi cũng có lúc ông trời sẽ thương. Ộng trời đã thương vợ chồng chị Giang thật, cái sự thương quá xứng đáng và ý nghĩa. Để rồi gặp lại chồng sau bao ngày xa cách, chị Giang đã không kìm được những giọt nước mắt vì thương nhớ, vì hạnh phúc. “Cảm xúc của tôi lúc này ư, thật khó có thể diễn tả bằng lời. Nhìn thấy chồng ở trước mặt, cách vài bước chân, mà tới 30 phút mới được gặp”, chị Giang chia sẻ.”
Thực tâm mà nói, chị Giang hẳn nhiên là một người phụ nữ tình cảm và bản lĩnh. Chỉ nội riêng việc cách xa chồng hơn 30 ngày, đến khi “Vinh quy bái tổ”, chị lại chọn cách lặng lẽ đứng chờ hơn 2 tiếng đồng hồ để “nhường” chồng cho xã hội thì thật đáng khâm phục. Có lẽ, chị cũng hiểu chồng mình nhiều nhất. Rằng, đi mãi cũng không đâu bằng nhà. Và, có lẽ cũng bởi, cuộc sống của anh chị đã quen với những chuyến đi - trở về rồi nên việc có đợi thêm 2 tiếng nữa cũng không phải là quá khó khăn. Và có lẽ cũng bởi, chồng là của mình là cha của các con nên kiểu gì chẳng về nhà cùng mình, còn những người hâm mộ kia, đâu phải lúc nào cũng có cơ hội “chạm” đến thần tượng của họ, nên “nhường” một chút có lẽ cũng không có gì là quá khó khăn.
Đợi chờ - đợi chờ và đợi chờ
Cũng trong bài viết của đồng nghiệp kể trên, vợ của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh còn chia sẻ thêm rằng: “Chị Giang quá quen với những lần ra sân bay đón Hoàng Xuân Vinh, nhưng đây là lần đặc biệt nhất. Buổi chiều chị Giang cứ đi ra, đi vào, mắt nhìn đồng hồ còn tay nhẩm xem còn mấy tiếng nữa là chồng về tới Hà Nội. Chuyến bay của Xuân Vinh kéo dài tới 30 tiếng nhưng cảm giác lâu như vài ngày.”
Cuộc đời của những người làm thể thao là vậy đấy! Có những chuyến đi về âm thầm lặng lẽ, không ai đoái hoài, chỉ có người thân luôn đưa đón tận tuỵ không màng vinh hiển. Thế nhưng, khi bỗng chốc mọi chuyện thay đổi, những đón đưa giờ là của cả xã hội thì người thân lại chọn cách nép mình lại một bên, nhường phần cho những “nóng nhiệt”. Hơn ai hết, chị Giang là người thấu hiểu cảm giác đón - đưa chồng mình như thế nào. Không có những tấm Huy chương thì chị vẫn làm nhiệm vụ đó như một phần trách nhiệm, và tình yêu thương của cuộc sống hôn nhân. Giờ có thêm những vinh quang thì có lẽ cũng chỉ khác là chị ngỡ ngàng với chính mình trong đám đông - một điều chưa từng quen. Mà dễ thường có mấy người quen khi bỗng dưng một ngày mình trở thành tâm điểm của cả xã hội. Bởi vậy, nép mình tại một góc sân bay có khi lại là một “chiến lược” tốt của vợ người hùng.
Có lẽ vậy! Thế nên người xưa mới có câu, “lạt mềm buộc chặt”, sự khéo léo nhẹ nhàng của chị Giang có lẽ là niềm tin nơi hậu phương để Hoàng Xuân Vinh có thể yên tâm tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc, như chuyến về nước đợt này, anh cũng sẽ chỉ ở lại cùng gia đình một thời gian ngắn, sau đó lại cùng đồng đội tập trung đội tuyển luyện tập cho những mục tiêu lớn trước mắt.
Rồi những ồn ào cũng qua đi, đám đông cũng sẽ vơi bớt sự hâm mộ theo thời gian, vinh quang cũng chẳng tồn tại mãi mãi, thế nhưng sự chân thành, tình nghĩa vợ chồng và sự đầm ấm của ngôi nhà là điều sẽ bên cạnh xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đủ để anh vững tâm trong những lần thi đấu tiếp theo.
Phải chăng, đó mới là giá trị lớn nhất mà một người đàn ông tìm kiếm trong đời mình? Và với người viết, lần thứ hai khẳng định rằng, bức hình xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đỏ hoe mắt ôm chặt vợ và hai con tại sân bay là khoảnh khắc đẹp nhất của buổi tối vinh quang đó!