Sau vụ sàn lan tông sập cầu Ghềnh ở TP Biên Hòa, nhiều người dân và tài công lái tàu thường qua cầu đường sắt Bình Lợi tỏ ra lo lắng vì cầu này có tĩnh không thông thuyền quá thấp, đang rất yếu sau 114 năm hoạt động.
Cầu đường sắt Bình Lợi được hoàn thành xây dựng vào năm 1902, nối giữa quận Thủ Đức và quận Bình Thạnh (TP HCM), là cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn. Cầu có kết cấu vòm thép với chiều dài 276 m, gồm 6 nhịp, mặt cầu bằng gỗ, ở giữa là đường ray tàu hỏa nối Sài Gòn và Biên Hòa.
Ngày nay cầu đường sắt Bình Lợi là câu cầu huyết mạch cửa ngỏ Sài Gòn trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. Ngoài đường ray tàu hỏa chính, cầu có 2 đường phụ lưu thông xe máy. Mặt cầu dành cho xe máy chạy qua đây được ghép từ những tấm thép thủng lỗ, chắp vá dày đặc.
Do tĩnh không cầu thấp (1,5 m), khoang thông thuyền hẹp (30 m) nên những lúc triều cường dâng xấp xỉ mức báo động 3 khiến hàng trăm tàu kéo, sà lan vận chuyển vật liệu xây dựng phải neo đậu dày đặc ở hạ nguồn và thượng nguồn gây tắc nghẽn giao thông.
Sự cố sập cầu Ghềnh (Đồng Nai) khiến cho nhiều người lo lắng khi mỗi ngày hàng trăm phương tiện tàu thuyền, sà lan lưu thông qua cây cầu hơn 100 năm tuổi này. Sau nhiều lần bị tông va hoặc mắc kẹt, cầu đường sắt Bình Lợi hiện rất yếu.
Đây là hồi chuông ảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn cho những cây cầu sắt đầu tiên của Sài Gòn. Do vậy, mỗi khi tàu thuyền có độ cao lớn chạy đến, lực lượng CSGT đường thủy phải tích cực phân luồng, hướng dấn.
Theo Phòng CSGT đường thủy TP HCM, từ năm 2010 đến nay, liên tiếp xảy ra tình trạng phương tiện thủy va vào dầm cầu, trụ bảo vệ, nhiều vụ phải cử lực lượng cứu hộ đến đánh chìm sà lan để cứu cầu sắt Bình Lợi.
Các chủ tàu chở hàng qua lại cầu Bình Lợi luôn thấp thỏm lo sợ vì gầm cầu quá thấp, phải chờ thời điểm con nước thấp, hoặc bơm nước sông vào khoang để hạ độ cao mới dám lưu thông tiếp.
Ngoài cầu sắt Bình Lợi, trên địa bàn TP HCM còn có cầu Rạch Dơi, cầu Long Kiểng, Phước Kiểng, Rạch Tôm và hàng loạt cây cầu khác nằm trong diện báo động đỏ, không đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường thủy.
Không chỉ tàu thuyền, nhiều phương tiện xe máy qua lại cây cầu cũng luôn thấp thỏm lo sợ nguy hiểm vì cầu có nguy cơ đổ sập do tàu thuyền, sà lan tông trúng giống như sự cố tại cầu Ghềnh vừa qua.
Người đi bộ cũng hồi hộp lo sợ khi phải đi chung đường với xe máy, nguy cơ cây cầu gặp sự cố bất ngờ khi tàu thuyền chạy phía dưới.
Ông Ba Chúc gắn bó với xóm chài, làm bạn với sông Sài Gòn hơn nửa đời người đã chứng kiến nhiều vụ sà lan đâm vào cầu Bình Lợi, khiến giao thông đường thủy bị ùn tắc. Vợ chồng ông luôn cùng người dân hai bên bờ sông mong mỏi cây cầu sẽ được sữa chữa chắc chắn, nâng cao tĩnh không thông thuyền đảm bảo an toàn đường sắt, đường thủy.
Cây cầu đầu tiên bắc qua sông Sài Gòn này từng nhiều lần bị sà lan tông hư hỏng nặng. Tháng 11/2015, một chiếc sà lan chở 1.000 tấn đá xây dựng từ phía hạ nguồn lên đã tông mạnh vào cầu làm cho thanh ray tàu lửa bị dịch chuyển lệch hẳn sang một bên, trong khi các dầm gỗ cố định của đường ray gắn trên cầu Bình Lợi bị gãy khiến tàu không thể qua lại khu vực cầu.
Nhiều vụ sà lan, tàu chở dầu cũng trong lúc chui cầu đã bị mắc kẹt, đội đường sắt lên cao khiến nơi đây bị phong tỏa nhiều giờ, tàu hỏa buộc dời chuyển, hủy chuyến. Các tài công chia sẻ, qua cầu Bình Lợi đòi hỏi người lái tàu phải có kinh nghiệm dày dạn để nắm vững dòng cháy, canh thủy triều và tay lái vững vàng mới dám lưu thông. Bất cứ sơ suất nhỏ nào cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng như vụ sập cầu Ghềnh.
Người dân cho biết, chạy xe máy qua cầu Bình Lợi mà gặp tàu hỏa đi qua thì rất hồi hộp bởi đoàn tàu khiến cây cầu 114 tuổi này rung lắc dữ dội. Bên cạnh đó, nếu sự cố tàu thuyền đâm va cầu Bình Lợi trong lúc có đoàn tàu đi qua sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Nhiều người thân, bạn bè, đồng nghiệp đã không khỏi xúc động khi chứng kiến những khoảnh khắc hạnh phúc của nam diễn viên và vợ trong lễ cưới diễn ra mới đây.