Chiều 5/9, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã họp báo, thông tin về tình hình dịch bệnh.
Không đổi giấy đi đường sau ngày 6-9
Trả lời câu hỏi liên quan đến thời hạn giấy đi đường (hết hạn sau ngày 6-9), Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu CA TP.HCM, cho hay quyết định của UBND TP kéo dài thời gian giãn cách đến ngày nào thì CA TP sẽ gia hạn kéo dài thời gian hiệu lực của giấy đi đường đã cấp đến ngày đó. “CA TP.HCM sẽ không đổi giấy đi đường để tránh phiền phức cho người dân” - ông Hà khẳng định.
Đối với các địa phương kiểm soát được tình hình dịch bệnh COVID-19 như quận 7 và huyện Củ Chi, TP sẽ có các phương án mở lại một số hoạt động sản xuất, kinh doanh. “CA TP.HCM cũng đã tính toán các giải pháp khi TP đặt ra các tiêu chí an toàn như tiêm ngừa vaccine, xét nghiệm, tuân thủ 5K trong hoạt động…” - ông Hà nói và khẳng định việc lưu thông sẽ có điều kiện.
Theo ông Hà, hiện nay CA TP.HCM cùng Sở Y tế, Sở TT&TT, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức đang cập nhật dữ liệu về những người đã tiêm vaccine, bệnh nhân F0, các trường hợp được cấp giấy đi đường, dữ liệu về an sinh xã hội... vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. “Khi chúng tôi đã cập nhật các thông tin này và khi TP.HCM đặt ra điều kiện an toàn với đối tượng nào, diện nào được lưu thông thì CA TP.HCM sẽ quản lý được” - ông Hà nói.
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết thêm CA TP.HCM đang mở rộng điểm kiểm soát quét mã QR các diện lưu thông trên đường. Sau khi hoàn thành, CA TP.HCM có thể không cần giấy đi đường vẫn có thể xác định mỗi người thuộc nhóm đối tượng nào, có được lưu thông hay không.
Từ đó, ông Hà đề nghị các cơ quan, đơn vị phối hợp cập nhật nhanh thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của CA TP.HCM để kiểm soát sau này. Ngoài ra, ông cũng khuyên người dân nên tham gia chích ngừa vaccine sớm nhất để có thể tham gia các hoạt động an toàn.
Tính toán mở lại chợ truyền thống
Trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề mở lại chợ truyền thống, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết đây là một trong những phương án tăng nguồn cung cấp hàng hóa cho người dân.
“TP.HCM thời gian qua chưa bao giờ có chủ trương đóng cửa hoặc dừng các hoạt động hệ thống phân phối, đặc biệt là các chợ truyền thống” - ông Phương nói và cho rằng việc tạm ngưng hoạt động là do yêu cầu phòng chống dịch và yêu cầu thực tế của từng địa phương.
Với yêu cầu bổ sung nguồn cung hàng hóa cho người dân, Sở Công Thương đã tính toán, đề xuất với UBND TP các mô hình, các cách thức để mở lại các chợ truyền thống trong trường hợp sau khi tạm ngừng hoạt động do có các ca lây nhiễm. UBND TP cũng đã có văn bản chỉ đạo các quận, huyện.
Liên quan đến chợ Bình Điền, ông Phương cho biết Sở Công Thương đã làm việc với các ngành liên quan, Công ty Chợ Bình Điền. Dự kiến đến ngày 7-9, sẽ bắt đầu tổ chức lại việc luân chuyển hàng hóa, giúp cho các thương nhân đưa hàng hóa về cung ứng cho hệ thống phân phối, bếp ăn tập thể và các chợ truyền thống.
Tỉ lệ dương tính vùng cam, đỏ/số xét nghiệm giảm
Liên quan đến tiến độ xét nghiệm, BS Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết tính đến ngày 4-9, hầu hết địa phương đã thực hiện xong đợt xét nghiệm đầu tiên ở cả năm vùng: Xanh, cận xanh, vàng, cam và đỏ.
Trong đó quận 7, Gò Vấp, huyện Củ Chi, Cần Giờ hoàn thành sớm, nhanh chóng bước vào đợt 2 nên tốc độ lấy mẫu cũng nhanh hơn nơi khác. tính đến ngày 5-9, 22 địa phương đã đạt tỉ lệ xét nghiệm trên 80% của đợt 2. Dự kiến trong ngày 6-9, tất cả địa phương tiến hành xong đợt 2.
Theo ông Tâm, cả TP.HCM mới hoàn thành xong đợt 1 xét nghiệm nên chưa thể đánh giá được tình hình một cách chính xác nhất. Tuy nhiên, dựa trên số liệu sơ bộ đến nay thì tỉ lệ dương tính vùng xanh và cận xanh là 0,8%; vùng vàng là 1,5%. Riêng vùng cam và đỏ có tỉ lệ đợt 1 là 3,6% và đợt 2 giảm xuống còn 2,7%.
“Số này có giảm nhưng chưa đúng kỳ vọng, chúng tôi kỳ vọng giảm phân nửa” - ông Tâm nói và cho rằng phải chờ hết ngày 6-9, ngành y tế mới có thể đánh giá con số chính xác và so sánh được.•
Luật sư được cấp giấy đi đường trong trường hợp nào?
Trả lời câu hỏi về trường hợp luật sư không thuộc đối tượng ra đường, có ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền lợi của người bị tạm giam, tạm giữ hay không, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết hiện nay các luật sư không nằm trong đối tượng được cấp giấy đi đường nhưng ban lãnh đạo CA TP.HCM đã có trao đổi với các cơ quan tố tụng trên địa bàn TP.
Đó là “đối với từng vụ việc cụ thể, khi có nhu cầu bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho bị can, người tạm giam thì cơ quan điều tra có trách nhiệm báo cáo về CA TP.HCM để CA TP cấp giấy đi đường trong phạm vi thời gian nhất định” - ông Hà nói.