Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.218.137 ca mắc COVID-19, đứng thứ 31/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 22.470 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.211.243 ca, trong đó có 1.497.427 bệnh nhân đã 90 được công bố khỏi bệnh.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (513.412), Bình Dương (292.799), Hà Nội (123.060), Đồng Nai (99.832), Tây Ninh (87.832).
Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.950.244 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.147 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 2.922 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 561 ca; Thở máy không xâm lấn: 113 ca; Thở máy xâm lấn: 533 ca - ECMO: 18 ca
Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 141 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 37.432 ca, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 32.104.839 mẫu tương đương 77.059.724 lượt người, tăng 51.556 mẫu so với ngày trước đó. I
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 180.366.266 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.023.934 liều, tiêm mũi 2 là 74.011.623 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 27.330.709 liều.
Bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 thần tốc xuyên Tết Nguyên đán
Bắt đầu từ hôm nay 29/1- 28/2, Bộ Y tế sẽ tổ chức Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thần tốc mùa Xuân năm 2022 cho toàn bộ trẻ em, người lớn có chỉ định và đến thời gian tiêm.
Đây là nội dung triển khai chiến dịch tiêm chủng đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022 của Bộ Y tế.
Theo kế hoạch của Bộ Y tế, chiến dịch được triển khai trên quy mô toàn quốc tại tất cả các xã, phường, thị trấn.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế tổ chức triển khai Chiến dịch tiêm chủng mùa xuân trên địa bàn đảm bảo hiệu quả và an toàn, tuyệt đối không để lãng phí. Triển khai chiến dịch đảm bảo tiêm chủng theo đúng số lượng vaccine COVID-19 đã được cấp, không để lãng phí vaccine.
Đến ngày 28/1,cả nước đã tiêm vượt mốc 180 triệu liều vaccine phòng COVID-19, số vaccine tiêm trong ngày 27/1 là gần 773 nghìn liều.
Trước đó, sáng ngày 18/1, Việt Nam tiêm chủng được hơn 170 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Như vậy trong 10 ngày qua, cả nước đã tiêm được khoảng 10 triệu liều vaccine.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai "thần tốc" và "thần tốc hơn nữa" trong việc tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người 18 tuổi trở lên và mũi 2 cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Đặc biệt chú ý tổ chức tiêm an toàn, thuận lợi cho người có nguy cơ cao, rà soát không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vaccine để tập trung tiêm đủ liều cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên trong thời gian ngắn nhất.
Có thể ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm COVID-19 và tiềm ẩn nguy cơ lây lan trong cộng đồng dịp Tết
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 166 ca mắc COVID-19 do biến chủng Omicron tại TP. Hồ Chí Minh (92), Quảng Nam (27), Hà Nội (14), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8), Kiên Giang (4), Quảng Ninh (2), Thanh Hóa (2), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Long An (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (1), Lâm Đồng (1).
Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2022, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả biến chủng Omicron và thậm chí có thể sẽ có những biến thể mới khác ngoài Omicron, trong bối cảnh dần mở cửa các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế trở lại sẽ làm gia tăng số nhập viện, tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến các nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh nặng (người già, người có bệnh nền).
Bộ Y tế thường xuyên trao đổi với WHO để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này, trên cơ sở đó đề xuất các phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả phù hợp với diễn biến tình hình dịch.
Bệnh nhân COVID-19 tử vong vì tự điều trị tại nhà, không khai báo trạm y tế
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết Bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 quận 5 vừa tiếp nhận một bệnh nhân COVID-19 65 tuổi tử vong do tự điều trị tại nhà, không khai báo y tế phường.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, trưa 27/1, Bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 quận 5 tiếp nhận một người bệnh 65 tuổi trong tình trạng da niêm tím tái, ngừng tim, ngừng thở trước nhập viện do bị COVID-19, không khai báo với trạm y tế phường.
Khi tiếp nhận thông tin từ người sống cùng nhà với người bệnh tại phường 11, quận 5 thông báo qua điện thoại với các dấu hiệu nguy kịch, nhân viên y tế mang bình oxy và phương tiện cấp cứu đến thì người bệnh trong tình trạng tím tái, ngừng tim, ngừng thở.
Sau khi khai thác tiền sử bệnh, được biết gia đình người bệnh có 3 người (2 người cô trên 65 tuổi sống cùng 1 người cháu) và gia đình đã từ chối tiêm vaccine sau nhiều lần được trạm y tế và UBND phường tư vấn, vận động tiêm.
Trước đó 2 tuần, người cháu nhiễm COVID-19 tự cách ly tại nhà, và trong 1 tuần nay 2 người cô cũng nhiễm bệnh, tất cả đều không khai báo trạm y tế phường. Trước đó 1 ngày, người bệnh than mệt, khó thở nhưng không chịu nhập viện.
Đến trưa 27/1, người cháu sống cùng thấy người bệnh tím tái, lơ mơ mới gọi điện thoại thông báo cho trạm y tế. Mặc dù nhân viên y tế đã đến nhà xử trí và chuyển viện cấp cứu nhưng bệnh nhân đã tử vong trước khi nhập viện.
Bệnh viện thu dung, điều trị COVID-19 quận 5 cảnh báo và khuyến cáo người dân nên tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (liều cơ bản và bổ sung/nhắc lại) để tự bảo vệ sức khỏe cho mình, đặc biệt người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, bởi có nhiều bằng chứng cho thấy vaccine COVID-19 làm giảm nguy cơ nhập viện và tử vong.
Trường hợp người dân tự xét nghiệm dương tính với COVID-19 phải khai báo với y tế địa phương để được hướng dẫn, chăm sóc, điều trị kịp thời, tránh nguy cơ chuyển nặng và lây nhiễm cho người thân, cộng đồng.
Để không xảy ra trình tạng đáng tiếc như trên, người dân nên tự bảo vệ sức khỏe của mình, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán này bằng cách:
1. Thông báo cho trạm y tế nếu có các dấu hiệu: ho, sốt, đau họng, khó thở, đau mỏi cơ, mệt mỏi, mất vị giác/khứu giác…
2. Thông báo cho trạm y tế nếu tự xét nghiệm dương tính với COVID-19 để được nhân viên y tế tư vấn, hướng dẫn chăm sóc, điều trị kịp thời.
3. Tiêm vaccine COVID-19 đủ liều.
4. Thực hiện 5K (Khẩu trang - Khoảng cách - Khử khuẩn - Không tụ tập - Khai báo y tế).