Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 860.860 ca mắc COVID-19 đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.743 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 856.197 ca, trong đó có 787.687 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 02/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Hòa Bình.
+ Có 16 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Kon Tum, Hưng Yên, Điện Biên. Thái Nguyên.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (416.665), Bình Dương (224.877), Đồng Nai (58.105), Long An (33.684), Tiền Giang (14.965).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
(Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cdc. kcb. vn)
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 16/10 là 1.581 nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 790.504
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.528 ca, trong đó:
- Thở oxy qua mặt nạ: 2.382
- Thở oxy dòng cao HFNC: 520
- Thở máy không xâm lấn: 136
- Thở máy xâm lấn: 471
- ECMO: 19
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 98 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.131 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
- So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 35/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 120.769 xét nghiệm cho 245.424 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 20.831.290 mẫu cho 57.525.421 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm là 60.518.594 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 42.896.644 liều, tiêm mũi 2 là 17.621.950 liều.
TP HCM: Hơn 75% số người trên 18 tuổi đã tiêm mũi 2 vaccine phòng COVID-19
Chiều 16/10, Sở Y tế TP HCM có văn bản khẩn gửi UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện về việc đẩy nhanh tiêm đủ liều vaccine cho người trên 18 tuổi đang cư trú trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Sở Y tế đề nghị UBND TP Thủ Đức và quận, huyện khẩn trương rà soát lại danh sách người trên 18 tuổi đang cư trú trên địa bàn, thống kê báo cáo số người đã tiêm mũi 1, số người đã tiêm mũi 2, số người chưa tiêm mũi 2, trong đó có bao nhiêu người đã đến hạn nhưng chưa được tiêm với các lý do đã nhiễm COVID-19, không còn ở nơi cư trú, đã tiêm nơi khác...
Ngoài ra, Sở Y tế đề nghị UBND TP Thủ Đức và quận, huyện khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức tiêm và áp dụng nhiều hình thức thông tin, mời gọi người dân trên địa bàn đến tiêm mũi 1 và mũi 2 (những người đã đủ thời gian theo quy định).
TP Thủ Đức và quận, huyện báo cáo về Sở Y tế trước ngày 19/10/2021 để Sở Y tế báo cáo với UBND TP HCM.
Theo Sở Y tế, tính đến sáng 16/10, TP HCM đã có 12.540.079 lượt người trên 18 tuổi được tiêm vaccine phòng COVID-19, trong đó 7.108.234 lượt người được tiêm mũi 1 và 5.431.683 lượt người được tiêm mũi 2. Số người trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 đã đạt 98,60% và mũi 2 đạt 75,35%.
Phú Yên: Từ ngày 17/10 phòng chống dịch COVID-19 theo cấp độ nguy cơ thấp
Theo văn bản mới nhất của UBND tỉnh Phú Yên, từ 0h ngày 17/10, toàn tỉnh Phú Yên áp dụng biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tương ứng cấp độ 1 (mức nguy cơ thấp, bình thường mới) theo nghị quyết 128.
Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi hoạt động phải đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thực hiện nghiêm 5K; yêu cầu tất cả người vào/ra địa điểm công cộng, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, các địa điểm sản xuất, kinh doanh, sự kiện đông người phải thực hiện quét mã QR.
UBND các huyện, thị xã, thành phố duy trì chế độ ứng trực thường xuyên, hoạt động của các Tổ COVID cộng đồng, đội kiểm tra cơ động của công an huyện, thị xã, thành phố và cơ sở xã, phường, thị trấn hoạt động hiệu quả để rà soát, quản lý, giám sát việc di biến động người dân trên địa bàn.
Chỉ đạo cơ quan y tế địa phương và các lực lượng chức năng tổ chức giám sát, theo dõi sức khỏe và xét nghiệm virus SARS-CoV-2 theo quy định và hướng dẫn của ngành Y tế đối với những người cư trú trên địa bàn khi trở về từ địa phương, khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (được công bố tại trang thông tin điện tử của Bộ Y tế); xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 và công tác kiểm tra, giám sát tại các cơ sở khám, chữa bệnh, các cơ sở kinh doanh, sản xuất, dịch vụ trên địa bàn và các khu vực có nguy cơ khác.
Hoàn thành kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19, ưu tiên tiêm vắc xin cho người trên 50 tuổi, công nhân các khu/cụm công nghiệp, lực lượng vận chuyển, người làm việc tại các khu vực nguy cơ lây nhiễm cao như trung tâm thương mại, siêu thị, chợ... theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Bình Dương: Đã tiêm được 3.298.392 liều vaccine phòng COVID-19
Ngày 16/10, Sở Y tế Bình Dương thông báo toàn tỉnh ghi nhận 385 ca mắc COVID-19 mới qua xét nghiệm RT-PCR, giảm 148 ca so với ngày 15/10, nâng tổng số ca nhiễm trong đợt dịch thứ 4 đến nay lên 224.877 ca.
Tính đến ngày 16/10, toàn tỉnh đã tiêm được 3.298.392 liều vaccine phòng COVID-19, trong đó có 2.294.384 người tiêm mũi 1 và 1.004.008 người tiêm mũi 2.
Theo Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế về hướng dẫn tạm thời chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COIVD-19", người từ các tỉnh, thành khác về Bình Dương không thực hiện cách ly y tế; chỉ thực hiện cách ly đối với người đến từ địa bàn có dịch (địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế), người tiếp xúc gần (F1) thực hiện theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.
Đối với người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người dưới 18 tuổi (trẻ em), thực hiện cách ly tại nhà và có người chăm sóc cách ly cùng.