Trong hơn hai tháng qua kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, nhiều quốc gia trên thế giới lao đao vật lộn với công cuộc bảo vệ người dân và đẩy lùi dịch bệnh. Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, tính đến ngày 19/4, số ca tử vong trên toàn thế giới 160.582 trường hợp, số ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận là 2.329.901.
Một trong những nguyên nhân khiến số người chết vì virus corona trên toàn cầu gia tăng chóng mặt là do việc lây lan dịch theo cấp số nhân đã vượt quá năng lực hạ tầng y tế. Đồng thời, việc thiếu hụt trang thiết bị chữa bệnh, mà cụ thể là máy thở để hỗ trợ hô hấp, duy trì sự sống cho bệnh nhân viêm đường hô hấp ở nhiều quốc gia đã trở thành vấn đề đau đầu mà toàn thế giới đang phải đối mặt.
Có thể nói, máy thở là thiết bị y tế cực kì quan trọng và cần thiết để cứu sống bệnh nhân viêm đường hô hấp nói chung và người dương tính với COVID-19 nói riêng. Vì vậy, việc thiếu hụt máy thở cũng là điều vô cùng nguy hiểm trong trường hợp dịch bệnh bùng nổ mạnh.
Khi người Việt hướng về quê hương
Nhìn thấy thực trạng trên, công ty Metran với gần 40 năm tích lũy kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực sản xuất máy thở tại Nhật Bản do ông Trần Ngọc Phúc - Người Nhật gốc Việt - Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị kết hợp với hai nhà tài trợ là Đại học Văn Lang và tập đoàn Vạn Thịnh Phát, nhanh chóng nghiên cứu cho ra đời dòng máy thở mới nhất được đặt tên là Eliciae MV20 (gọi tắt là MV20).
Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông, ông Trần Ngọc Phúc đã chia sẻ: “Là một người con Việt Nam nhiều năm được học tập, làm việc, nghiên cứu, tiếp thu nền công nghệ cao của Nhật Bản, mặc dù ở nước ngoài nhưng mọi lúc mọi nơi, tâm trí tôi luôn hướng về quê hương Tổ Quốc”.
Trong tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam đang cần sự trợ giúp trong công cuộc phòng chống dịch, với tình yêu thương đất nước, ông mong muốn góp một phần công sức cho Việt Nam bằng tri thức và uy tín 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất máy thở. Đây cũng là lý do khiến ông Trần Ngọc Phúc đau đáu mang công nghệ sản xuất máy thở MV20 về Việt Nam đầu tiên, dù thiết bị này hiện được nhiều công ty sản xuất y tế nổi tiếng thế giới quan tâm và mong muốn được chuyển giao công nghệ.
Trong hành trình thực hiện ước mơ cống hiến cho Tổ Quốc, ông Trần Ngọc Phúc đã được Đại học Văn Lang và tập đoàn Vạn Thịnh Phạm đầu tư tài trợ 100% kinh phí sản xuất 2.000 máy thở MV20 để tặng cho Chính phủ Việt Nam.
“Tôi cảm ơn nghĩa cử của các nhà tài trợ đã đầu tư cho dự án này. Với dự án máy thở MV20, tôi có một nguồn động lực to lớn đó là sự ủng hộ hết sức chu đáo, tận tình từ các cơ quan ban ngành của Chính phủ Việt Nam cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản. Đặc biệt, tôi xúc động vì đã được Thủ tướng giao nhiệm vụ, động viên để cả tôi và các nhà đầu tư hoàn thành máy thở MV20 một cách chất lượng nhất, nhanh nhất có thể. Bằng chứng là, lô máy thở đầu tiên trong tháng 4 đã được hoàn thành”.
MV20 là dòng máy thở được sản xuất với các chức năng hữu hiệu nhất, tiên phong kết hợp hai chức năng xâm lấn và không xâm lấn. Nhà phát minh khuyến cáo nên sử dụng chức năng xâm lấn để điều trị COVID-19 nhằm tránh lây nhiễm chéo cho bệnh nhân và các y bác sĩ. MV20 không đơn thuần là chiếc máy thở mà còn cung cấp một giải pháp công nghệ y tế chất lượng cao, tinh hoa và thừa hưởng uy tín của gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất máy thở của công ty Metran.
Máy thở MV20 sử dụng công nghệ tiên tiến nhất nhưng gọn nhẹ, dễ dàng thao tác với độ chính xác cao, dễ vận chuyển. Mặc dù MV20 sở hữu công nghệ mới nhất trong ngành công nghiệp sản xuất máy thở nhưng sử dụng thiết kế gần gũi với những nút điều chỉnh quen thuộc, dễ nhận biết sử dụng với các bác sĩ, nhân viên y tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh không những ở các bệnh viện trong những thành phố lớn mà còn dễ sử dụng với các bác sĩ vùng xa,trong các bệnh viện tuyến huyện. Điều này phù hợp với chiến lược phòng chống dịch 4 tại chỗ của Bộ Y Tế, Chính phủ Việt Nam.
Đồng thời, máy thở MV20 được thiết kế thân thiện với môi trường, với giải pháp công nghệ y tế đầy nhân bản, cố gắng tối đa bảo vệ bệnh nhân, y bác sĩ chữa bệnh và môi trường bệnh viện tuyệt đối an toàn. Máy thở MV20 cung cấp nguồn không khí tươi nguyên chất Oxy và khí nén cho bệnh nhân, tránh sử dụng không khí trong phòng bệnh - vốn có nguy cơ nhiễm khuẩn cao; đồng thời có bộ phận thu hồi khí thải được xử lý để tránh lây nhiễm chéo trong môi trường khám chữa bệnh. Ngoài ra, máy thở MV20 có giá thành hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam.
Với tất cả ưu thế trên, máy thở MV20 đảm bảo sản xuất với thời gian nhanh nhất, số lượng lớn để kịp thời đáp ứng nhu cầu chữa bệnh trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 lan rộng với số lượng ca nhiễm tăng cao. Đại học Văn Lang và tập đoàn Vạn Thịnh Phát không chỉ là nhà đầu tư và tài trợ 2.000 máy thở mà còn tài trợ chi phí huấn luyện đào tạo cho các bác sĩ sử dụng máy thuần thục trong thời gian ngắn nhất, đồng thời cung cấp các giải pháp bảo hành hiệu quả nhất cho các máy thở MV20. Tóm lại, máy thở Eliciae MV20 là giải pháp tối ưu trong công cuộc phòng chống đại dịch nCOV tại Việt Nam.
Chung tay vì sứ mệnh bảo vệ cộng đồng
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và nhiều quốc gia bị “khủng hoảng” y tế vì không kịp xoay trở thì hành động chung tay, cùng nhau và vì nhau bảo vệ người Việt, đẩy lùi dịch bệnh của trường Đại học Văn Lang, công ty Vạn Thịnh Phát cùng công ty Metran Nhật Bản là vô cùng đáng quý.
Với Đại học Văn Lang, đơn vị có nhiều đóng góp tích cực, đào tạo không ít nhân lực bổ sung cho ngành Y Tế Việt Nam, trường đã vận dụng triết lý giáo dục dựa trên giá trị cốt lõi và hướng đến giá trị tích cực cho cộng đồng bằng những hành động thiết thực để khơi nguồn thực hiện dự án ý nghĩa lần này. Là người đứng đầu nhà trường - TS. Nguyễn Cao Trí thấu rõ tầm quan trọng của máy thở trong đại dịch COVID-19 nên đã nhanh chóng đàm phán, trực tiếp kết nối các đơn vị để xúc tiến dự án tài trợ 2.000 máy thở MV20 cho chính phủ Việt Nam.
Mặc dù kinh phí tài trợ sản xuất dự án này là cực kỳ lớn, là khoản kinh phí tài trợ cho ngành y tế lớn nhất từ trước tới nay của trường, trong bối cảnh đại học Văn Lang đang đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tuy nhiên trước sứ mệnh chung tay bảo vệ đất nước, trách nhiệm với cộng đồng, đơn vị đã không ngần ngại chi khoản tiền lớn, với quyết tâm cùng cả nước đẩy lùi dịch COVID-19, đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Có thể thấy, dự án 2.000 máy thở cho Việt Nam không phải là hoạt động tài trợ đơn thuần, mà là dự án truyền cảm hứng cho cộng đồng một cách mạnh mẽ, kết nối người Việt xa xứ như ông Trần Ngọc Phúc, cùng góp sức, đồng lòng hỗ trợ, hướng về quê hương bằng việc sáng chế máy thở riêng cho Việt Nam chống dịch COVID-19. Nghĩa cử cao đẹp đó của trường đại học Văn Lang, công ty Vạn Thịnh Phát và công ty Metran đã góp phần lan tỏa yêu thương, thôi thúc nhiều đơn vị trong lẫn ngoài nước chung tay đồng hành, tạo ra những lợi ích tốt đẹp cho xã hội.
Đồng thời, trong bối cảnh kinh tế khó khăn vì dịch bệnh COVID-19, những hành động đẹp và tấm lòng của các đơn vị nêu trên càng nhân lên tinh thần tương thân tương ái vì sứ mệnh duy trì, bảo vệ và phát triển đất nước.