- Con đi như vầy ba mẹ lo lắm, ca nhiễm thì ngày càng tăng, đâu biết mình bị lây lúc nào. Ba mày nghe mày đi chống dịch ổng lo, ngủ không có được. Ở nhà ai cũng trông hết nghe con.
Mẹ nói xong thở dài một tiếng, rõ đến mức có thể tưởng tượng bên kia đầu dây là gương mặt âu lo, rầu rĩ. Nhưng Thịnh chỉ cười: “Mẹ yên tâm nghen, hết dịch con về liền, đảm bảo an toàn lành lặn”.Thịnh tắt máy, mặc chiếc “áo giáp” gồm bộ đồ bảo hộ màu xanh, 2 lớp kính chống giọt bắn, khẩu trang… rồi tức tốc lên đường.
Đồng hồ điểm 10 giờ trưa, trời nắng gắt, không một luồng gió nào có thể thổi vào bộ quần áo kín mít. Chưa được 30 phút, mồ hôi tuôn ra xối xả, thở một hơi kính đã nhòe, Thịnh đưa tay chậm chậm lên trán, nhìn số người xếp hàng lấy mẫu còn dài dằng dặc, cậu tự nhủ với bạn thân mình: “Cố lên nào, Thịnh ơi”.
Phan Văn Thịnh, hiện đang là sinh viên của trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM). Cậu bạn đã xung phong vào đội ngũ tình nguyện viên tại TP.HCM. Công việc của Thịnh là nhập liệu và lấy mẫu, luôn sẵn sàng “tác chiến” bất kể nắng mưa, ngày đêm.
Mấy ngày Sài Gòn nắng gắt, Thịnh vẫn cố gắng không uống nước vì cởi đồ bảo hộ ra là rất bất tiện, chưa kể nguy cơ lây nhiễm cao. Ngày Sài Gòn mưa tầm tã, Thịnh “lội ngược dòng” đi từ quận 10 sangKhu chế xuất Tân Thuận tạiquận 7. Tới nơi, áo quần ướt đẫm, cậu lau khô người rồi nhanh chóng bắt tay vào việc. Khi người dân cuối cùng được lấy mẫu cũng là lúc nửa đêm, đường phố không một bóng người. Cả nhóm tình nguyện viên phải chạy nối đuôi nhau để đỡ sợ. Người Hóc Môn, người quận 12, người huyện Bình Chánh… ấy vậy mà sáng ngày mai, “đội tác chiến” lại có mặt đầy đủ để chuẩn bị cho nhiệm vụ mới.
Mà động lực cho mấy ngày khó khăn này cũng không có gì “to tát” đâu. Tại “mình yêu Sài Gòn á”, Thịnh cười. Cậu yêu cái hẻm nhỏ rộn vang tiếng nói cười, yêu cả cái cách mà người ta đùm bọc lẫn nhau.
- Ê bà bảy, nghe nói cái khu đó hôm qua xét nghiệm hết rồi,không có ai dương tính hết á.
- Còn mớ thịt nè, bây để kho cho sấp nhỏ ăn mấy ngày nghỉ dịch.
- Thôi tiền nhà tháng này bớt 500.000 nghen.
….
Sài Gòn của cậu cái gì cũng đáng yêu, heng?!
TP.HCM bắt đầu giãn cách theo chỉ thị 15, đề nghị người dân đeo khẩu trang, không tụ tập đông người và không ra ngoài khi không có việc cần thiết…
Dòng chữ chạy ngay bảng tin nóng sáng nay khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Còn những người “không có nhà”, họ sẽ đi đâu, về đâu? “Lúc đó, trong đầu mình nghĩ ngay đến những người vô gia cư, hoàn cảnh khó khăn như bán vé số, ve chai… Và một bữa ăn, là điều nhỏ bé nhất mà mình có thể làm cho họ lúc này”, anh Lâm Quách chia sẻ.
"Sư tử ăn chay” là cách gọi vui mà bạn bè dành tặng cho chàng trai có cơ bắp lực lưỡng nhưng sống theo chế độ thuần chay. Với chiếc balo trên vai, hai túi cơm to chất trên xe, anh đã rong ruổi đi khắp Sài Gòn để dành tặng cho người khó khăn những bữa ăn tử tế.
Có chú lớn tuổi đang chặt than nướng bánh bán. Không biết vì than cay mắt hay vì mỏi mệt quá, mắt chú ươn ướt, thều thào với anh: “Chú mệt quá, con ơi”.
Có cô bán vé số bịn rịn trước lúc anh rời đi: “Mai con còn phát nữa không? Nếu có nhớ tới cô nha. Dịch bán ế nên khổ quá con ơi”… Mấy lần như vậy, anh quay xe đi mà thấy khóe mắt mình cũng cay cay.
…
“Lúc đầu,mình có gặp khó khăn một chút về việc đi phát cũng như kinh phí tự bỏ ra làm, nhưng sau này khi mọi người biết đến, ủng hộ, phụ đi phát nên mọi chuyện dần dần ổn định. Mình chỉlo nhất là sự an toàn của các bạn tình nguyện viên, nên dặn các bạn cẩn thận và giữ khoảng cách nhất có thể, luôn mang theo gel rửa tay và về nhà tắm rửa súc họng ngay.Động lực củamình chính là ánh mắt rưng rưng, cái nắm tay bịn rịn hay những ánh mắt khắc khổ bừng sáng khi được tặng một bữa ăn nhỏ”, anh chia sẻ thêm.
Mỗi con người anh gặp, đều cho anh những câu chuyện không quên.
“Mình tình ngờ gặp bàtrong một lần ra công viên tập. Cái dáng nhỏ bé khắc khổ từng bước nặng nhọc của bà gây chú ý tới mình.Bà quê ở Cà Mau lưu lạc vào Sài Gòn. Chồng mất, con cái không có, một mình bà bơ vơ giữa Sài Gòn hoa lệ. Ban ngày, bà đi khắp nơi để xin ăn, tối tìm bậc thềm để ngả lưng. Mình vội chạy đi mua bánh và nước cho bà thì quay lại không thấy đâu nữa. Tìm bà nhiều ngày, mình mới có thể gặp được lần nữa”.
Từng vạt nắng chiều đổ xuống công viên, trên vỉa hè đó có cụ bà bật khóc vì lâu rồi mới có người nói chuyện, hỏi han. Bà chợthỏi anh:“Con có nhà không, có bố mẹ không?”. Mình gật đầu, bà bảo mình may mắn quá. Câu nói của bà làm trái tim mình nghẹn ngào.
***
Trời Sài Gòn hanh nắng, chiếc xe hơi tròng trành vì túi cơm quá nặng, ấy vậy mà nó cũng len lỏi hết các con đường, góc phố… Để từ đó, những đôi mắt đang ươn ướt vì nỗi lo cơm áo gạo tiền được hong khô, cái dạ dày trống rỗng được lấp đầy bởi bữa ăn đàng hoàng, tử tế.
Sài Gòn mình thương nhau từng bữa ăn, vậy nghen!
Sáng sớm, tôi nghe tiếng điện thoại ré lên, giọng mẹ tôi hớt hải: “Vậy hả má, trời ơi”… Bà ngoại tôi, một cụ bà 70 tuổi sống một mình trong căn chung cư Ehome 3, “ổ dịch” mới của TP.HCM, đã chính thức bị phong tỏa. Một cảm giác xót xa chạy dọc sống lưng. Điều đó đồng nghĩa bà và 7.600 cư dân nữa sẽ có cuộc sống tách biệt sau lớp rào chắn.
Mẹ tôi không thể chạy đến đó, gia đình tôi cũng không thể làm gì được cho bà lúc này, ngoài sự động viên. Nhưng giọng bà ngoại tôi vẫn đều đều qua điện thoại: “Không sao, má ổn. Ai cũng giúp đỡ nhau hết”.
Một chiếc túi thức ăn bao gồm thịt cá, trứng, rau củ được đặt ngay ngắn trước nhà bà ngoại tôi mỗi buổi sáng sớm. Không dám gặp gỡ nhau, cô hàng xóm chỉ nhắn tin qua điện thoại: “Con để trước cửa rồi, bác ra lấy nhé”.
Một nồi thịt kho được nấu giữa lòng tâm dịch, mọi người xuống chia sẻ cho nhau nhé!
Một thằng nhóc hàng xóm cứ gõ cửa nói: “Bà có cần gì thì nói con đi mua cho nhé”.
Giữa lòng Sài Gòn, có hàng nghìn cư dân trong chung cư đang san sẻ nhau cái tình thân thương. Họ tin rằng rồi Sài Gòn sẽ vượt qua được dịch bệnh, bằng sự tử tế, bằng lòng thương mến nhau.
Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, đây là khoảng thời gian duy nhất tôi không nhận ra thành phố mình đang sinh sống. Hồ Con Rùa lặng yên, chỉ có tiếng hoa chò rơi xuống mặt đường nghe xào xạc. Phố đi bộ không bóng người, lặng lẽ nằm im. Landmark 81, Bitexco sừng sững, rực sáng ánh đèn về đêm nhưng không còn tiếng nói cười…
Sài Gòn bị “sốt ho” mấy ngày nên đang nghỉ ngơi. Rồi Sài Gòn sẽ khỏe lại, bởi “liều vaccine yêu thương”, bởi người Sài Gòn đang dìu nhau qua cơn gian khó.