Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Sài Gòn mưa, Sài Gòn lụt, Sài Gòn…buồn!

Theo dự báo thời tiết, Sài Gòn lại sắp mưa lớn, đúng đợt triều cường mạnh nhất năm, vì thế nguy cơ phố phường ngập lụt là rất cao.

Ngày trước họ Trịnh có bài Em còn nhớ hay em đã quên, trong đó có câu: “Phố bỗng thành dòng sông uốn quanh” miêu tả những con đường ngập nước bởi triều cường. Ngày đó, đường phố Sài Gòn thành sông, còn bây giờ theo sự phát triển của tự nhiên, sông đã thành hồ; à không, thành biển. Chỉ có biển thì mới to như sân bay Tân Sơn Nhất được. Vâng, biển đã xuất hiện ở giữa Sài Gòn.

Tân Sơn Nhất chìm trong biển nước khi mưa lớn.

Tân Sơn Nhất chìm trong biển nước khi mưa lớn.

Tân Sơn Nhất “chìm trong biển nước”! Nghe mà kinh hãi. Nhưng quả thật, giống như lần ngập lụt cách đây hơn nửa tháng, có những con người đã bay lượn vòng cùng chiếc máy bay 6 tiếng trên bầu trời mới hạ được xuống đất. Thử nghĩ xem, Hà Nội - Sài Gòn có 1 giờ 40 phút bay mà đôi khi còn thấy dài ơi là dài! Vậy mà 6 tiếng chỉ bay loanh quanh trên trời, thực sự đó là trò chơi hại não kinh khủng. Nhưng biết sao được, khi đường băng bỗng biến thành biển nước, mà các máy bay dân dụng, đa số không có chức năng “bơi”, trừ thủy phi cơ. Nên đành bay lòng vòng trên trời để chờ… nước thoát hết mới hạ cánh được.

Sài Gòn cũng giống Hà Nội là nằm cạnh sông. Tuy nhiên, Hà Nội ở vị trí cao hơn mặt nước biển, và sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội cũng cách khá xa cửa biển. Vì thế, hầu như sông Hồng không có thủy triều, nước luôn chảy xuôi và Hà Nội không bao giờ bị ngập bởi nước sông, trừ khu vực ngoài bãi.

Câu hát của Trịnh: “Phố bỗng thành dòng sông uốn quanh” đã trở nên lạc hậu, vì giờ phố không chỉ là dòng sông hiền hà mà còn là thác lũ…

Còn Sài Gòn thì khác, là một thành phố có diện tích rộng lớn, kéo dài ra tận biển, do vậy, những con sông luồn lách ôm trọn thành phố vào lòng, và mỗi khi thủy triều lên, phố phường ven sông lại bị ngập nước. Hệ thống thoát nước ở Sài Gòn phải được tính toán rất kỹ để hạn chế tối đa hiện tượng “trào ngược” của thủy triều.

Tuy nhiên, những năm gần đây, Sài Gòn phát triển như vũ bão, hạ tầng cơ sở gần như “quá tải” trước tốc độ phát triển quá nhanh của đời sống xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, giao thông. Các công trình mọc lên như nấm, các khu chung cư cao cấp “vươn” ra vùng ngoại ô làm ảnh hưởng ít nhiều đến hệ sinh thái, đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng không đồng bộ, hoặc không đủ đáp ứng được sự phát triển ngày càng nhanh của mọi mặt đời sống xã hội.

Giao thông Sài Gòn hiện được cho là “khủng khiếp” nhất so với tất cả các địa phương trong cả nước. Dòng người nhập cư ngày càng tăng dẫn đến nhu cầu tham gia giao thông cũng vì thế mà tăng theo, và đương nhiên, hàng loạt xe cộ phát sinh đáp ứng nhu cầu của người dân. Đấy là dân Sài Gòn còn nổi tiếng là có ý thức khi tham gia giao thông, ít có trường hợp “phá rào”, hầu như đều chấp hành tốt Luật lệ, ấy vậy mà vẫn kẹt; kẹt bất kể giờ giấc, bất kể nắng mưa.

https://www.youtube.com/watch?v=Q8GzFNN6Rqw

Không ai có thể tin được, bỗng một ngày, đường phố Sài Gòn biến thành dòng thác lũ cuốn phăng cả những chiếc xe máy…

Cách đây vài tuần, một trận mưa lịch sử đã “nhấn chìm” Sài Gòn trong biển nước. Hệ thống giao thông gần như tê liệt hoàn toàn. Cuộc sống người dân bị đảo lộn. Không còn là “sông” như nhà Trịnh từng so sánh nữa, mà là “biển”, cả thành phố như một biển nước (trên mạng xã hội, nhiều cư dân Sài Gòn chia sẻ bằng những “mỹ từ” như vậy). Trời nắng kẹt xe đã khổ, trời mưa thì còn “nhục” trăm bề, mà cái phiền hà nhất là xe…chết máy giữa trời mưa, lúc bụng đói cồn cào, thân xác rã rời. Giữa dòng nước chảy như thác cuốn đúng lúc mưa to nhất, dắt được cái xe máy vào vỉa hè đã được coi là “kỳ tích”, chẳng ngoa.

Thực ra, không chỉ riêng Sài Gòn, Việt Nam mà ngay cả Paris - một thành phố văn minh và rất khoa học trong việc thiết kế cơ sở hạ tầng cũng đã từng “thất thủ” bởi trận mưa lịch sử đầu tháng 6 vừa qua. Dịp đó, cả Đức, Bỉ cũng từng hứng chịu những trận lụt “khủng khiếp” như vậy.

lut-o-paris-1

Paris - một thành phố văn minh, hạ tầng phát triển cũng từng bị nhấn chìm trong lũ.

Cũng như Sài Gòn, Hà Nội, hay nhiều địa phương khác, bỏ qua vấn đề về hệ thống thoát nước chưa tối ưu, thì những trận mưa “khác thường” cho thấy chúng ta đang phải hứng chịu hệ quả của sự biến đổi khí hậu, mà trong rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nạn chặt phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, ô nhiễm không khí, hiệu ứng nhà kính,… Và chúng ta, đang từng ngày phải hứng chịu những cơn cuồng nộ của thiên nhiên.

Hôm nay đọc tin, thấy Trung tâm khí tượng thủy văn báo rằng, Sài Gòn trong vòng 10 ngày tới sẽ bị ngập nặng bởi triều cường và mưa lớn. Chắc hẳn tin này sẽ khiến nhiều người lo lắng, vì không biết con cái sẽ đi học thế nào, người lớn đi làm ra sao. Những người buôn thúng bán bưng, hàng rong cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn. Cuộc sống mưu sinh, con người ta có thể sẵn sàng chịu đựng vất vả, khó nhọc nhưng đôi khi cũng đành bất lực trước thiên nhiên.

Vì miếng cơm manh áo, nhiều người vẫn phải bán hàng khi mưa lũ.

Vì miếng cơm manh áo, nhiều người vẫn phải bán hàng khi mưa lũ.

Thôi thì đành vậy. Coi như bỗng nhiên lại có vài ngày “nghỉ mát” ở nhà không phải làm việc, bật vài bài nhạc Trịnh lên nghe. Giữa trời mưa gió, kể cũng thú vị phết đấy chứ. Đôi khi cũng phải tự lạc quan tếu, vì nếu “trời” đã “khóc”, thì có làm kiểu gì cũng chẳng chống lại được ý trời. Thôi đành nghĩ “hết mưa là nắng ửng lên thôi”, mà quả đúng thế thật!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Ngô Bá Lục

Được quan tâm

Tin mới nhất