"Hiệp sĩ" giữa đời thường
Những ai thường đi ngang cung đường Hoàng Diệu quận 4 hẳn sẽ rất quen thuộc với hình ảnh anh Hiếu vá xe tốt bụng. Quê gốc ở Tiền Giang, anh lên Sài Gòn làm bảo vệ cho một cửa hàng thời trang để kiếm tiền gửi về cho gia đình.
Anh chia sẻ: "Anh làm bảo vệ dc một năm còn tiệm vá xe thì mới "khai trương" cách đây 2 tháng thôi. Buổi sáng anh bắt đầu công việc bảo vệ vào lúc 9 giờ 30 cho đến tối, tan ca thì thay áo để biến thành ông vá xe, gần sáng thì chợp mắt một chút, sau đó laị vá xe cho khách một lúc rồi mới trở lại làm bảo vệ".
Không giống như những cửa tiệm vá xe thông thường, “tiệm” của anh Hiếu chào đón tất cả khách hàng dù họ có tiền hay không. Chỉ cần đêm khuya lỡ đường là anh ra tay giúp đỡ.
Sài Gòn '2000 đồng'
Được thành lập bởi quỹ từ thiện Bông Sen, đến nay quán cơm nụ cười đã mở được 6 chi nhánh tại Sài Gòn. Những người nghèo khi đến quán sẽ có được một bữa ăn no đủ dinh dưỡng giá với giá 2000 đồng. Mỗi tháng một lần quán còn phục vụ món bún nước với giá 1000 đồng.
Cô Châu (chủ nhiệm chi nhánh 2,4,5) chia sẻ: “Số tiền 2000 đồng tuy không đủ để duy trì những bữa ăn nhưng giúp cho người nghèo cảm thấy họ là khách đến mua chứ không phải xin của ai. Hơn cả một bữa ăn, điều tụi cô trao đi trước hết là nụ cười. Nếu mình đối xử tốt với họ thì họ sẽ cảm nhận được sự sẻ chia”.
Gắn bó với quán ăn đã nhiều năm, cô Châu trở nên thân thuộc với người nghèo và có nhiều kỉ niệm với họ. Cô tâm sự: “Cũng có nhiều người đến ăn nhưng không có tiền, tụi cô cho miễn phí nhưng họ nhất quyết đòi ghi sổ nợ. Hôm khác có dư vài đồng thì lại hào phóng “bao” những người không có tiền. Có người đi làm về, dư được vài đồng cũng quyên góp cho quán. Không quan trọng họ cho bao nhiêu tiền, quý nhất là tấm lòng, cô tin những bữa cơm của quán cũng đã làm nảy nở trong họ lòng yêu thương”.
Từ ngày khai trương, quán cơm Nụ Cười đã trở thành điểm đến thân quen của vô số vị khách có hoàn cảnh đặc biệt.
Cô Thu (Tân Bình) chia sẻ: “Cứ đến trưa là cô dắt hai đứa con nhỏ lại đây ăn. Cô phụ bán cho quán cơm tấm gần nhà, không có thời gian đi chợ cơm nước cho tụi nhỏ vả lại gia đình cũng khó khăn. Nhờ có bữa cơm 2000 mà cô đỡ được tiền chợ, mấy đứa nhỏ được ăn no và ăn ngon. Tại chi nhánh Nụ Cười số 2 này, buổi trưa thì bán cơm còn buổi chiều là lớp học tình thương. Hai đứa con của cô cũng là học trò ở lớp này”.
Trong khi đó, chú Hoàng (Tân Bình) tâm sự: “Chú quê ở Thanh Hóa, vào Sài Gòn làm bảo vệ ở ngân hàng. Trước khi biết đến quán cơm Nụ Cười, chú thường ăn cơm tiệm hết 15.000. Được mọi người giới thiệu đến đây, mỗi bữa chú chỉ tốn có 2000 thôi. Ăn ở đây lâu năm, chú coi mọi người như gia đình thứ hai của mình. Bất cứ ai đến đây cũng được đối đãi rất nhiệt tình và tử tế”.
"Có tiền cũng vá, không tiền cũng vá"
Đó chính là câu khẩu hiệu chân chất và ấm lòng đến từ “tiệm” vá xe ngoài trời của anh Hiếu. Với một ít lốp xe, keo dán và dụng cụ, anh Hiếu đã trở thành người hùng của những “lữ khách” lỡ gặp phải đinh tặc vào ban đêm. Anh trải lòng: “Ở đây, anh không đề vá xe miễn phí vì thú thật mình làm công việc này cũng để kiếm thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống hằng ngày. Nhưng 40 năm cuộc đời, anh đã trải qua nhiều gian khó, khổ cực.
Anh nghĩ, có những người đi chơi, đi làm vể muộn mà xe bị hư dọc đường, trong túi có khi chỉ còn mười mấy ngàn. Chắc chắn họ sẽ ngại, đâu dám nhờ mình vá xe. Cho nên, anh đề thêm dòng chữ “không tiền cũng vá” để mọi người không còn ngại nữa, cứ đưa xe vào đây, anh vá hết. Ai có tiền thì trả, ai không có tiền thì anh cho họ luôn, coi như giúp đỡ nhau giữa cuộc sống khó khăn”.
Dù trời râm mát hay đêm hôm mưa gió, “tiệm” vá xe của anh Hiếu chưa bao giờ “đóng cửa”. Anh chia sẻ: “Nhiều buổi tối thấy trong người hơi mệt không muốn dọn đồ nghề ra nhưng anh lại sợ lỡ có ai hư xe, khuya lơ khuya lắc không tìm thấy chỗ sửa hoặc không đủ tiền thì biết làm thế nào. Thôi mình ráng một chút để giúp mọi người đi về được đến nhà”.
Công việc tuy vất vả, nhiều lúc ngủ quên anh còn bị kẻ tham lấy mất đồ nghề. Thế nhưng đổi lại, anh Hiếu đã có được rất nhiều niềm vui từ những vị khách hàng tình nghĩa.
Anh tâm sự: “Hôm nọ, vào lúc 2, 3 giờ sáng có một anh xe ôm bị hư lốp mà trong túi không đủ tiền. Anh vẫn thay cho cái ruột mới để người ta có phương tiện đi làm, trong đầu không nghĩ đến chuyện nhận lại.
Nào ngờ, mấy bữa sau anh chàng quay lại để cảm ơn và gửi tiền cái lốp xe. Lần khác, anh cũng giúp một ông chú thay ruột miễn phí. Chú làm bảo vệ ở nhà hàng, nên từ hôm đó cứ có đồ ăn mang về chú lại ghé cho anh để tỏ lời cảm ơn”.