Quận 5, quận 10, quận 11 là nơi tập trung đông người Hoa. Và một phần cách chế biến của ẩm thực Trung Hoa trứ danh lại được mang vào hơi thở Sài Gòn, trong đó có cả cà phê.
Mà trước đây nào đã có phin cà phê để khách ngồi chơi thư thả ngắm từng giọt sóng sánh nhỏ xuống ly. Cà phê xay nhuyễn được lọc qua vợt bằng vải the dài như bít tất, ủ trong siêu thuốc bắc để ra hết vị. Thứ nước đầu này được tiếp tục đem kho liu riu trên bếp than. Điều này đã lí giải vì sao, cách 2, 3 căn nhà nhưng vẫn nghe được mùi cà phê sực nức.
Nhưng một trong những nơi hiếm hoi còn lưu giữ cách pha cà phê kho (hay còn gọi là cà phê vợt, cà phê bít tất) là tại khu chợ Thiếc (phường 6, Quận 11) bởi chú Lưu Nhân Thanh với “thâm niên” lên đến gần nửa thế kỷ.
Dẫu bao thăng trầm của cuộc sống, thì quán cà phê vẫn giữ nguyên cách pha chế truyền thống, mà theo chú giải thích: Vợt rách thì thay vợt mới, siêu nứt thì thay siêu mới, chứ phin cà phê vẫn phủ bao nilon cất trên góc tủ, chẳng dùng tới: “Thời người ta rộ lên cà phê phin, tôi cũng có sắm, mà pha được 1,2 lần rồi có bao giờ xài nữa đâu”.
Không nức tiếng gần xa như quán cà phê vợt chú Thanh, cà phê Ba Lù vẫn lặng lẽ 67 năm ròng giữ lửa cho lò rang như một “bảo vật” gia truyền.
Chiếc lò đen ám đầy tro bụi được đốt lửa bên dưới, bên trên là thanh sắt dài để xoay đều tay. Ban đầu chúng tôi còn phỏng đoán đây là lò rang hạt dẻ hay đậu phộng, mãi cho đến khi nghe được mùi hương ngào ngạt chẳng lẫn vào đâu, thì: “Ồ, hóa ra là cà phê”.
Chiếc lò đặc biệt này là tại quán ông Ba Lù, trước đây sinh sống tại đảo Hải Nam, Trung Quốc. Rồi cuộc sống xô đẩy, ông mang theo công thức cà phê của riêng mình chọn Sài Gòn để lập nghiệp mưu sinh. Đến khi ông mất đi, con cái vẫn tiếp bước giữ lửa cho lò rang cà phê - điều hiếm hoi còn được lưu truyền ở đất Sài Thành.
Mà đâu phải lúc nào khách đến quán Ba Lù cũng có cơ hội ngắm nhìn lò rang cà phê đỏ lửa. Mỗi tháng chỉ đều đặn 2 lần rang, khách “hữu duyên” tìm đến mới được “no mắt” chiêm ngưỡng cách một ly cà phê ra đời từ đầu đến cuối.
Kể ra cũng lạ, mấy ai ra cà phê bệt chỉ chăm chăm gọi mỗi cà phê. Mà điển hình cho trường hợp này, mọi người rủ nhau “cà phê bệt” đôi khi chỉ vì thèm cái vị mằn mặn sực nức mùi hành phi của bánh tráng nướng hay đủ thứ món ăn vặt cóc ỏi mía ghim trên tay của các cô, các chị hàng rong.
Từ nhiều năm nay, cà phê bệt hay đúng hơn là một góc công viên 30/4 nằm giữa Dinh Độc Lập và Nhà thờ Đức Bà (quận 1) được giới trẻ nôm na truyền nhau tên gọi: “Quán cà phê lớn nhất Sài Gòn” hay “cà phê nghìn sao”.
Cái tên gọi “bệt” xuất phát từ phong cách cà phê tại đây: Ngồi bệt trên vỉa hè. Bệt còn được mệnh danh là cà phê học sinh - sinh viên, bởi ngay giữa vị trí đắt đỏ của trung tâm thành phố lại có mức giá 15.000 - 20.000 đồng với menu vô cùng phong phú: Cà phê, bạc xỉu, trà đào, trà chanh, cam vắt, dừa lạnh, nước ngọt… Riêng món ăn vặt, kể hoài không hết: Bắp xào, bánh tráng trộn, bánh tráng nướng, cá viên chiên, hồ lô nướng…
Nơi nhộn nhịp đông đúc nhất vào những dịp cuối tuần chính là khu Hàn Thuyên với những nhóm bạn trẻ tìm đến đây để sinh hoạt, trau dồi ngoại ngữ với khách Tây. Dân văn phòng lại đặc biệt ưa thích góc gần nhà thờ Đức Bà bởi không gian yên tĩnh hơn, thích hợp trò chuyện ngắm phố xá lên đèn. Riêng góc đường Alexandre De Rhode nhiều cây xanh, vắng xe cộ qua lại đã se duyên cho biết bao cặp đôi tìm đến tâm tình.
Cứ mỗi cuối tuần, “bệt” lại vào mùa cao điểm. Từ già đến trẻ, mọi lứa tuổi đều có thể tìm thấy tại đây. Mà người ta đến “bệt” vì bóng cây xanh rợp mát, vì cảm giác yên ả ngắm nhìn dòng xe qua lại, chứ mấy ai để tâm đến ly cà phê ở “bệt” ngon - dở ra sao.
Kể về cà phê ngoại ở Sài Gòn, hẳn sẽ phải là một câu chuyện dài. Bởi cứ vài hôm lại là sự xuất hiện của một quán cà phê với tên gọi khá Tây len lỏi ở mọi cung đường, ngóc ngách. Ấy là chưa nhắc đến sự du nhập của nhiều thương hiệu ngoại gây sốt với giới trẻ cũng chọn Sài Gòn làm miền đất hứa.
Vậy mà quán cà phê (ngụ tại khu Thảo Điền quận 2) của anh Demailly Vincent, từng là một nhà thiết kế tại Pháp vẫn tạo được một dấu ấn riêng với thực khách. “Tôi đến Việt Nam đã 6 năm nay, nhưng sinh sống ở Sài Gòn thì 5 năm rưỡi. Việt Nam là một nước xuất khẩu cà phê nhưng người Việt lại ít được thưởng thức một li cà phê sạch và chất lượng, nên tôi bắt đầu thực hiện ý tưởng này từ đầu năm 2017”.
Ấn tượng đầu tiên trong mắt chúng tôi là xe cà phê được thiết kế đặc biệt. Trên xe là chiếc chuông nhỏ trên tay nắm, thùng gỗ tự chế đựng đầy đủ nguyên liệu nhưng lại mang dấu ấn Việt với mái lá, bảng gỗ do chính tay anh Vincent thiết kế.
Để có được hương vị và chất lượng mong muốn, anh phải nhờ bạn đặt mua chiếc máy ép cà phê gửi về từ nước ngoài. Cà phê là loại ngon ở Lâm Đồng nhưng chỉ rang xay và sử dụng trong 1 tuần. Bởi theo anh giải thích, cà phê để lâu sẽ phần nào mất vị bên cạnh đó cũng không phù hợp với yếu tố “sạch” mà anh ưu tiên.
Tiếp xúc hằng ngày với khách Việt, đã giúp anh chàng người Pháp bỏ túi không ít vốn từ, cũng như cách anh phát âm “cà phê sữa đá” tròn vành rõ chữ khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. “Tôi thích đi xe máy, rảnh rỗi lại chạy xe đi khám phá xung quanh cũng như việc tôi để nhân viên bán hàng, còn mình thì chạy khắp nơi để giao cà phê cho khách”.
Dẫu có bao nhiêu thức uống du nhập từ Đông - Tây thì cà phê vẫn có bao giờ lỗi thời đâu. Nhiều người chê cái vị đắng ngắt nơi đầu lưỡi, nhưng cũng nhiều người thong thả thưởng thức cái ngọt thơm lan tỏa ở vòm họng rồi sinh ghiền.
Sống được ở Sài Gòn thì là người Sài Gòn, cũng giống như việc một tách cà phê tồn tại được trong lòng những “thượng đế” khó chiều thì trở thành cà phê Sài Gòn, vậy thôi.