Thành phần thuốc thịt người?
Theo Vnexpress đưa tin, Tổ chức Tiêu chuẩn Nigeria (SON) đã xác nhận có dược phẩm của Trung Quốc lưu hành trên thị trường Nigeria chứa thành phần thịt người. Các thuốc này được quảng cáo có tác dụng hỗ trợ tăng sức đề kháng, điều trị ung thư, tiểu đường và một số bệnh giai đoạn cuối. Chúng được sản xuất ở dạng viên con nhộng.
Ngoài ra, cơ quan Tình báo Quốc gia (NIA) Nigeria cũng đã công bố kết quả điều tra các viên thuốc xuất xứ từ Trung Quốc chứa đầy bột thịt lấy từ tàn dư từ bào thai, trẻ sơ sinh. Theo Dailymail đưa tin, một số loại thuốc còn làm từ các cơ quan nội tạng cơ thể người. Mỗi viên nén có chứa thịt, xương, tóc, móng tay.
Các thi thể này đã bị cắt thành từng miếng nhỏ và sấy khô trước khi chế biến thành bột ở đông bắc Trung Quốc.
Năm 2011, đài truyền hình SBS Hàn Quốc đã đăng tải một bộ phim tài liệu cáo buộc các công ty dược Trung Quốc phối hợp với các phòng khám nạo phá thai tạo ra những viên thuốc từ bào thai đã chết. Khi thử nghiệm ADN cho kết quả có tới 97- 99% thành phần tương ứng với ADN của người.
Bộ An toàn thực phẩm và thuốc Hàn Quốc cho biết, trong những viên thuốc giết người của Trung Quốc có chứa 18,7 tỷ virus, bao gồm virus viêm gan B. Các viên thuốc này được buôn lậu trong vali qua đường vận chuyển thư quốc tế.
Các chuyên gia cho biết, việc chế biến thuốc thịt người bắt nguồn từ niềm tin mê tín dị đoan cho rằng các bộ phận cơ thể của trẻ nhỏ chứa sức mạnh thể chất đặc biệt hoặc chúng có tác dụng chữa bách bệnh.
Giá cả thuốc thịt người?
Theo Dailymail, các loại thuốc thịt người này có mùi hôi nên khi vận chuyển, các công ty sản xuất thường đặt thêm các loại thảo mộc vào để bớt mùi.
Vào năm 2012, khi các loại thuốc tương tự đã bị tịch thu tại Hàn Quốc, theo tờ Chosun Ilbo đưa tin, các viên nang này được bán với giá 40.000-50.000 won ở một số cửa hàng thuốc đông dược.
Ngoài ra, một thương nhân tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc cho biết cách đây vài năm những viên thuốc này được bán với giá 50 xu/viên. Thuốc được mua ở phía đông bắc Trung Quốc. Khi ấy, ông mua khoảng 100-120 viên.
Liên quan đến sự việc trên, chiều qua (9/11), Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã khẳng định không cho phép đăng ký, sản xuất, nhập khẩu và lưu hành các thuốc “Trung Quốc làm từ thịt người” tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Cục Quản lý Dược không đề cập cụ thể tên thuốc trong thông báo này. Theo đó, Bộ đề nghị các Sở Y tế tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân không mua, bán, sử dụng các sản phẩm thuốc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.