Người đàn ông tên H. (ngụ TP.HCM) từ từ mở mắt sau gần 2 tuần phải đặt nội khí quản. Tỉnh dậy với ống thở cắm vào cổ họng, các ven truyền dịch khắp người, ông khó chịu, mất kiểm soát và bắt đầu quẫy đạp.
Tình hình mỗi lúc một nghiêm trọng, bác sĩ Từ Lê Thanh Thảo (Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM) cùng các nhân viên trong kíp trực gọi điện thoại về nhà bệnh nhân, thông báo tình hình của ông và đề nghị mọi người quay đoạn video cho ông xem để ổn định tinh thần.
Giữa phòng ICU, đoạn clip phát ra âm thanh vang vang: “Ba H. ơi, ba H. ráng khỏe mẹ M. sẽ nấu bún mắm cho ba ăn nhé”. “Ông ơi, cả nhà dọn dẹp phòng sẵn rồi, chỉ đợi ông về thôi”…
Nước mắt lặng lẽ chảy trên gương mặt người đàn ông. Ông không nói được một lời nào, chỉ biết làm theo hướng dẫn của bác sĩ, bởi lẽ, sau đoạn video đó, ông muốn ở về nhà hơn bao giờ hết.
Khoa ICU (Bệnh viện Nhiệt Đới, TP.HCM) là “phòng tuyến” cuối cùng để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Người ta nói rằng “xuống ICU rất khó để trở về” vì những bệnh nhân được đưa vào đều đang trong tình trạng hôn mê, không thể tự thở được.
“Họ gần như đặt hết sinh mạng cho bác sĩ”, bác sĩ Thanh Thảo nói.
Thời gian của mỗi bệnh nhân điều trị trong ICU kéo dài ít nhất 2 tuần, thậm chí là hơn 2 tháng. Họ trải qua bao nhiêu biến cố: “cơn bão” cytokine có, bội nhiễm có, tràn khí màng phổi phải đặt dẫn lưu có, cai máy thất bại có, thậm chí phải nhồi tim, bóp bóng… Những ngày cao điểm, ở ICU không có một chiếc giường trống, ai cũng đi như chạy. Các nhân viên y tế trở thành người nhà của bệnh nhân, thay tã, truyền dịch thức ăn, hút đàm…
Khoảng thời gian đầu bước vào cuộc chiến ở ICU, bác sĩ Thanh Thảo không nhớ được mình đã khóc bao nhiêu lần. Cứ vài ngày, khoa lại có bệnh nhân bị Covid-19 mang đi. Trong những giây phút cuối đời, họ không có người nhà kề cận, cũng chẳng kịp nói những lời sau cuối. Đó là một cảm giác rất cô đơn.
“Ban ngày, chúng tôi “đánh trận” với thời gian để bệnh nhân không diễn tiến nặng hơn, phổi không xấu đi. Ban đêm, mình phải đọc thêm tài liệu điều trị. Có những ca trực, bác sĩ thức trắng hơn 12 tiếng đồng hồ, mệt mỏi rã rời, mặc PPE ngồi dựa tường trong phòng bệnh. Có những ngày kiệt quệ về tinh thần, ra trực lặng lẽ trốn về nhà rồi gục mặt xuống bàn bật khóc thành tiếng như một đứa con nít. Nhưng sau tất cả, chúng tôi lại gạt nước mắt, ngẩng đầu, mặc PPE lao vào cùng chiến đấu với bệnh nhân”, nữ bác sĩ chia sẻ.
Căn phòng ICU chỉ có tiếng tít tít… của những chiếc máy chạy hết công suất. Bệnh nhân nằm lọt thỏm giữa những sợi dây chằng chịt, nhắm nghiền mắt. Ấy vậy mà bất kì khi nào đẩy cửa, bước vào căn phòng ấy, bác sĩ Thảo cũng cất lời chào, dù chẳng bao giờ được đáp lại.
“Hôm nay, bác đã đỡ nhiều rồi đúng không?”.
“Bác ráng khỏe rồi về nhà, nghen bác”.
….
Chị nói: “Mình không chắc là bệnh nhân có đang nghe được những gì xung quanh không. Nhưng mình tin những lời nói đó họ sẽ cảm nhận được, sẽ đánh thức tinh thần, ham muốn sống của họ”.
Bà Lệ (ngụ quận 12, TP.HCM) kể rằng mình có hai ngày sinh. Một ngày là khi bà ra đời từ bụng mẹ, một ngày là khi bà mở mắt, choàng tỉnh sau gần chục ngày mê man tại ICU.
Bà tự nhận: “Tôi nhát lắm, từ nhỏ đến lớn đều như thế. Cái gì tôi cũng sợ, cũng mau nước mắt". Ngày biết mình dương tính với SARS-CoV-2, bà suy sụp tinh thần. Đến nỗi, khi có ai đó nói về Covid-19, về những ngày phổi bà đông đặc, hơi thở yếu ớt, người rã rời… bà lại lắc đầu nguầy nguậy. “Đừng nhắc nữa, tôi sợ lắm”.
Hai vợ chồng bà không có con cái, nương tựa nhau mà sống. Ông trước đó đã có bệnh nền là lao phổi, nhưng khi mắc Covid-19, ông may mắn vượt qua được. Bà thì lại phải chuyển vào khoa ICU trong tình trạng trở nặng.
Khi tỉnh lại, nước mắt bà chảy dài hai bên má. Bà khóc, khóc rất nhiều. “Các bác sĩ đã cứu tôi, cho tôi tiếp tục được sống, được về với gia đình”. Mỗi ngày, bà được các điều dưỡng thay tã, bón từng thìa cháo rồi chuyện trò…
Chúng tôi gặp bà Lệ vào trước ngày bà xuất viện. Gương mặt hồng hào, nụ cười luôn nở trên môi. Bà liên tục nói về chồng, về ngôi nhà bé nhỏ đã trống trải suốt mấy ngày qua khi không có bà.
Bà nắm tay cậu sinh viên tình nguyện vào ICU để tập vật lý trị liệu. Bàn tay siết chặt bàn tay, bà Lệ nhấc người lên, chậm rãi thở. Ngày mai, bà sẽ được về với gia đình.
Tại ICU, có những bệnh nhân rất đặc biệt. Một cụ ông đã đòi nắm tay các bác sĩ khi vừa tỉnh dậy. Chỉ là nắm tay thôi, nhưng đối với ông, nó là chỗ dựa, là niềm an ủi, động viên lớn nhất khi vừa bước qua cơn thập tử nhất sinh.
“Được thở” là mong ước, là nỗ lực, là sức sống, là sự kiên cường của các bệnh nhân ở ICU. Đa phần, họ là bệnh nhân Covid-19 có bệnh nền, lớn tuổi và phải tập cai máy thở hằng ngày.
Đã 2 tuần liền, cô P. (64 tuổi) phải đặt nội khí quản. Ba lần tập cai thở máy là ba lần nỗ lực của cô lẫn y bác sĩ, cứ thất bại rồi lại tiếp tục. Bác sĩ Thảo cho biết: “Bệnh nhân khi cai máy phải gặp nhiều vấn đề, khả năng bội nhiễm cao, thể tích lưu thông trong phổi không đủ cao, nhịp thở không hiệu quả.
Lần thứ 1 thất bại.
Lần thứ 2 thất bại
Lần thứ 3, cô P. đã có thể cai máy thở.
Mỗi ngày, cô nhấp từng ngụm nước, hớp từng muỗng cháo, tập vật lý trị liệu. Đó là cả quá trình nỗ lực từng ngày, từng giờ của bệnh nhân.
Chú E. là một trong những bệnh nhân bác sĩ Thảo nhớ nhất, bởi chú có gương mặt phúc hậu, dáng người hệt bố của cô. Chú thở máy thở không xâm lấn, lưu lượng cao buộc phải nằm với tư thế sấp. Người đàn ông trung niên thi thoảng lại ngước lên vì quá mệt mỏi. Mỗi lần như thế, bác sĩ Thảo lại động viên: “Bác cố lên, khi bác thở tốt rồi bác sẽ được về nhà”. Ông chầm chậm làm theo lời bác sĩ, bởi ông biết, ông còn cả gia đình đang đợi, những đứa con ngày đêm trông ngóng bố.
Những lá phổi từ từ tốt lên, những bệnh nhân lớn tuổi có thể ăn từng ngụm cháo, men theo vách tường để tập đi lại. Đối với các y bác sĩ, những bệnh nhân có thể rời khỏi ICU là món quà quý giá nhất.
“Covid-19 là một cơn bão. Nó càn quét tất cả, sức khỏe lẫn tinh thần”, thầy Nguyễn Khiêm Hùng (thuộc bệnh viện Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) nói, khi ông còn nằm trên giường bệnh của ICU.
Là người nghiên cứu về miễn dịch, có kinh nghiệm tư vấn cho các bệnh nhân F0, thầy Hùng chưa bao giờ nghĩ mình lại mắc Covid-19 và trở nặng một cách nhanh chóng. Trước đó, thầy đã được tiêm 2 mũi vaccine. Mũi cuối cùng cách ngày nhập viện 1 tháng, khoảng cách giữa 2 mũi là 6 tuần.
Khi biết mình dương tính với SARS-CoV-2, thầy đã tự cách ly. Dù đã có chuẩn bị máy dụng cụ đo Sp02, máy thở tại nhà nhưng thầy vẫn rơi vào tình trạng khó thở. “Thời gian đầu, tôi vẫn còn dọn dẹp, lau dọn, nhưng rồi tình trạng cứ nặng dần”, thầy nhớ lại.
Đến một ngày, khi cơn sốt ngày một nặng hơn, cơ thể kiệt quệ, rã rời vì virus tấn công, thầy được chuyển gấp vào khoa ICU.
“Trải qua những giai đoạn thập tử nhất sinh, ngày ngày thở máy, tôi mới “thấm đòn”. Trên giường bệnh, tôi cảm giác như mình đi trên một con đường mà không biết đích đến. Là một bác sĩ, tinh thần cảnh giác với lây nhiễm lúc nào cũng có, vậy mà tôi vẫn mắc Covid-19. Điều này chứng tỏ chúng ta không thể chủ quan và xem thường nó được.
Ba tôi đã từng nói: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”.
"Đến bây giờ, tôi mới thấm thía nó. Khi bạn chưa đặt mình trên giường bệnh, chưa phải khó khăn để có được một hơi thở đầy đặn, bạn sẽ rất dễ dàng quên lãng sự nguy hiểm của Covid-19”, thầy nói.
Hiện tại, sức khỏe của thầy Hùng đã ổn định. Mỗi ngày thầy đều tập thở, tập đứng ngồi… để nhanh chóng hồi phục. Đối với thầy, sự sống là một món quà, và hơi thở là một điều quý giá.
Lúc hay tin mẹ sắp được về, những đứa con của bác sĩ Thúy Hằng (khoa ICU, Bệnh viện Nhiệt Đới, TP.HCM) đã ngóng trông đếm từng ngày trôi qua.
Bởi lẽ, chúng đã quá lâu không được kề vai, áp má, được sà vào lòng mẹ. Trong những ngày dịch bệnh căng thẳng nhất, bác sĩ Hằng đã dọn ra ở hẳn trong một căn phòng, tách biệt với gia đình. Những đứa trẻ của chị chỉ biết rằng “mẹ đang chiến đấu với virus”.
Chị ăn riêng, ngủ riêng, các con chỉ được trò chuyện qua điện thoại, được thấy bóng hình mẹ qua tấm kính.
Khi tỉ lệ vaccine được phủ rộng, những ca nguy kịch vì Covid-19 giảm là lúc chị Hằng được về với những đứa trẻ. “Tôi phải đợi người lớn trong nhà tiêm đủ hai mũi vaccine mới có thể về nhà. Tôi lo cho mẹ, cho bọn trẻ nên đành phải sống tách biệt như thế. Nhưng đến nay, mọi thứ dần “hạ nhiệt”. Đó là điều khiến tôi vui nhất”, bác sĩ Hằng hồ hởi tâm sự.
Khi ICU đã có những chiếc giường trống - đó là một tín hiệu đáng mừng. Nó đánh dấu giai đoạn chuyển mình của dịch bệnh, khi những “chiến binh” áo xanh, áo trắng được ngơi nghỉ phần nào.
“Việc nới lỏng sẽ thực hiện theo lộ trình, ưu tiên phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh với tiêu chí an toàn tới đâu, nới lỏng tới đó. Để trở lại cuộc sống bình thường mới, mỗi người chúng ta cần cảnh giác, tuân thủ các biện pháp chung sống an toàn với Covid-19. Bất cứ sự mất cảnh giác nào đều có nguy cơ làm bùng phát dịch, gây ảnh hưởng đến lộ trình phục hồi kinh tế, phục hồi các hoạt động xã hội”.
Ngày 30/9, khi những dòng thông tin về “bình thường mới” phủ kín các trang mạng xã hội, các bác sĩ, điều dưỡng… tại ICU cũng được thắp lên niềm tin mới.
Một số tình nguyện viện có thể cởi bỏ lớp áo bảo hộ xanh để trở về nhà.
Một người mẹ là bác sĩ đã có thể về ôm con.
Một ông bố đi chống dịch có thời gian ăn bữa cơm với gia đình.
Hay một bệnh nhân sau khi bước ra khỏi lằn ranh sinh tử được rời khỏi ICU.
Họ gọi đó là hạnh phúc. Trở về là hạnh phúc.