Mới đây, một đoạn phóng sự của đài VTC1 vừa công bố đã khiến nhiều người dân TP HCM không khỏi hoang mang, lo lắng. Theo ghi nhận từ đoạn video này, để có những mớ rau tươi xanh bắt mắt người tiêu dùng, không ít người trồng rau muống ở khu vực vùng ven Sài Gòn đã sử dụng nhiều loại hóa chất khác nhau và cả nhớt cặn để “tắm” cho rau.
Khu vực xung quanh các ruộng rau muống, vô số các vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, thuốc trừ rầy, thuốc tăng trưởng… đã được tìm thấy. Thậm chí nhiều bao hóa chất còn không có tên, nhãn mác.
Đáng sợ hơn nữa, một người đàn ông trồng rau muống còn tiết lộ rằng nhiều người nông dân còn dùng nhớt đã qua sử dụng mua lại từ những tiệm sửa xe ô tô để trừ rầy cho rau muống.
Nhớt và hóa chất có thể được phun xịt bằng bình, lấy ca tạt hoặc đổ ngay từ miệng cống dẫn nước vào tưới ruộng… Không thể biết được có bao nhiêu loại hóa chất đã được “tắm” cho các ruộng rau muống. Chỉ biết là có những khoảng ruộng mà ở đó các sinh vật như cá, ốc… không thể nào sống được.
Theo quy định canh tác, rau sau khi phun thuốc sâu từ 10 - 15 ngày mới được thu hoạch. Lúc đó dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau chỉ còn ít, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Nhưng theo tiết lộ của những người trồng rau thì chỉ 2 - 3 ngày sau khi phun thuốc là mọi người đã có thể hái rau mang bán, miễn sao lợi nhuận càng nhiều càng tốt.
Thạc sĩ Hóa hữu cơ Lê Văn Dũng (công tác tại tỉnh Bến Tre) cho biết: “Việc lạm dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ khi sản xuất các loại rau nói chung và rau muống nói riêng trong thời gian quá ngắn trước khi thu hoạch sẽ khiến cho lượng hóa chất không phân tán kịp mà còn lưu dẫn lại trong rau. Do đó, khi người tiêu dùng ăn loại rau này trong một thời gian dài thì sẽ bị tích tụ một lượng hóa chất trong người. Cho tới lúc lượng hóa chất vượt quá mức đề kháng của con người sẽ gây biến tướng và ảnh hưởng không ít tới an toàn sức khỏe của người dân”.
Đoạn clip phóng sự phun nhớt rau muống tại TP HCM:
Qua hàng loạt các phóng sự phản ánh như trên, hy vọng các cơ quan chức năng sẽ sớm vào cuộc để người dân không phải sống trong nỗi sợ hãi “ăn gì cũng chết” như hiện nay.