Những ngày vừa qua, bà con huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) và Mường La (Sơn La) đã phải đối mặt với hậu quả vô cùng nặng nề từ trận lũ quét. Theo ước tính, trận lũ vào đêm 2/8, rạng sáng 3/8 là trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng nhất trong lịch sử 70 năm qua trên dòng suối Nậm Păm. Cuộc sống bị đảo lộn, di chuyển khó khăn, tài sản bị cuốn trôi và đau đớn hơn thảy là nhiều gia đình rơi vào cảnh ly tán vì người thân mất tích hoặc tử vong.
Để san sẻ với những khó khăn này, những tấm lòng hảo tâm từ khắp mọi miền đất nước đã cùng chung tay với mong muốn giúp đỡ những nạn nhân của trận lũ sớm khắc phục hậu quả và quay trở lại cuộc sống bình thường. Bên cạnh những lời động viên tinh thần quý báu thì còn có cả những món quà thiết thực như: Quần áo, thực phẩm, nước sạch… cũng được quyên góp gửi đến bà con.
Thế nhưng, hàng chục chuyến xe chở theo quần áo “từ thiện” được chuyển đến đây đôi khi lại nảy sinh một số vấn đề khác. Điển hình như câu chuyện được đăng tải trong những ngày vừa qua về hàng trăm hàng nghìn bộ quần áo cũ được chuyển lên xã Lao Chải, Mù Cang Chải nhưng đồng bào nơi đây không mấy mặn mà.
Nguyên văn đoạn chia sẻ của tài khoản Đ.S.V.N. đăng tải:
“Quần áo miền xuôi không hợp với người vùng cao mình rồi.
Hình ảnh được ghi lại tại một bản vùng đang được cứu trợ.
Đừng mang quần áo cũ lên bản nhé mọi người.
Phong tục của một số tộc người, họ không mặc lại quần áo cũ của người khác đâu”.
Trước những lời chỉ trích “chảnh”, “nghèo còn sĩ diện” từ câu chuyện trên, một số cư dân mạng tự nhận là đồng bào dân tộc đã đưa ra lời giải thích rằng: Tấm lòng của người dân khắp mọi miền đất nước đều được đồng bào nơi đây trân trọng, thế nhưng “thiện ý” này không được nhiệt tình đáp lại cũng bởi lí do xuất phát từ phong tục tập quán:
“Đa số các dân tộc phía bắc đều chỉ mặc trang phục truyền thống. Rất ít khi mặc đồ của dân tộc khác. Đó là văn hóa từ lâu đời rồi.
Đa số các dân tộc đều quan niệm xấu đẹp không quan trọng. Quan trọng là đồ mới tinh. Sự chân thành được thể hiện qua mức độ mới của vật được trao. Họ quan niệm cứ đồ cũ là xúi quẩy.
Nếu đã là cho nhau thì phải yêu mến nhau lắm tôn trọng nhau lắm thì đương nhiên món quà phải thật chỉnh chu, cẩn thận và đầy sự tin yêu kính trọng trong đó” - tài khoản H.N.T bình luận.
Song song đó, cũng nhiều ý kiến cho rằng: Việc ủng hộ đồng bào lũ lụt là thiện ý, thế nhưng đôi khi việc này lại bị biến thành một hành động thiếu thành ý. Bởi bên cạnh những đồ dùng hữu dụng thì những bộ cánh thời trang (bao gồm cả đồ bơi và giày cao gót) hay cả cách trao tặng “như bố thí” đã phần nào làm xấu đi hình ảnh của những “tấm lòng vàng”:
“Ủng hộ mà cái gì cũng mang theo không phân loại, đổ đống ra thế thì người ta không nhận cũng phải thôi”- tài khoản D.T bình luận.
“Tôi cũng đi và cũng biết chút ít, đa phần quần áo trẻ em là dùng được còn quần áo người lớn thì không. Một là do tạng người đồng bào nhỏ bé mà quần áo của chúng ta rất rộng họ không mặc được. Hai là, quần áo chị em phụ nữ miền xuôi toàn là váy đầm thời trang và quần rách tả tơi. Có người còn mang cả bikini cho thì làm sao trách được người nhận” - tài khoản V.T.A.P bình luận.
Việc người dân miền xuôi chung tay “lá lành đùm lá rách” vẫn là một điều đáng trân trọng. Thế nhưng, để tránh những tình huống khó xử như trên thì những “tấm lòng vàng” cần dành chút thời gian tìm hiểu nhu cầu: Họ cần gì, truyền thống văn hóa nơi đó thế nào, cách bạn trao tặng ra sao, quần áo quyên tặng có đang “ngập ngụa” nhưng lương thực lại thiếu hụt hay không?… Có thế, những món quà thiện ý và thiết thực sẽ trở nên đáng trân trọng biết nhường nào.