Trong thời gian tại vị hơn 70 năm, Vua Bhumibol trong lòng người dân Thái Lan có một vị trí không thể thay thế. Hầu hết những người dân Thái hôm nay đang khóc thương trong lễ quốc tang của vị Vua già đều là những người mà từ khi họ sinh ra, đã chứng kiến ông trên ngai vàng.
Trong tiềm thức của họ, mỗi ngày qua đi, mọi diễn biến trong cuộc sống, kinh tế cho đến biến động chính trị đều có hình ảnh của Quốc vương khiến cho họ cảm nhận được sự an tâm và tin tưởng.
Quả thực, mặc dù Thái Lan là một nước theo chế độ Quân chủ đại nghị, nhưng Vua Rama IX vừa mang ý nghĩa biểu tượng và linh hồn dân tộc, vừa có vai trò thực quyền đối với chính trị và kinh tế đất nước.
Một trong những hình ảnh ấn tượng mạnh mẽ về Quốc vương Bhumibol mà không ai có thể quên được, đó chính khoảnh khắc đánh dấu sự kết thúc cuộc khủng hoảng năm 1992.
Khi đó, trong một khuôn hình tại Cung điện Hoàng gia Bangkok vào ngày 20/5/1992, hai người đàn ông trong trang phục complet đen trang trọng, quỳ trên gối trước một người đàn ông đạo mạo, không có vẻ gì là một người quan trọng… Nhưng đây chính là thời quan trọng trong lịch sử của đất nước xứ chùa Vàng.
Trong lúc căng thẳng đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, rất nhiều người đã phải ngã xuống, Quốc vương Bhumibol đã cho đòi Suchinda và Chamlong trong một cuộc hội kiến được đưa tin trên truyền hình.
Theo nghi thức Hoàng gia, cả hai thủ lĩnh của hai phe đối lập đều thủ phục quỳ gối thành kính trước Quân vương Thái Lan để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với toàn bộ người dân nước này.
Nếu đối kháng, người thua cuộc chính là quốc gia này!
Đức vua Bhumibol Adulyadej đã nói với họ như sau:
“Quốc gia vốn thuộc về mọi người, không chỉ một hoặc hai người nào đó. Nếu những người đó đối kháng lẫn nhau, thì người thua cuộc, lại chính là cả quốc gia này…”
“Vậy hãy nói xem như thế nào là chiến thắng mà các ông mong muốn, nếu cuối cùng phải đứng trên đống đổ nát và những mảnh vỡ?…”.
“Không ai có thể đảm nhận được vai trò đó, vào hoàn cảnh ấy, ngoài Quốc vương Thái Lan,” Thitinan Pongsudhirak đến từ Đại học Chulalongkorn nói.
“Sức mạnh của đạo đức”
Rất nhiều cách lý giải về sức mạnh và vai trò của Quốc vương Bhumibol, bởi rõ ràng cho đến nay, theo quy định Nhà vua vẫn chỉ mang ý nghĩa biểu tượng đối với chính trị đất nước.
Thế nhưng, hình ảnh thủ phục và quỳ gối trước quân Vương đã nói lên tất cả về “thực quyền”, sức mạnh và vị trí có thể lay chuyển lịch sử của Nhà vua. Thứ quyền lực này xuất phát từ sự tôn sùng sâu sắc và vô điều kiện của người dân Thái dành cho Quốc vương, nó giống như tình cảm dành cho người cha già của toàn dân tộc.
Nhưng để có được tình cảm ấy, Quốc vương Bhumibol đã “tích lũy qua hàng thập kỷ” bằng chính tài năng, đức độ và lòng thương chân thành dành cho người dân nghèo khó của mình. Do đó, “nhân cách và lối sống cá nhân” của nhà Vua đã trở thành tấm gương mà mọi người dân Thái tôn trọng và sùng kính ông.
Đến những năm sau này, khi tuổi đã cao và đã lui vào phía sau màn chính trị, nhưng hình ảnh hai người đàn ông mạnh mẽ, đứng đầu hai thế lực xung đột đối đầu quỳ dưới chân Quốc vương vẫn còn đọng lại trong ký ức của mọi người dân tộc Thái Lan, và trở thành biểu tượng tham chiếu cho những thời điểm xung đột tương tự.
Xem thêm video về cuộc hội kiến lịch sử với Quốc vương Bhumibol năm 1992: