Chàng trai mặc quần đen, áo sơ mi trắng, thắt cà vạt, dáng người to béo, quỳ ngay trước cổng Đài truyền hình Việt Nam (số 41 Nguyễn Chí Thanh, quận Ba Đình, Hà Nội), bên cạnh là chiếc xe đạp. Trên tay anh còn cầm tấm biển ngữ ghi dòng chữ “Tôi ở xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Xin làm ơn hãy cho tôi có việc làm là nhân viên bán hàng. Mong nhà tuyển dụng giúp đỡ tôi”.
Được biết nam thanh niên là Nguyễn Việt Hải sinh năm 1993, ở xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Khi người xung quanh tiếp xúc hỏi han, thanh niên này khóc lóc thành tiếng. Sau khi được động viên, Hải mới lên tiếng kể rằng mình chỉ học đến lớp 6, sau đó bỏ ngang ở nhà chơi.
Gia cảnh anh cũng chẳng hề khá giả, bố chạy xe ôm, mẹ làm nông. Do thấy mình đã lớn, không thể trông chờ gia đình nên Hải đành tự thân đi xin việc. Nhưng bằng cấp không có nên trong huyện chẳng ai nhận. Anh thử vận may bằng cách xin bán hàng tại các cửa hàng ngoài Hà Nội nhưng tình hình cũng không khá hơn. Ngay cả những nơi nhỏ nhất cũng đòi hỏi bằng cấp học vấn và tất nhiên, một người ham chơi bỏ học từ nhỏ như Hải không thể đáp ứng được.
Khi được hỏi sao không thử làm công nhân, Hải ngậm ngùi đáp “Công nhân cũng đòi bằng cấp luôn!”. Cùng đường, anh bèn làm vậy để mong nhận được sự giúp đỡ. Nam thanh niên chọn cổng Đài truyền hình Việt Nam vì nghĩ rằng nơi đây dễ dàng thu hút sự chú ý của nhiều người.
Hồ sơ của Hải cũng chứng minh anh không có tiền án tiền sự, sức khỏe bình thường đủ khả năng làm việc. 9x cũng không nhận tiền giúp đỡ mà kiên quyết xin việc làm. Nhiều người cảm động và tỏ ý giúp đỡ, nhưng cũng có người khuyên Hải nên về nhà giúp mẹ trong việc làm nông.
Việc Hải có ý định kiếm việc làm để không phải phụ thuộc vào gia đình hoàn toàn là một suy nghĩ đúng đắn. Nhưng cách hành động của 9x hoàn toàn sai lầm, nặng nề hơn có thể nói rằng hành vi đó gây mất thể diện đàn ông và khá hèn nhát.
Đầu tiên phải nói đến chuyện bỏ học từ năm lớp 6. Nếu vì gia cảnh khó khăn thì mọi người có thể thông cảm nhưng theo lời kể của Hải thì anh ta chỉ nghỉ ở nhà chơi. Nếu đã ý thức được vấn đề học vấn thì Hải hoàn toàn có thể theo các khóa bổ túc để lấy bằng. Tuy nhiên, anh ta không làm như vậy mà chỉ muốn “quỳ gối, cầu xin” người đi đường như một đứa trẻ ăn vạ xã hội.
Ngoài xã hội, thực chất có rất nhiều việc lao động tay chân không đòi hỏi và không cần bằng cấp. Nếu thực sự cần tiền, muốn lao động đến thế, thì sao Hải không lao vào đi, mà chỉ chăm chăm đòi làm nhân viên bán hàng trong các cửa hiệu, trung tâm thương mại? Chưa kể anh ta hoàn toàn có thể phụ giúp mẹ mình trong chuyện làm nông để tăng thêm thu nhập. Từ đây, người ta có thể lờ mờ cảm thấy rằng thanh niên này chỉ thích những chỗ mát mẻ, sang trọng chứ không muốn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Việc làm không hề thiếu, chẳng qua chúng ta có thật sự có muốn lao động hay không.
Việc đi xin xỏ lòng thương của người khác khi chưa thực sự khó khăn là hành động chẳng hề “đẹp mặt”. Nhưng một thanh niên cao to, béo tốt, sức lao động đầy đủ, chưa hề lâm vào đường cùng cũng chọn cách như thế với mục đích chỉ để xin việc thì có đáng? Trong khi ngoài kia, hàng ngàn người già cả khuyết tật vẫn lặn lội bán vé số, lao động nuôi thân mà chẳng cần quỳ lạy, cầu xin sự thương hại của ai…
Sự việc này khiến người ta nhớ lại một ông bố trẻ 9x cũng từng cầm biển xin việc giữa đường để “mua sữa cho con” vào tháng 8/2015. Câu chuyện này cũng từng dấy lên nhiều luồng tranh cãi nặng nề trong dư luận lúc bấy giờ.