Những thành quả khiến thế giới ghen tị, cần học hỏi Mới đây, tờ ABC của Úc đã có một bài viết với tiêu đề: “Làm thế nào mà Việt Nam, một quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á, đã làm rất tốt trong công cuộc phòng chống COVID-19?“.
Tờ ABC viết: “Không có ca tử vong. Đó là thành tựu trong bối cảnh đại dịch COVID-19 mà Mỹ và Italy chỉ có thể mơ ước trong lúc này. Trong khi số ca nhiễm COVID-19 ở đất nước Singapore giàu có và một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á đang tăng đáng lo ngại thì Việt Nam là một trường hợp ngoại lệ. Việt Nam có đường biên trên bộ kéo dài hơn 1.400 km với Trung Quốc - nơi đầu tiên bùng phát dịch COVID-19, là nước có 90 triệu người dân và bình quân đầu người (GDP) kém Úc 22 lần. Thế nhưng, thành công trong công tác chống dịch COVID-19 khi chưa có ca tử vong liên quan tới dịch bệnh của Việt Nam vẫn khiến cả thế giới phải thán phục“. “Úc thực sự chú ý tới Singapore nhưng quốc gia này bây giờ lại là một trong những ổ dịch lớn nhất thế giới hiện nay. Việt Nam không rơi vào tình huống đó. Tôi nghĩ đó là một thành tựu đáng chú ý với một quốc gia có số dân đông đúc như vậy“, ABC dẫn lời Giáo sư Mike Toole, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Viện Burnet, có trụ sở ở thành phố Melbourne (Úc).
Theo ABC, hầu hết các chuyên gia tin rằng Việt Nam trung thực và minh bạch thông tin về COVID-19. “Tôi không hề nghi ngờ chút nào về sự minh bạch của các con số trong đại dịch COVID-19 ở Việt Nam. Đã có một sự nhận thức nghiêm túc và báo cáo minh bạch của chính phủ từ đầu tháng 1 về nguồn lực sẽ ngày càng hạn chế nếu dịch bệnh lây lan rộng, vì vậy mà Việt Nam đã nhanh chóng cố gắng kiểm soát dịch bệnh. Họ không coi đây là một loại cúm mùa. Họ đưa ra các triệu chứng thường gặp và nói với người dân nơi có thể lấy mẫu xét nghiệm“, ABC dẫn lời Sharon Kane, giám đốc tại Plan International. Bên cạnh đó, tờ ABC cho rằng chìa khóa thành công của Việt Nam trong kiểm soát dịch bệnh là hành động khẩn trương và quyết liệt trong việc lấy mẫu xét nghiệm, lần dấu triệt để những người tiếp xúc với ca nhiễm, nâng cao nhận thức của người dân.
Chiến dịch truyền thông công cộng của Việt Nam có hiệu quả cao, huy động tích cực để khuyến khích người dân tạo dựng các thói quen tích cực như thường xuyên rửa sạch tay, hạn chế cho tay lên mắt, mũi, miệng… Trong khi đó, chính phủ ban hành quy định người dân phải đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng. Trước đó, báo Argumenty i Fakty của Nga hôm 30/4 vừa qua cũng đặt câu hỏi: “Liệu Nga có thể áp dụng kinh nghiệm chống dịch của Việt Nam hay không? Trước đây, Việt Nam đã học tập rất nhiều từ chúng ta. Và bây giờ, đã đến lúc chúng ta cần phải học tập lại Việt Nam“. Báo ChosunBiz (báo kinh tế của tập đoàn truyền thông nổi tiếng Chosun, Hàn Quốc) ngày 6/5 đăng bài ca ngợi sự thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Tờ báo này nhận định, Việt Nam chính là quốc gia thành công nhất trên thế giới trong cuộc chiến chống lại sự lây lan khủng khiếp của virus corona. Mặc dù Việt Nam có dân số gần 100 triệu người, thế nhưng chỉ có 270 người mắc bệnh tính cả người nước ngoài (tính đến thời điểm đăng bài viết), trong số này không có bất kỳ trường hợp nào tử vong. Nỗ lực cứu sống phi công người Anh
Cho tới thời điểm hiện tại, Việt Nam ghi nhận 320 ca nhiễm COVID-19 và phi công người Anh, bệnh nhân thứ 91, vẫn là ca biến chứng nặng nhất sau khi nhiễm COVID-19. Tình trạng của phi công 43 tuổi đang rất nguy kịch khi anh chỉ còn 10% dung tích phổi và phải sử dụng máy ECMO suốt hơn 40 ngày qua. Trước tình hình này, các chuyên gia từ các bệnh viện hàng đầu Việt Nam đã hội chẩn và cho rằng ghép phổi là cách duy nhất để cứu sống phi công người Anh. Sau khi có thông tin này, tính đến chiều 15/5 đã có 49 người đã gọi điện đến Trung tâm xin hiến tạng lá phổi của mình để cứu nam phi công, trong đó có một cựu chiến binh 70 tuổi. Những nỗ lực cứu sống phi công người Anh của Việt Nam được báo chí trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới đăng tải. Cụ thể, nhiều tờ báo tên tuổi trên thế giới như USNews, Business Insider (Mỹ), Reuters, Telegraph, Daily Mail (Anh), ChinaDaily, SCMP (Trung Quốc), The Straits Times ( Singapore), Bangkokpost (Thái Lan),… đã đăng tải hành động đầy ắp tình người này của Việt Nam.
Theo Reuters đưa tin, trường hợp của phi công người Anh đang rất được chú ý ở Việt Nam, quốc gia mà người dân rất ủng hộ cho chiến dịch ngăn chặn virus corona của Chính phủ. “Vào tháng trước, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam tuyên bố, Việt Nam đã nhập khẩu một loại thuốc đặc biệt từ nước ngoài để điều trị tình trạng đông máu của bệnh nhân nhưng không có kết quả. Việt Nam đã chi hơn 5 tỷ đồng để cố gắng cứu sống phi công người Anh. Các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn đã khiến tình trạng của anh tồi tệ hơn, nhưng các chuyên gia và bác sĩ giỏi nhất Việt Nam sẽ cố gắng cứu sống anh“, trích trong bài viết của Reuters.