Tình yêu sách báo của nữ giảng viên về hưu
Cứ đều đặn mỗi sáng, bà Phạm Thị Huyền Dung (74 tuổi) lại tất bật thu dọn thư viện đón mọi người vào đọc sách miễn phí tại vỉa hè phố Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa, Hà Nội. “Cơ ngơi” lúc tuổi già của bà Dung là hàng nghìn cuốn sách báo đủ các thể loại được bà sưu tầm cũng như nhiều người gửi tặng trong suốt hơn một năm qua.
Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Dung cho biết, trước đây bà là giảng viên một trường đại học, sau khi nghỉ hưu bà được biếu nhiều tờ báo để đọc hằng ngày. Tuy nhiên, bà Dung thấy phí khi đọc xong mọi người thường vứt bỏ hay dùng để gói xôi, nhóm lò…
“Những bài báo có kiến thức quá bổ ích cho mọi người. Trong khi đó rất nhiều người dân lại không có báo hoặc không có điều kiện đọc nên tôi nghĩ ra cách đặt những tờ báo cũ tại hàng rào Gò Đống Đa kèm theo tấm biển ‘Kính mời nhân dân đọc báo miễn phí’, ban đầu mọi người còn e dè nhưng lâu ngày họ thành quen và thường xuyên ghé đến xem”, bà Dung tâm sự.
Dần dần, cái duyên gắn bó với tủ sách, thư viện sách miễn phí đến với bà lúc nào chẳng hay, tất cả đều xuất phát từ trái tim yêu tri thức, yêu văn hóa đọc cũng như giúp mọi người cảm thấy bình yên hơn trong cuộc sống.
Sau khi bà Dung đặt chồng báo cũ kèm tấm biển trên thì nhiều người là xe ôm, lao động chân tay hay các cụ già xung quanh lui tới đọc cũng như tìm kiếm kiến thức lúc nhàn rỗi. Cũng từ dạo đó, nhiều người thấy chồng báo của bà Dung khá ý nghĩa, thiết thực nên họ cũng đã mang sách báo cũ mang đến khu vực bà đặt để mọi người cùng đọc cũng như làm đa dạng thêm nguồn thông tin.
Kệ báo của bà mở cửa hàng ngày từ 7 giờ sáng đến tận tối muộn. Nhiều hôm bà còn chong đèn cho mọi người đọc đến 22 giờ đêm. Đây là địa chỉ quen thuộc của nhiều ông bà trong khu phố và cả những người lao động nghèo từ khắp nơi lên Hà Nội lập nghiệp.
Bà Dung bảo: “Tôi làm việc này không màng gì lợi ích cá nhân. Khi tôi mở sạp báo này, một số cụ rất vui khi ngồi đọc ở đây. Bởi các cụ vừa nắm được thời sự đất nước, quốc tế, vừa ngắm cảnh đẹp gò Đống Đa - vừa tự hào về người anh hùng áo vải Tây Sơn của mình. Một số cụ cũng tự đóng góp báo chí, sách vở vào đây. Tôi mong mọi người cùng tôi tích cực đọc sách báo và sưu tầm sách báo hay để nhân dân cùng đọc”.
Nỗi dị ứng mang tên smartphone của cô giáo về hưu
Nói về những ngày đầu khai trương thư viện vỉa hè, bà giáo già vui vẻ nói: “Những ngày đầu tôi nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều người yêu mến đọc sách báo lắm. Đặc biệt nhiều người đã giúp tôi tặng bạt, tặng giá sách, tặng ô che nắng che mưa, tặng sách để thực hiện nguyện vọng về một thư viện miễn phí”.
Từ chỗ chỉ vài chục cuốn sách báo cũ, đến thời điểm hiện tại “cơ ngơi” của bà đã sở hữu hàng vạn cuốn sách báo đủ mọi lĩnh vực, ngành nghề.
“Nhiều người thấy việc làm của mình hay nên đến cuối đời đã tặng tôi hàng trăm cuốn sách mà cả đời họ tâm đắc bởi con cháu họ cũng không mặn mà lắm. Có người làm ở các nhà xuất bản, các đơn vị hoặc cả tác giả các cuốn sách cũng mang đến tặng cho thư viện khiến tôi vô cùng cảm động”.
Cũng theo bà Dung, nhìn những đứa trẻ, học sinh - sinh viên say mê đọc sách, tìm hiểu kiến thức thấy bản thân càng phải cố gắng hơn nữa để phục vụ người dân: “Ở nhà cũng như ra đường đâu đâu tôi cũng thấy người dân từ trẻ nhỏ đến người lớn chăm chăm nhìn vào cái điện thoại chơi game, chơi Facebook, thậm chí đi xe máy người ta cũng cầm điện thoại khiến tôi dị ứng lắm. Chính vì vậy, việc nhìn người dân khi đến với thư viện đã không còn đụng đến điện thoại khiến tôi rất vui. Cuộc đời còn nhiều thứ ý nghĩa hơn là mấy cái smartphone chứ?”.
Bà Dung cho biết, làm việc tốt giúp bà thấy khoan khoái, vui vẻ. Mỗi lần phục vụ mọi người đọc báo miễn phí, nhiều người cảm ơn bà, bà lại cảm ơn lại họ. Bởi theo bà, nếu không có họ bà cũng không có cơ hội được làm việc tốt.