Khám bệnh cho chó bị thú cưng cắn tử vong
PGS.TS. BS Đỗ Duy Cường - Trưởng Khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Bạch Mai cho biết đơn vị này vừa ghi nhận một trường hợp nữ bệnh nhân tử vong do bệnh dại. Người này là chị Phan Thị C. (24 tuổi, ở Hà Nội), hiện đang làm bác sĩ thú y tại một phòng khám tư.
Bệnh nhân nhập viện lúc 20h ngày 3/6 trong tình trạng điển hình của bệnh dại, các dấu hiệu bao gồm: tỉnh táo, tiếp xúc được nhưng hốt hoảng, vật vã, sợ gió, sợ nước, có tiếng thít thanh quản khi uống nước, rối loạn thần kinh thực vật, nhịp tim nhanh 140 lần/phút. Đến sáng 4/6 bệnh nhân ngừng tim, ngừng tuần hoàn. Sau khi được cấp cứu, nhịp tim của bệnh nhân đã đập trở lại nhưng tình trạng nặng nên gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà và tử vong lúc 10h sáng cùng ngày.
Theo chia sẻ từ người thân chị C., cách ngày vào viện khoảng 1,5 tháng, trong lúc khám bệnh cho 1 chú chó ốm, chị C. bị cắn vào bàn tay phải. Sau khi bị cắn, bệnh nhân đã sơ cứu, rửa vết thương, sát trùng và băng lại.
4 ngày sau khi bị cắn, con chó bị ốm đã chết. Tuy nhiên, do chủ quan nghĩ rằng chú chó ốm mất vì viêm đường hô hấp nên nữ bác sĩ thú y vẫn không đi tiêm phòng vắc xin bệnh dại.
Sau đó, bệnh nhân bị đau nhức ở chỗ cắn và vùng vai phải, tê bì chân tay rồi lan ra toàn thân, kèm cảm giác khó thở, sợ gió, sợ nước. Bệnh tiến triển nhanh, tất cả các biểu hiện này chỉ bộc phát trong 1 ngày trước khi chị C. nhập viện Bạch Mai cấp cứu. Theo người nhà kể, 2 người khác cũng bị con chó này cắn nhưng đã đi tiêm phòng và thoát chết.
Đã lên cơn dại là tử vong
Trước đó khoảng 3 tuần, tại khoa Truyền nhiễm bệnh viện Bạch Mai cũng ghi nhận 1 trường hợp tử vong do mắc bệnh dại sau khi bị chó cắn. Theo PGS Đỗ Duy Cường, bệnh dại là bệnh gây bởi vi rút dại lây truyền từ các loại động vật như chó, mèo,… sang người chủ yếu qua vết cắn hoặc vết trầy xước trên cơ thể.
Hầu hết các trường hợp gây bệnh dại ở người tại Đông Nam Á là do chó cắn, tuy nhiên cũng có một số báo cáo về bệnh dại ở người là do vết cắn của mèo, cầy, chó rừng, cáo, chó sói và các loại động vật ăn thịt khác.
Thời gian ủ bệnh sau khi bị cắn thường vài tuần, có thể lâu hơn vài tháng thậm chí hàng năm tùy thuộc vào số lượng và mức độ tổn thương và vị trí của vết cắn có gần thần kinh trung ương hay không.
Triệu chứng điển hình của bệnh dại thường là thể hung dữ với bệnh cảnh sợ nước, sợ gió, kích thích, rối loạn thần kinh thực vật, tăng tiết nước bọt,… Ngoài ra bệnh dại thể liệt có thể gây liệt các chi rồi lan lên liệt toàn thân.
PGS Cường lấy ví dụ như trường hợp bệnh nhân trên, khi vào viện các triệu chứng tiến triển rất nhanh của bệnh dại thể hung dữ, chỉ chưa đến 1 ngày nhập viện bệnh nhân đã tử vong.
“Điều đau xót là bệnh nhân mặc dù làm bác sĩ thú y, khi thấy chó có biểu hiện ốm, chết lẽ ra chị phải hiểu được việc cần thiết của việc đi tiêm phòng dại nhưng bệnh nhân quá chủ quan không đi tiêm”, PGS. Cường chia sẻ.
PGS. Cường cho rằng, bệnh dại khi đã có triệu chứng (dại lên cơn) thì tỷ lệ tử vong lên tới 100%. Hiện nay bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc tiêm vắc xin dự phòng bệnh dại sau phơi nhiễm là bắt buộc nếu bị chó, mèo hay các động vật khác bị dại hoặc nghi ngờ bị dại cắn. Để phòng chống bệnh dại, mỗi người dân cần có trách nhiệm tiêm phòng dại cho chó, mèo đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của các bác sĩ hoặc cán bộ thú y. Không bán hoặc tiêu thụ thịt chó, mèo… bị ốm hoặc nghi ngờ dại vì có thể làm cho bệnh dịch lây lan, người dân cũng cần nhốt hoặc theo dõi chó, mèo trong vòng 1 tuần nếu có biểu hiện bất thường hoặc ốm, chết thì phải đi tiêm phòng ngay.
Khi bị chó mèo cắn, cần phải rửa vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Sau đó vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% và đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng vắc xin và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.