Đầu tháng 5, bà Phan Thị Nguyệt (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2) tìm một gia sư sinh viên kèm cấp tốc môn Toán cho con trai đang học lớp 9 trường THCS Nguyễn Thị Định. Năm nay Tuấn, con trai bà, chọn nguyện vọng 1 vào lớp 10 trường THPT Ernst Thälmann (quận 1), hai nguyện vọng còn lại ở trường gần nhà là THPT Thủ Thiêm và Giồng Ông Tố.
Tuấn 9 năm liền học lực giỏi, nhưng trường nguyện vọng 1 có tỷ lệ một chọi gần 1,7 nên người mẹ nơm nớp. “Việc học là từ đầu năm chứ bây giờ mới ôn thì sao kịp. Tôi cho cháu học với gia sư là để chạy nước rút, vá lỗ hổng và rèn bài tập khó may ra mới cạnh tranh được với người ta”, bà Nguyệt chia sẻ.
Tương tự bà Nguyệt, để chuẩn bị cho kỳ thi lớp 10 diễn ra ngày 2-3/6, nhiều phụ huynh ở thành phố cho con học thêm tại các trung tâm luyện thi, điểm học thêm hoặc thuê gia sư kèm tại nhà.
“Kỳ thi vào lớp 10 chẳng thua vào đại học là mấy, thậm chí khó hơn. Nhiều trường một chọi 3-4”, ông Nguyễn Quốc Anh (phụ huynh học sinh trường THCS Hiệp Bình, quận Thủ Đức) chia sẻ. Liên tục cập nhật thông tin số lượng thí sinh đăng ký dự thi lớp 10, đến ngày Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM công bố, ông khuyên con điều chỉnh nguyện vọng, chuyển sang trường có điểm đầu vào thấp.
Ban đầu con gái ông đăng ký nguyện vọng 1 vào trường THPT Nguyễn Hữu Huân để học gần nhà, hai nguyện vọng tiếp theo vào THPT Hiệp Bình và Đào Sơn Tây cùng ở quận Thủ Đức. Song, khi thấy tỷ lệ chọi trường Nguyễn Hữu Huân năm nay cao (gần 1 chọi 3), nữ sinh chuyển qua THPT Lê Quý Đôn với tỷ lệ chọi thấp hơn.
Theo ông Quốc Anh, lịch học trong tuần của con gái rất dày, chỉ trống mỗi chiều chủ nhật để “xả hơi”. “Học ở trường cả ngày, đến tối con sẽ ôn ở lớp học thêm, hôm nào không học thêm thì tự học ở nhà và bữa nào cũng 23h mới ngủ”, ông kể. Vì đã vào nếp nên nữ sinh tự giác học, không đợi ba mẹ nhắc nhở.
Nhiều học sinh lực học trung bình khá, dù chọn trường tốp dưới có tỷ lệ chọi thấp để rộng cửa, song phụ huynh vẫn không yên tâm, muốn con luyện thi. “Mỗi môn luyện thi cấp tốc chừng 500 đến 700 nghìn đồng một tháng, nơi nào uy tín cao hơn chút ít. Dù khó thì cũng ráng cho con đi học, vào được trường công thì học phí cũng đỡ hơn”, một phụ huynh là công nhân ở Khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức) cho biết.
Học sinh chịu nhiều áp lực
Xuân Hương (học sinh lớp 9 một trường THCS ở quận 1) được cha mẹ giao “chỉ tiêu” vào trường THPT Trưng Vương. “Từ học kỳ hai đến nay, hình như em không có ngày nghỉ. Gần đến ngày thi càng căng thẳng, dù ôn rất kỹ vẫn lo mình thiếu sót, vào phòng thi không làm được thì thua bạn”, Hương thổ lộ.
Ban ngày học hai buổi ở trường, tan học nữ sinh chỉ kịp tạt vào quán ven đường ăn hủ tiếu, sau đó bắt xe ôm đến trung tâm bồi dưỡng văn hóa cách đó không xa ôn Toán, Anh văn. Đến tối, ba đến đón về, em chỉ kịp ăn qua loa, tắm rửa rồi vào học bài đến khuya.
Trong khi đó, Anh Tú (học sinh THCS Phan Văn Trị, Gò Vấp) tỏ ra hụt hẫng khi cuối học kỳ hai mới biết chế độ cộng điểm khuyến khích cho cá nhân đạt giải kỳ thi học sinh giỏi các cấp bị bỏ. “Nếu vẫn được cộng như mọi năm thì em có chút vốn để cạnh tranh thi vô trường Mạc Đĩnh Chi, bây giờ không còn phải cố gắng hơn”, Tú nói và cho biết gần một tháng nay gần như “vắt chân lên cổ” học.
Khác với bạn bè, Tú ít học thêm, chỉ phụ đạo thêm môn Văn và tự ôn ở nhà. Tú thường giải Toán nâng cao và làm các bộ đề tiếng Anh trên mạng. “Học riết rồi quen, dạng bài tập nào em chỉ cần đọc đề là biết cách làm. Nhưng em vẫn lo vì đề Toán năm nay đổi mới, nhiều câu hỏi liên quan môn Lý, Hóa và suy luận nữa”, nam sinh cho biết.
Với áp lực học hành, nhiều học sinh chia sẻ lúc nào cũng bị căng cứng người, đầu óc mụ mị với bài tập. Trong cặp sách của nhiều em luôn có sẵn các cuốn tài liệu ôn luyện để khi rảnh rỗi là mang ra học.
Giáo viên “đua” cùng học sinh
Một nữ giáo viên chủ nhiệm lớp 9 ở quận Gò Vấp cho biết, Văn và Toán là hai môn được thầy cô ráo riết ôn luyện cho học sinh. Văn không nhiều thay đổi song môn Toán với hình thức khác xa mọi năm nên việc ôn bài mất nhiều thời gian.
“Áp lực từ trường, từ phụ huynh và cũng từ chính mình với mong muốn học trò đậu được trường tốt nên giáo viên chúng tôi mùa này vất vả lắm, nhất là gần ngày thi”, cô chia sẻ.
Thầy Hà Văn Vy (Hiệu trưởng THCS - THPT Phan Châu Trinh, quận Bình Tân) cho biết, trường chỉ có ít học sinh lớp 9 đăng ký thi tuyển sinh lớp 10 bởi phần lớn có nguyện vọng học tiếp cấp ba tại đây. Song, từ đầu tháng 4, trường cũng tổ chức các lớp ôn tập riêng cho các em để củng cố kiến thức, làm quen với dạng bài tập tuyển sinh lớp 10.
“Nhà trường không tạo không khí căng thẳng nhưng phụ huynh kỳ vọng, học sinh cũng muốn vào trường tốt nên nhiều em học miệt mài”, thầy cho biết.
Lãnh đạo một trường THCS ở quận Bình Thạnh cho rằng, cuộc đua vào lớp 10 công lập ở TP HCM căng thẳng hơn nhiều năm khi số thí sinh tăng mạnh trong khi chỉ tiêu gần như không đổi. Chủ trương của thành phố là tỷ lệ tuyển sinh vào trường công lập sẽ giảm khoảng 3% mỗi năm để phân luồng sang trung tâm giáo dục thường xuyên và trường nghề nên cuộc đua thêm gay gắt.
Trước lúc đăng ký nguyện vọng, trường đã có nhiều buổi tư vấn cho phụ huynh, định hướng phân luồng để học sinh chọn đúng trường, phù hợp với năng lực, nhưng trường THPT công lập vẫn là lựa chọn của phần lớn phụ huynh. “Khi cha mẹ các em đã chọn thì trường ít nhiều cũng tham gia vào cuộc cạnh tranh này để học trò mình có kết quả tốt”, ông cho biết.
Theo số liệu nguyện vọng do Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM công bố, năm nay thành phố có gần 90.000 học sinh đăng ký thi vào lớp 10. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu 103 trường THPT công lập là 67.000 nên sau kỳ thi này, hơn 22.000 thí sinh sẽ không trúng tuyển.
Nhiều trường THPT có tỷ lệ chọi tăng so với năm ngoái nên dự báo điểm chuẩn sẽ biến động. Một số trường có tỷ lệ chọi cao và tăng so với năm trước là THPT Trưng Vương, Nguyễn Thị Minh Khai, Gia Định, Nguyễn Thượng Hiền, Ngô Quyền, Lê Trọng Tấn, Mạc Đĩnh Chi.