Tình hình dịch Covid- 19 ở TP.HCM nhiều ngày qua trở nên căng thẳng khi mỗi ngày đều có số ca nhiễm liên quan điểm nhóm Truyền giáo Phục Hưng (415/8/4 Nguyễn Văn Công, P.5, Q.Gò Vấp).
Tính đến 0h ngày 31/5, TP.HCM áp dụng lệnh giãn cách xã hội, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (Q.12) buộc phải phong toả theo chỉ thị 16. Trước giờ thực hiện giãn cách, rất đông người dân đến các siêu thị trên địa bàn quận Gò Vấp để mua thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết.
Chắc chắn rằng, bất kỳ người dân nào từ tâm dịch Gò Vấp cũng sẽ cảm nhận sự vắng lặng khác hẳn thường ngày. Khung cảnh náo nhiệt của xe cộ, hàng quán nay trở nên căng thẳng khi nhiều nơi bắt đầu dựng barie phong toả, đội dân quân, chiến sĩ công an có mặt ở nhiều điểm, nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ kín bưng để tiến hành test Covid-19.
Ai ai cũng trong trạng thái lo lắng, cảnh giác cao độ khi tình hình dịch bệnh ngày một diễn biến căng thẳng, phức tạp. Thậm chí thời điểm này, chỉ cần cơ thể có bất kỳ biểu hiện "lạ" nào cũng khiến người ta "lo sốt vó", nghi ngờ liệu mình có dương tính với Covid- 19.
Chẳng kể đâu xa, một phóng viên cũng là cư dân tại tâm dịch Gò Vấp, mới đây anh vừa trải qua một cơn đau họng, giữa thời điểm nhạy cảm như hiện nay, bản thân anh đã cảm nhận được "dịch Covid-19 gần mình đến thế nào!".
"Tối 31/5, cổ họng tôi bắt đầu đau âm ĩ. Lúc ấy, như có ai đó đã dùng dao lam cứa vào cuống họng tôi vậy. Cả buổi tối tôi chỉ ăn cơm với trứng và nước canh, mỗi lần nuốt thức ăn vẫn như có sỏi chặn lại ở họng.
Tôi ngậm nước muối, sắc gừng uống với nước ấm, miệng vẫn không ngừng mong chuyện này sẽ kết thúc sớm. Lúc đi ngủ, tôi dùng chăn quấn chặt quanh cổ, không dám nuốt nước bọt vì sợ cảm giác đau đớn như lấy dao cứa vào họng.
Đến sáng hôm sau, cơn đau bắt đầu dữ dội hơn. Mọi thứ rơi vào đúng khoảng thời gian ngặt nghèo này khiến tôi càng hoảng loạn. Tôi bắt đầu điện thoại cho CDC thành phố . Nhanh chóng nhân viên y tế đã hướng dẫn tôi đến trạm y tế gần nhất.
Trưởng trạm xem qua tờ giấy lịch trình, hỏi tôi một vài câu rồi gửi tôi thẳng lên BV Gò Vấp. Lần đầu trên con đường Quang Trung vắng tanh, tôi cảm giác được sự sợ hãi.
Nhân viên y tế dẫn tôi đi theo lối dành riêng cho bệnh nhân có yếu tố dịch tễ. Trước tôi là F1, chị làm nhân viên bán hàng có tiếp xúc trực tiếp với đồng nghiệp dương tính. Bên kia là F2, một người nữa sốt trên 37 độ… Tất cả ngồi cách nhau 2 mét, ánh mắt ái ngại.
Thực tế, tình hình trong BV rất căng thẳng. Những ca bệnh có thể điều trị tại nhà, bệnh lý không quá nặng, bác sĩ đều yêu cầu bệnh nhân trở về nhà, thăm khám qua điện thoại. "Ở đây, giờ nguy hiểm vì có khả năng lây chéo" - bác sĩ giải thích với ông lão vừa mang đứa cháu bị tiểu buốt vào viện.
Chúng tôi thăm khám trong một căn phòng kín, bác sĩ ngồi trên một chiếc bàn gỗ cách xa 2 mét, nói chuyện qua chiếc mic gắn trong bộ đồ bảo hộ. Sau đó, người có yếu tố dịch tễ sẽ nhanh chóng được nhân viên y tế đưa đi cách ly ngay khu tập trung của bệnh viện.
30 phút sau, bác sĩ gọi tôi vào phòng. Ông nhìn tờ khai báo y tế, hỏi tình hình sức khoẻ rồi nói: "Bây giờ vẫn không có dấu hiệu chính. Hoặc vào khu cách ly tập trung, hoặc trở về cách ly và tự theo dõi thêm tình hình". Tôi gật đầu với phương án 2.
Quá trưa, tôi trở về nhà với một vốc thuốc lớn. Cả hôm đó, cơn đau ở họng vẫn không hề thuyên giảm. Khi đọc thông tin về một bệnh nhân tử vong ở tuổi 22, tôi oà lên khóc.
2 ngày sau, tôi vẫn uống thuốc, ngậm nước sát khuẩn theo đúng chỉ định của bác sĩ. Bình trà gừng nóng được châm cả ngày.
May mắn đến chiều ngày 2/6 cơn đau đã giảm", anh phóng viên kể lại trải nghiệm đáng nhớ những ngày qua tại tâm dịch Gò Vấp.
Hiện tại, phóng viên này đang tự cách ly tại nhà, thực phẩm dự trữ đã hết, anh đành nhờ người thân mua hộ và mang đến tiếp tế.
"Đến bây giờ khi nhớ lại trải nghiệm đã qua, một cơn đau họng trong tâm dịch cũng khiến bạn hoảng loạn, suy sụp, tôi mới thấy dịch Covid-19 gần mình đến thế nào!
Tôi mong sao dịch bệnh này sẽ sớm được đẩy lùi, và chúng ta lại được sống trong những ngày an toàn như trước đây!", phóng viên này chia sẻ.
Chỉ mới 8 ngày trôi qua kể từ khi ổ dịch tại nhóm truyền giáo Phục Hưng được phát hiện (ngày 26/5), đã có 265 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận.
Theo nhận định của ngành y tế TP.HCM cũng như của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long,ổ dịch này đang "khó kiểm soát nhất" vàcác ca nhiễmkhông rõ nguồn gốccó thể tiếp tục gia tăng thời gian tớitrong cộng đồng.
Tính đến 12 giờ ngày 3/6, Việt Nam có tổng cộng 6.446 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 4.876 ca.