Đầu tháng 1/2019 học sinh tại Hà Nội đã bắt đầu sử dụng sữa học đường. Theo đó, công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk (địa chỉ số 10, Tân Trào, phường Tân Phú, quận 7, TP Hồ Chí Minh) là đơn vị trúng thầu, với tỷ lệ hỗ trợ của đơn vị trúng thầu là 23%.
Mức hỗ trợ này cao hơn so với mức mời thầu của Sở GD&ĐT Hà Nội là 3%. Đơn giá trúng thầu 1 hộp sữa là 6.286 đồng, thấp hơn 514 đồng/hộp so với mức trần đấu thầu (không quá 6.800 đồng/hộp loại 180ml).
Sau khi chương trình sữa học đường này được áp dụng không ít phụ huynh bày tỏ lo lắng về việc con mình sử dụng sữa ra sao? Chất lượng sữa như thế nào? Có phải hàng cận “date”, sữa tươi hay sữa hoàn nguyên?…
Chị Bùi Vũ Minh Tr. (ở quận Thanh Xuân) có con đang theo học tại trường tiểu học trên địa bàn cho biết, nhà trường thông báo qua tin nhắn điện thoại con chị cùng học sinh toàn trường sẽ chính thức uống sữa theo đề án sữa học đường tại nhà trường từ ngày 2/1/2019.
Chị Tr., cho biết, việc con uống sữa theo chương trình sữa học đường chị hoàn toàn ủng hộ vì hằng ngày con chị vẫn sử dụng. Tuy nhiên, có chút vấn đề chị còn lo lắng.
“Tôi có bảo con là mang vỏ hộp sữa về cho mẹ kiểm tra xem thì con bảo uống xong bị thu lại vỏ hộp. Cô giáo bảo đây là loại sữa mới không bán ra ngoài thị trường. Tôi thắc mắc tại sao thu lại vỏ hộp? Đó là sữa 110ml hay 180ml? Là sữa gì? Sữa tươi hay hoàn nguyên? Còn date hay không?”, chị Tr. bày tỏ lo lắng.
Cũng như chị Tr., chị Nguyễn Thị H. (có con đang theo học lớp 1 tại trường tiểu học trên địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết, con trai chị cũng đã áp dụng uống sữa học đường. Chị H. có chút lo lắng đó là liệu rằng chất lượng sữa trong hộp sữa học đường có đảm bảo chất dinh dưỡng như trong hộp sữa mà Vinamilk bán ra thị trường hay không?
Về vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, đại diện Công ty sữa Vinamilk cho rằng, phụ huynh có thể hoàn toàn yên tâm khi trên mỗi hộp sữa đều in rõ thông tin ngày sản xuất, ngày hết hạn, lô sản xuất… Bên cạnh đó hộp sữa áp dụng trong chương trình này in logo “Sữa học đường” ngay ở vỏ hộp.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định không có chuyện học sinh không được mang hộp sữa đã uống về nhà. “Có thể nhà trường không muốn vỏ hộp sữa ra ngoài bẩn. Phụ huynh có thể trực tiếp đến trường kiểm tra trực tiếp nói với cô giáo cho con mang hộp sữa về kiểm tra, việc làm đó rất tốt không có vấn đề gì vì toàn bộ chương trình sữa học đường đều được công khai.
Các em học sinh hoàn toàn có thể mang vỏ sữa về nhà để phụ huynh kiểm tra xem thành phần, hạn sử dụng ra sao. Việc phụ huynh lo lắng sữa sắp hết hạn sử dụng là không có vì lượng tiêu thụ mỗi ngày trên toàn thành phố rất lớn. Khi sữa được vận chuyển đến trường sẽ nhập kho”, ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, giáo viên là người đến kho để nhận, quản lý việc uống sữa, hướng dẫn học sinh cách bóc hộp sữa, ép vỏ sữa, sau đó đóng trong hộp lớn cho nhà cung cấp vận chuyển để tái chế. Nếu 90% học sinh Hà Nội uống mỗi ngày một hộp sữa thì có tới một triệu hộp được tiêu thụ mỗi ngày, số lượng vỏ hộp sữa sẽ rất lớn, không được xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường.
Theo ông Tiến, chương trình sữa học đường được phụ huynh tự nguyện tham gia tại trường công lập và dân lập. Trẻ uống mỗi ngày một hộp 180ml. Đối với các em học sinh thuộc các gia đình chính sách như hộ nghèo, có công với cách mạng… được hỗ trợ 100%. Học sinh bình thường sẽ được trợ giá 50%, phụ huynh đóng góp 50%.
Cũng theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, đây là chương trình thực hiện theo chủ trương của Chính phủ. Bộ Y tế sẽ có quy định về sữa học đường, trong thành phần có thêm một số vi lượng và khoáng chất giúp trẻ trong độ tuổi nhằm tăng chiều cao, không giống sữa đang bán ngoài thị trường. Sở Y tế kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng sữa.