Trao đổi với báo chí ngày 6/3, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP HCM cho hay, chủ trương của địa phương này “không cấm xe gắn máy vì đây là phương tiện để người dân đi lại, làm ăn”.
Theo ông, thành phố đang tập trung đầu tư metro, buýt nhanh BRT, buýt thủy, đường sắt… và cả xe đạp công cộng để phục vụ người dân. Chính quyền phát triển phương tiện công cộng và qua đó xã hội tự điều tiết. Khi metro, xe buýt nhanh… văn minh, lịch sự thì người dân sẽ lựa chọn và tự động không dùng xe máy.
“Đến giai đoạn người dân cảm thấy giao thông công cộng thuận lợi rồi, chính quyền mới hạn chế xe gắn máy, bây giờ chúng tôi chỉ khuyến khích”, ông Tuyến nói và cho hay việc hạn chế xe máy là rất cần thiết vì “không có nước nào xe gắn máy nhiều mà giao thông thuận lợi được”.
Lãnh đạo TP HCM thông tin thêm, các trạm, bến xe được tính toán để khi người dân bước ra khỏi nhà 500 m là có phương tiện công cộng đi lại; thành phố cũng sẽ gắn giao thông công cộng với phát triển thương mại dịch vụ. Ví dụ, metro ngầm thì có những tuyến thương mại dưới lòng đất để người dân tiện mua sắm.
“Chúng tôi đang quy hoạch lại không gian ngầm để triển khai phương án này. Tuyến metro đầu tiên phấn đấu hoàn thành vào tháng 10/2020 để tăng lượng khách sử dụng giao thông công cộng lên ít nhất là 15% so với hiện nay mới khoảng 9,7%”, ông Tuyến nói.
Trước đó vào giữa tháng 2, Sở Giao thông Vận tải đã trình Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông”.
Đề án được “đặt hàng” Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) nghiên cứu, nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe tại Sài Gòn. Theo đó, thành phố sẽ hạn chế và tiến tới cấm môtô, xe máy 2-3 bánh tại một số khu vực trung tâm như: quận 1, 3, 5, 10, Phú Mỹ Hưng, Khu đô thị mới Thủ Thiêm… vào giai đoạn 2025-2030.