Bộ phim tài liệu dài 27 phút được nhà văn nữ Quỳnh Trâm, Nguyễn Yến Trinh và đồng đội thực hiện đã lấy đi nước mắt của nhiều khán giả. Quỳnh Trâm đã nói đây là những thước phim mà phải mất rất lâu cô mới hoàn thành, cũng là bộ phim mà cô đặt trái tim và tình cảm vào nhiều nhất.
Hành trình đi tìm hạnh phúc của Đào được gói gọn trong ít phút nhưng đầy cảm xúc và nước mắt. Để đi đến ngày hôm nay, suốt cả quãng thời gian dài mà người con gái bị ngã vào than củi khi mới 28 ngày tuổi phải chịu đựng, tất cả như một phép màu.
Nguyễn Thị Thu Đào bị bỏng nặng khi gần tròn tháng. Chị may mắn sống nhưng những vết sẹo lồi lõm cứ in hằn không bao giờ mất đi. Cứ nhớ lại quãng thời gian thơ bé là Đào lại khóc, nỗi ấm ức tủi nhục chưa bao giờ vơi bớt trong lòng cô.
“Các bạn cứ trêu là đứa cụt tay, đứa méo miệng, thế này thế kia… rất khổ. Mỗi lần bị bạn bè rượt đánh là vừa chạy vừa khóc. Mẹ ơi con không muốn đi học nữa. Khi thấy các bạn tập thể dục, cái môn mà mình không làm được… mình chạy về bảo mẹ là không học nữa. Nhưng mẹ cứ năn nỉ hoài thương mẹ chịu khó đi học. Lúc ý mình nghĩ là chỉ muốn chết đi.
Năm 2004, đoàn từ thiện về làm phẫu thuật cho các bé bị sứt môi. Trường hợp của mình rất khó. Mình cứ đợi mãi nhưng đợt đó không được. Cho đến khi gặp được bố mẹ nuôi, họ hỏi mình có muốn sang Mỹ phẫu thuật không. Không một chút đắn đo, mình trả lời rằng có, dù thế nào con cũng đi. Được mẹ Hằng giúp tìm cho công việc, mình rất cảm động và làm việc bằng cả trái tim”.
Chồng của Đào, anh Michael Louis, bác sĩ Nha khoa tại Califonia, Hoa Kì tâm sự: “Tôi rất yêu trẻ con. Tôi nhận ra ý nghĩa của việc tình nguyện tại nước ngoài và tôi hạnh phúc khi làm nó. Chuyến đi đầu tiên đến Việt Nam, cụ thể là Quy Nhơn, tôi đã gặp Đào. Tôi là 1 trong các bác sĩ tham gia phẫu thuật cho Đào. Chúng tôi yêu Việt Nam và về ít nhất 1 năm 1 lần.
Khi kết hôn chúng tôi đã thoả thuận với nhau. Cô ấy muốn có 1 đứa con gái và gia đình sẽ về thăm Việt Nam mỗi năm. Tôi cũng thích văn hoá Việt Nam và muốn được nghỉ hưu tại đây. Tôi là bác sĩ còn cô ấy hỗ trợ sắp xếp công việc giúp tôi. Trong công việc có cô ấy là điều tuyệt vời, trong cuộc sống gia đình thì càng tuyệt hơn nữa.
Bà Lương Thị Thực, mẹ ruột của Đào không khỏi hạnh phúc vì con gái đã trưởng thành và có cuộc sống tốt mà bà chưa khi nào dám mơ tới: “Nhìn thấy con trong lòng thì thương xót nhưng không biết nói ra làm sao. Không nghĩ là nó có chồng.
Bà con hàng xóm động viên thôi bảo nó kiếm lấy đứa con mà nuôi còn có chỗ nương tựa tuổi già. Tuy chồng Đào giờ không biết tiếng Việt nhưng qua tiếp xúc, cử chỉ, hành động thì mình thấy đó là con người có đạo đức”.
Có lẽ gặp được người chồng của hiện tại là điều vô cùng may mắn với Đào. Anh yêu thương, trân trọng, săn sóc và không bao giờ chê bai ngoại hình vợ: “Chồng mình rất thương mình. Khi đi mua sắm, ra ngoài anh đều nắm tay mình rất chặt và nói rằng anh rất tự hào”.
Hiện tại, Đào đang sống cùng chồng và các con tại Mỹ. Đây có lẽ là một điều kì diệu trong câu chuyện cổ tích. Một cái kết viên mãn cho suốt nhiều năm khổ cực của Đào. Từ một cô bé tự ti trước ngoại hình, nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ nuôi và mọi người cùng nỗ lực của bản thân, Đào đã tìm được hạnh phúc mà cô hằng mơ ước.