Chiều, nắng gay gắt. Trên hành lang tầng hai TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), cô gái trẻ ngồi bất động. Phảng phất trên gương mặt xinh đẹp là nét u sầu. Cô có dáng cao ráo, gương mặt cân đối, nước da trắng hồng.
Chưa đầy 30 tuổi, cô là bà mẹ của đứa bé ba tuổi, là nguyên đơn trong vụ án ly hôn. Chồng cô SN 1976, đang thi hành án trong trại giam vì tội lừa đảo, với mức án 16 năm tù.
Cùng đến tòa là bố cô và người em trai của chồng. Gần đến giờ xử án, ông lão quyết định quay về nhà chở cháu ngoại đến tòa, vì muốn con rể có cơ hội thăm con. Cô giải thích, lúc hai cha con rời nhà, đứa bé đang ngủ trưa. Xót cháu, muốn để cô bé ngủ tròn giấc, nên bà ngoại không cho hai cha con bồng đi.
Dang dở một đời
Chờ đến giờ xét xử, cô gái trải lòng, cô và chồng kết hôn năm 2012. Mới cưới được 20 ngày thì chồng bị bắt. Chỉ mới vài năm trước, mà xa xôi như đi hết một đời người. Hồi đó, cô trẻ trung, xinh đẹp, ngây thơ. Chồng cô lúc đó là một người đàn ông bảnh bao, miệng dẻo quẹo, ngọt hơn cả mía lùi, hơn cô đến 12 tuổi. Cô nghiêng ngả vì những lời đường mật, ong bướm của một người đàn ông từng trải.
Ngày đó cô đã chuẩn bị kết hôn với người khác, thiệp mời đã phát đi rồi, nhưng cô nhất định từ hôn, để theo người đàn ông từng trải kia, cũng chính là chồng cô bây giờ. Cả gia đình cô điêu đứng. Đất không chịu trời, thì trời đành chịu đất. Cuối cùng, cô cũng kết hôn được với người trong mộng.
Đám cưới diễn ra. Hai mươi ngày ngắn ngủi, chút hạnh phúc ít ỏi ấy nhanh chóng khép lại, khi người đàn ông sa lưới pháp luật. Cô ngỡ ngàng, bức màn bí mật lâu nay về người chồng dần hiện ra. Cô như hóa đá khi nhận ra con người thật của chồng. Tình yêu với chồng tan dần, chỉ còn lại trong cô là nỗi e dè sợ hãi cố giấu.
Chớp đôi mắt sâu hun hút dưới đôi mi dài cong vút, cô nở nụ cười chua chát khi nhớ lại chuyện cũ. Ngày đó, chồng bị tạm giam ở Đà Nẵng. Tháng nào cô cũng tay xách nách mang, vác bụng bầu lặn lội bắt xe đò vượt mấy trăm km đi thăm chồng. “Người quản trại lần nào thấy em, cũng bảo: “Thôi về đi, lần sau đừng vào đây nữa. Bầu bí thế kia. Mi cũng bị hắn lừa như những người kia thôi. Họ bị hắn lừa tiền, còn mi bị hắn lừa tình đó”. Nghe mãi, nghe mãi mà em vẫn chẳng tỉnh ra, chỉ thấy thương chồng”, cô khẽ nhếch môi cười, nhưng nụ cười méo xẹo, bi ai.
Rồi ngày cô vượt cạn một mình, những đêm con ốm, phải thao thức ôm con một mình, rồi áp lực từ gia đình, áp lực từ dư luận, khiến cô nhiều lúc như muốn phát điên. Bận bịu con mọn, cô gái trẻ phải sống dựa hẳn vào sự đùm bọc của mẹ cha. Vậy mà mỗi lần vào trại thăm chồng, người chồng chẳng một lời quan tâm hỏi han vợ con bên ngoài, chỉ yêu sách quần này áo nọ, dép kia.
“Ảnh toàn đòi em phải mua hàng hiệu gửi vào. Đôi dép cũng phải hàng xịn mới chịu. Cái bàn chải đánh răng cũng phải loại đắt tiền mới hợp ý”, cô kể. Không làm ra tiền, đến cơm ngày ba bữa cũng nhờ mẹ nuôi, lại suốt ngày xin tiền mẹ để “tiếp tế” cho chồng khiến mẹ cô nhăn nhăn nhó nhó. Cô khó sống. Hàng xóm xì xào.
Mỗi ngày trôi qua là một cơn ác mộng đối với cô. Đỉnh điểm của mọi việc, là khi cô phát hiện ra chồng từng chung sống với người phụ nữ khác, có cả con riêng. Niềm tin lụi tàn. Tình yêu cũng dần tắt. Cô bảo, chỉ vì sự nhẹ dạ của mình, mà khiến gia đình cô phải rơi xuống vực thẳm. Cô quyết định đưa đơn ra tòa ly hôn. Do chồng cô không đồng ý, nên buộc tòa án phải mở phiên xét xử.
Phiên ly hôn đầy sắc cảnh phục
Phiên tòa ly hôn, nhưng đầy sắc phục áo xanh của cảnh vệ. Vì bị đơn đang thi hành án ở trại giam, được trích xuất về tham gia phiên tòa. Khi bị đơn được công an dẫn giải vào phòng, mỗi bước đi lại khua vang tiếng leng keng của chiếc xích lạnh nơi cổ chân.
Vừa nhìn thấy con gái, nam phạm nhân nở nụ cười, ánh mắt long lanh hạnh phúc. Ông ngoại đẩy cháu về phía con rể, bảo: “Đến với ba đi con”, đứa bé lắc đầu. Khi đôi tay của người cha - vốn xa lạ với cô bé, chìa ra, đứa bé lần nữa lắc đầu, miệng la lên: “Lạ, lạ, lạ”. Đôi mắt người cha chợt tối lại.
Sau một hồi được ông ngoại khuyên, đứa bé cũng chịu sà vào lòng cha. Ông lão lọ mọ cầm điện thoại, bảo cháu hôn lên má cha, để ông chụp hình lưu lại. Rồi như sực nhớ ra, ông lại lần nữa lần tay vào túi, rút ra hai tờ tiền mệnh giá 500 ngàn, cố dúi vào tay con rể. “Ba đến đây, không mang theo cho con thứ gì. Cầm tiền vào trong đó, thích ăn thứ gì thì mua thứ đó”. Người con rể lắc đầu không nhận, khiến ông phải cố ép mãi mới được.
Nhìn cảnh ấy, cô cười buồn. Cô bảo mình đang đi làm công nhân ở tận Đồng Nai, con gái phải gửi nhờ ông bà ngoại chăm sóc. Cha mẹ già yếu, không thăm nuôi được con rể, nhưng mỗi tháng vẫn đều đặn gửi tiền nhờ thông gia mua hàng hóa gửi vào cho con rể. Dù tình cảm với chồng không còn, nhưng cô vẫn được nhà chồng thương yêu. Cô kể, mình ly hôn, mà người thân bên chồng ai cũng dặn, khi nào cưới thì nhớ mời, để họ chúc phúc, để họ mừng cô làm lại cuộc đời. Nhưng một lần lên nhầm thuyền, cô như con chim sợ cành cong, lòng đâu dám.
Tiếng chuông báo hiệu phiên tòa bắt đầu, cắt đứt cái ôm hãy còn dang dở của hai cha con bị đơn. Người đàn ông tiếc rẻ, buông tay con gái đến bên chiếc bàn dành cho mình. Ở chiếc bàn bên cạnh, người vợ ngồi lặng như hóa đá. Hai mươi ngày là vợ chồng, rồi chia ly dài đằng đẵng, nay cả hai không ai nhìn nhau. Họ ngồi nghiêm nghị, hướng ánh mắt chăm chú về phía chủ tọa phiên tòa.
“Bị chồng lừa nên không còn tình cảm nữa”
Tại phiên tòa, nguyên đơn cho biết, mình có yêu cầu xin ly hôn. Lý do vì tình cảm với chồng đã hết, thời gian chồng thụ án quá lâu, cô không thể đợi được.
“Trước khi kết hôn, anh chị tìm hiểu bao lâu thời gian?”, nữ thẩm phán hỏi.
“Tôi và chồng quen biết nhau chưa đầy một năm. Bản thân tôi không hiểu rõ về đối phương. Cả hai chúng tôi kết hôn vì lỡ có em bé”.
“Thời gian sống chung có hạnh phúc không?”
“Chúng tôi cưới nhau được 20 ngày thì anh ấy bị bắt. Nên chẳng kịp cảm nhận cuộc sống vợ chồng có thực sự hạnh phúc hay không. Sau đó tôi biết mình bị chồng lừa, nên không còn tình cảm nữa”.
“Anh ấy lừa chị điều gì?”
“Trong thời gian yêu nhau, cho đến khi cưới, tôi hoàn toàn không biết chồng mình đi lừa đảo, lừa tiền của người khác. Tôi cũng không biết chồng chung sống với người khác và đã có con. Mãi sau khi chồng bị bắt, một người quen của gia đình tình cờ cho hay, tôi tìm hiểu mới biết sự thật”.
Tòa hỏi bị đơn: “Vợ anh yêu cầu được ly hôn, ý anh thế nào?”.
“Tôi đồng ý ly hôn”, người đàn ông nói xong thì gục mặt xuống bàn, vẻ bất lực. Khi được tòa hỏi về mâu thuẫn trong cuộc sống của hai vợ chồng, bị đơn tỏ ra gay gắt: “Tôi đang thi hành án trong trại giam. Vợ tôi ở ngoài muốn được ly hôn. Giờ tôi đã chấp nhận, nên không muốn tòa nhắc đến những mâu thuẫn giữa hai vợ chồng. Khi vợ chồng sống hạnh phúc, không kêu ai. Giờ ly hôn, phải gọi nhiều người đến thế này. Tôi thật sự đã mệt mỏi”.
Người đàn ông bày tỏ, do mình đang thi hành án, nên bất lực trong việc nuôi con. Anh đồng ý để vợ nuôi con, chỉ mong vợ tạo điều kiện, để nhà nội được tới lui thăm cháu. Anh ở trong tù, thiếu thốn tình cảm, nên cũng mong vợ tạo điều kiện, để cho anh được thăm con khi có cơ hội.
Phiên tòa ly hôn nhanh chóng kết thúc. Cảnh vệ nán lại nơi hành lang, để phạm nhân có thêm chút thời gian ít ỏi bên cạnh con. Nhìn hai cha con tíu tít nói cười bên nhau, người cảnh vệ tỏ ra lo lắng: “Anh ta đang cải tạo rất tốt. Sau phiên tòa lần này, trở về trại giam, chỉ sợ tâm lý anh ta bất ổn. Anh ta thật đáng thương, nhưng vợ anh ấy cũng thật đáng thương. Cô ấy còn trẻ quá. Mà 16 năm dài đằng đẵng thế kia…”, người này chép miệng.
Theo chân cha ra tận chiếc xe tù bịt bùng, đôi chân nhỏ xíu của cô bé vừa đi vừa nhảy nhót, miệng lí lắc. Chợt nhìn thấy đôi tay ba bị chiếc còng quấn chặt, cô bé tròn mắt: “Ba ơi! Tay ba bị chi rứa”. “Ừ, tại ba không ngoan, nên tay mới như vậy nè. Con ở nhà phải ngoan, không được hư như ba nghe không?”. Cô bé gật gật đầu, cam kết.
Khi người cha rẽ về phía chiếc xe chuyên dụng đang đợi sẵn, cô bé mới hốt hoảng kêu lên: “Ba ơi! Ba đi mô rứa?”. Người đàn ông vội quay mặt, giấu đi giọt nước mắt vừa ứa ra, giọng khản lại: “Ba đi công chuyện. Ba con mình gặp nhau sau nghe”. Cô bé lại gật đầu lần nữa, nhưng bóng người cha đã mất hút.