Những thước phim làm ám ảnh...
Địa điểm mà ekip phim tài liệu "Ranh giới" thực hiện là tại bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) tại tầng thứ 4 trong tháp 5 tầng điều trị. Đây cũng là nơi điều trị cho những sản phụ mắc Covid-19 chuyển biến nặng.
Hơn nửa tháng tác nghiệp tại đây, vượt qua những thử thách của dịch bệnh ê kíp đã ghi lại những hình ảnh đắt giá. Đó là không khí hối hả khẩn trương cuộc đội ngũ y bác sĩ đến khoảnh khắc thai phụ từ chối sử dụng máy thở. Là sự kiên nhẫn của đội ngũ y bác sĩ cho tới những thời khắc bắt buộc phải lựa chọn. Bên cạnh đó tình người, tình đồng bào ở những khoảnh khắc cam go cũng được khắc họa một cách đầy xúc động.
Được biết, tính từ 30/5/2021 đến 1/9/2021, khu K1 bệnh viện Hùng Vương đã tiếp nhận 861 sản phụ F0. Trong đó có 804 ca cả mẹ tròn con vuông, 5 ca tử vong tại khu K1, 57 ca nặng chuyển lên bệnh viện tầng 5 trong tháp điều trị Covid-19.
Nhiều ngày qua, các y bác sĩ, nhân viên y tế đều trong tình trạng khẩn trương, luôn chân, luôn tay với nhiều công việc. Họ dường như không có một phút ngơi nghỉ nào trong cuộc chiến giành giật giữa sự sống và cái chết.
Thậm chí, các y bác sĩ phải nhiều lần đứng trước ranh giới và sự lựa chọn để giữ lấy sinh mạng cho không chỉ một người mà là hai mẹ con. Ở đó còn có cả những quyết định đau đớn phải chấp nhận đưa ra.
“Không cứu được nó đau lắm, khi thấy một bệnh nhân bị vậy nó đau từ trong tim. Tất cả bao nhiêu con người, mà cũng không cứu được. Ranh giới cái sống và cái chết quá mong manh. Khiến mọi người cần sống tử tế và mạnh mẽ hơn”, hộ sinh Phạm Thị Thuỳ Trang, Bệnh viện Hùng Vương nghẹn lại.
Những sản phụ mắc covid-19 khi vào điều trị tại đây đều không có người thân bên cạnh chăm sóc nên càng khiến họ hoang mang, lo lắng. Thậm chí, trước sự tấn công và dày vò của bệnh tật, đã có những sản phụ chấp nhận buông xuôi, xin bỏ con, xin về nhà để được chết.
Thấu hiểu hết được những thiệt thòi và tâm tư của các sản phụ, các bác sĩ không chỉ nỗ lực trong việc điều trị bệnh mà còn khéo léo động viên, vỗ về tinh thần các sản phụ. Đó là những khoảnh khắc ấm áp khi các y bác sĩ bón từng miếng cháo, đỡ từng cốc nước, buộc lại mái tóc, nhẹ giọng khuyên răn từng bệnh nhân...
Như lời bác sĩ gây mê Lữ Thị Khánh Phương - Bệnh viện Hùng Vương tâm sự: “Mỗi bệnh nhân qua khu K1 này là họ không có người nhà luôn. Nên đó là thiệt thòi của những sản phụ vào lúc này. Khó xử là mình phải chạy đua với cả hai mạng sống cùng một lúc. Chính vì vậy, mình bù đắp được gì cho họ thì mình bù”.
Qua những thước phim làm day dứt, ám ảnh nói trên, người xem càng đặc biệt cảm nhận được tinh thần trách nhiệm, sự kiên trì không chùn bước của đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu.
Sự dấn thân và nỗ lực của ê- kip làm phim
Gần 60 phút, phóng sự không có bất cứ một lời bình nào, thay vào đó những hình ảnh nối tiếp nhau chạy. Những thước phim chân thật đến ám ảnh khiến đôi mắt hàng triệu người cứ thế nhòe đi lúc nào không hay.
Nói đến sự thành công của bộ phim, không thể không kể đến sự dấn thân, nỗ lực của ê-kip làm phim. Được biết, "Ranh giới" là bộ phim tài liệu của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, đây cũng là sản phẩm của anh và đồng nghiệp sau chuyến tác nghiệp tại TP.HCM trong những ngày cuối tháng 7/2021, thời điểm đó, thành phố đang là tâm dịch Covid-19 của cả nước.
Được biết, để làm ra những thước phim đặc sắc này, cách đây 1 tháng, Đài truyền hình Việt Nam đã cử 1 nhóm 5 người từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh nằm vùng ở những điểm nóng và khốc liệt nhất trong cuộc chiến với Covid-19.
Ê- kip 5 người thực hiện phóng sự này gồm đạo diễn, quay phim, biên tập viên. Từ Ê-kip lớn này lại tiếp tục được chia làm 2 ê-kíp sản xuất, gồm: Nhóm tác nghiệp tại các bệnh viện dã chiến, thực hiện phóng sự; Riêng đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và quay phim Viết Phong sẽ phụ trách tác nghiệp tại khu K1 - Bệnh viện Hùng Vương.
Chia sẻ trên báo Kinh tế đô thị về lý do chọn Bệnh viện Hùng Vương là nơi tác nghiệp chính trong chuyến công tác, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cho biết: "Người bình thường mắc Covid-19 đã rất khổ sở rồi thì không hiểu các thai phụ mắc Covid-19 sẽ vật vã như thế nào. Chính sự tò mò này đã khiến tôi quyết tâm theo đuổi”.
Và có lẽ, những ngày tháng dấn thân thực tế ấy, không chỉ đạo diễn Tạ Quỳnh Tư mà các cộng sự của anh cũng không khỏi ám ảnh trước lằn ranh "sinh tử" ở nơi khốc liệt ấy.
“Một phụ nữ mang thai, sinh con, lẽ ra đã là niềm hạnh phúc tràn ngập của bao người, lại bị covid-19 cướp đi. Để lại cho người thân những ám ảnh khôn nguôi. Ở bên nhân vật nhiều ngày, chờ ghi lại hình ảnh em bé ra đời trong niềm xúc động, thì điều ấy vĩnh viễn không xảy ra. Đó cũng là sự ám ảnh không thể quên với những người chứng kiến”, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư bày tỏ.