Những ngày gần đây, thông tin về việc CEO Đào Chi Anh của The KAfe tiến hành huy động vốn qua hình thức gọi vốn từ cộng đồng (crowdfunding) nhận được sự chú ý từ rất nhiều người. Tính từ ngày 15/6, cho đến nay đã có 41 người tham gia đóng góp với số tiền gây quỹ là 1.230 USD.
Đào Chi Anh nổi tiếng với vai trò người sáng lập chuỗi cửa hàng The KAfe. Nhưng trước đó, cô đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng khi quyết định nghỉ việc ở Singapore, lấy hết vốn liếng để mở Kitchen Art.
Được thành lập từ năm 2013, The KAfe là chuỗi cửa hàng cà phê đi tiên phong trong lối thiết kế nội thất sang trọng cùng thực đơn mới lạ. Khi cửa hàng đầu tiên mở ở Hà Nội, giới trẻ đã không ngại xếp hàng để được check-in sống ảo tại đây.
Ở thời gian đỉnh cao, chuỗi này đã có 26 cửa hàng ở Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên sau đó, nhiều vụ lùm xùm cùng chất lượng đi xuống nên The KAfe không còn giữ được sức hút như ban đầu. Đầu năm 2017, thông tin The KAfe đóng cửa khiến nhiều người bất ngờ.
Nhưng mới đây, Đào Chi Anh khiến nhiều người bất ngờ khi liên tục đăng tải thông tin kêu gọi gây quỹ nhằm xây dựng lại ngôi nhà mới cho những người đã yêu The KAfe ngay từ cửa hàng đầu tiên.
Hình thức gọi vốn cộng đồng được nhiều startup trên thế giới sử dụng nhưng vẫn còn khá lạ lẫm với người Việt. Đây là hình thức gây quỹ qua mạng internet bởi một cá nhân hay tổ chức nhằm hỗ trợ dự án hay mục đích được khởi xướng bởi người kêu gọi.
Có nhiều hình thức gọi vốn cộng đồng khác nhau nhưng phổ biến nhất là rewards based - nhận quà tri ân (nhà đầu tư nhận một phần quà tương ứng với giá trị đóng góp); equity based - đóng góp cổ phần (nhà đầu tư nhận một phần vốn nhỏ của công ty và trở thành cổ đông) và donation based - tài trợ (nhà đầu tư khi tài trợ thường không yêu cầu nhận lại gì).
Với dự án “The new KAfe”, những người góp vốn sẽ là những người đầu tiên được mời đến ăn khi khai trương nhà hàng với voucher tương ứng mức đầu tư.
Thông tin này nhanh chóng nhận được phản hồi từ cộng đồng mạng. Nhiều người cảm thấy thán phục trước niềm đam mê kinh doanh và tinh thần của Chi Anh, mong muốn KAfe sẽ sống lại để tiếp tục lui đến thưởng thức không gian và đồ ăn thức uống tại đây.
Nhưng phần lớn ý kiến nhận được đều phản bác lại quyết định này của CEO Chi Anh.
Theo L.C, người từng là khách hàng thân thuộc của chuỗi quán cafe này và cũng là người rất thích Chi Anh, nhưng “có một điều rất rõ ràng đó là so với mốc khởi điểm thì The KAfe lúc đóng cửa có chất lượng quá tệ so với mức giá”, và đây cũng là điều tất yếu dẫn đến chuyện ngừng hoạt động.
Chia sẻ về chuyện CEO Chi Anh kêu gọi vốn nhằm đưa The KAfe trở lại, L.C nêu ý kiến: “Khi chị kêu gọi cộng đồng góp vốn để mở lại Kafe mà theo lời chị là một không gian chung cho giới trẻ abc xyz hoa mỹ gì đó thì mình thật sự phẫn nộ”.
Để làm rõ, LC cho biết điều này không hợp lý ở 3 điểm. Thứ nhất: thất bại trong kinh doanh là lỗi của người kinh doanh, đừng bắt cộng đồng trả tiền để sửa lỗi. Thứ hai: khi kêu gọi hùn vốn, những người tham gia cũng phải được xem là cổ đông và cần được chia lãi sau kinh doanh. Thứ ba: The KAfe cũng chỉ là một quán cà phê, kêu gọi ủng hộ tiền để mở lại không gian chung cho giới trẻ là không hợp lý.
Ý kiến của LC nhanh chóng nhận được sự đồng tình của cộng đồng mạng, bài viết được nhiều người cùng tham gia thảo luận và đóng góp quan điểm.
Đồng quan điểm với LC, người dùng HT cũng chia sẻ ý kiến: “Ngày nay có hằng hà sa số quán cafe với không gian đẹp và giá cả vừa túi tiền, người dùng không thiếu sự lựa chọn. The KAfe đâu còn là lựa chọn duy nhất”.
Bạn đọc MD cũng chia sẻ ý kiến qua câu chuyện này: “Hashtag #Bringthefakeback như một lời hiệu triệu rất mạnh mẽ mà nếu ai lướt qua lại tưởng, The KAfe là một nét văn hóa rất phát triển của người trẻ bị lãng quên. The KAfe không có mấy nghĩa lý với gen Z, khi The KAfe bị đóng cửa, bạn bè xung quanh không thấy ai tiếc nuối […] The Kafe thực sự đọng lại gì trong lòng giới trẻ ở Hà Nội?”
Chương trình gọi vốn của Đào Chi Anh cần số tiền 200.000 USD (gần 5 tỷ đồng). Nữ doanh nhân cho biết sẽ dùng số tiền này để vận hành trong 6 tháng đầu. Sau khi gọi vốn đủ, cô sẽ công khai quá trình xây dựng lên dự án, để những người đóng góp được chứng kiến từ việc đặt tên cửa hàng, thiết kế thương hiệu, chọn địa điểm đến phát triển thực đơn,…