Phú Quốc không đi theo lộ trình đô thị hóa tuần tự mà được “đặc cách” vượt cấp – nhảy vọt
Tối 8/1, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thành lập Thành phố Phú Quốc và các phường thuộc Thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Đây là thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung khẳng định, việc Phú Quốc trở thành TP biển đảo đầu tiên của Việt Nam là dấu mốc có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với sự phát triển của đảo Ngọc theo mô hình chính quyền đô thị.
Cánh cửa mới đã mở ra, vận hội mới đã đến, tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch, tạo đà phát triển kinh tế, xã hội, thúc đẩy nhanh việc xây dựng Phú Quốc thành trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao, trung tâm dịch vụ công cộng, thương mại - tài chính quốc tế, cảng quốc tế, trung tâm tiếp vận, khu phi thuế quan...
PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, Phú Quốc được mọi người đặt là "Đảo Ngọc". Phú Quốc phải là tọa độ hội tụ nguồn lực phát triển tốt nhất, để nhanh chóng trở thành một trung tâm phát triển đẳng cấp quốc tế tầm cao.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Phú Quốc đã bị chậm một nhịp trong nỗ lực trở thành Trung tâm phát triển khi không được chấp nhận hưởng quy chế Đặc khu Hành chính – Kinh tế cấp quốc gia. Đó thực sự là một điều đáng tiếc.
Tuy nhiên, điều đó không làm thay đổi xu thế và quỹ đạo phát triển gần như là định mệnh của Phú Quốc: không giống bất cứ địa chỉ đô thị hóa nào, Phú Quốc không đi theo lộ trình đô thị hóa tuần tự mà được “đặc cách” vượt cấp – nhảy vọt: từ huyện đảo với đô thị cấp thị trấn “tiến thẳng” lên đô thị loại 2 (năm 2014), và vừa mới đây, tháng 12/2020, được công nhân là Thành phố trực thuộc tỉnh.
"Nhờ vào vị thế đặc biệt, Thành phố trẻ Phú Quốc có thêm danh hiệu Thành phố đảo, khẳng định tính chức năng đặc thù chưa từng có của một đô thị ở Việt Nam.
Sự công nhận đô thị vượt cấp xác nhận phải phát triển Phú Quốc tiến nhanh lên đẳng cấp cao để đáp ứng các nhu cầu rất đặc biệt dành cho đảo Ngọc. Nó xác nhận sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước và của cả nước đối với vận mệnh phát triển của Phú Quốc – có sứ mệnh quốc gia và mang chức năng quốc tế trong quá trình phát triển", ông Thiên nhấn mạnh.
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, việc chấp nhận logic “đô thị hóa tiến vượt” của Phú Quốc hàm nghĩa sự cam kết quốc gia trong việc bảo đảm các điều kiện thuận lợi để Phú Quốc phát triển nhanh đúng tầm.
"Điều này là cực kỳ có ý nghĩa đối với tương lai của Phú Quốc trong bối cảnh quốc tế hiện đại, một tổ hợp tình huống phát triển kỳ lạ, bất thường, rất phức tạp với đại dịch COVID-19, xu thế kinh tế số - công nghệ cao, xung đột quốc tế và biến đổi khí hậu. Thực hiện cam kết đó với Phú Quốc cũng có nghĩa là xác nhận khát vọng và tầm nhìn phát triển tương lai của Việt Nam.
Sự kết hợp các yếu tố đang cung cấp cho Phú Quốc, cho tỉnh Kiên Giang một động lực mạnh để đẩy nhanh quá trình thực hiện logic phát triển tiến vượt của Thành phố Đảo này", ông Thiên chia sẻ.
Theo vị chuyên gia này, trên thực tế, Phú Quốc đã tạo đủ, thậm chí vượt trước về thời gian, các điều kiện để đạt chuẩn đô thị cấp 2. Thậm chí hơn thế, Phú Quốc đã có dáng vẻ với đầy đủ nội hàm của một Thành phố biển hiện đại, đẳng cấp quốc tế, ngay khi vẫn còn là một huyện đảo. Khi Phú Quốc đón nhận danh hiệu Thành phố đảo, các điều kiện xác nhận năng lực đều đã được chuẩn bị sẵn sàng.
Về không gian hạ tầng, ông Thiên nêu, tại ba phân khu lớn – phía Bắc, phía Nam và vùng Trung tâm đảo đều đã hiện diện những khu đô thị hiện đại và đẹp hiếm thấy, có đủ tầm để so đọ, cạnh tranh và đẳng cấp với các đô thị du lịch biển hàng đầu nào trên thế giới.
Phú Quốc đã thực sự “lột xác” so với cách đây chưa đến 10 năm
Chuyên gia kinh tế cho hay, khu vực Nam Phú Quốc cách đây 6 năm không có lấy một khu du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ nghèo nàn, chỉ là những xóm chài, làng chài xơ xác, người dân chủ yếu làm nghề đi biển…
Nhưng hiện nay đã “lột xác” với những công trình đẳng cấp, tiếng tăm vươn tầm quốc tế như cáp treo vượt biển Hòn Thơm được Guinness công nhận dài nhất thế giới; khu nghỉ dưỡng JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay ở Bãi Kem, khu nghỉ dưỡng Premier Village Phu Quoc Resort liên tục được vinh danh... JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay còn là nơi diễn ra lễ cưới triệu USD của cặp đôi tỷ phú Ấn Độ, và hiện trở thành địa chỉ tổ chức tiệc cưới xa xỉ của giới nhà giàu khu vực.
Phía Bắc đảo cũng không kém cạnh với Tổ hợp Khách sạn – nghỉ dưỡng – giải trí hàng đầu châu Á do Vingroup đầu tư. Tại đây, một Safari lớn, quy tụ rất nhiều động vật quý hiếm trên thế giới giúp hoàn thiện bức chân dung đẳng cấp quốc tế của Phú Quốc.
Về hạ tầng kết nối, PGS.TS Trần Đình Thiên cho hay, Phú Quốc có một thứ mà chưa có huyện nào trên cả nước có được đó là sân bay quốc tế với tần suất chuyến bay nhộn nhịp ngay và có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Phú Quốc còn có cảng biển hành khách quốc tế.
"Sự xuất hiện sớm của sân bay quốc tế và phát triển cảng du lịch biển quốc tế phản ánh sự lựa chọn định hướng phát triển đúng – hướng tới hội nhập quốc tế và dựa vào hội nhập quốc tế với tư cách là trục chính của sự phát triển hiện đại của Phú Quốc. Có khả năng Phú Quốc sẽ sớm đuổi kịp Hải Phòng, Quảng Ninh ở khía cạnh kết nối quốc tế...
Đến hết tháng 9/2020, Phú Quốc đã thu hút 276 dự án đầu tư du lịch, trải trên diện tích gần 10.000 ha, tổng vốn đầu tư gần 347.000 tỷ đồng, tương đương 17-20 tỷ USD. Hiếm có địa phương, thậm chí tính ở cấp tỉnh và cả những tỉnh có năng lực thu hút đầu tư mạnh nhất, có sức hấp dẫn đầu tư trong một thời gian ngắn mạnh như Phú Quốc.
"Sự có mặt của các “sếu đầu đàn” như Sun Group, Vingroup, … với những cam kết đầu tư và phát triển dài hạn, hướng tới đẳng cấp cao nhất, cộng với uy tín của mình, là điều kiện nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy Phú Quốc tiếp tục phát triển vượt trội trong giai đoạn tới.
Những con sếu đó đóng vai trò là những thỏi nam châm cực mạnh thu hút vốn đầu tư lớn đến Phú Quốc, biến Phú Quốc thành tọa độ hội tụ các nguồn lực phát triển chất lượng cao. Đó là cơ sở để khẳng định triển vọng tỏa sáng mạnh mẽ và bền vững của Thành phố đảo non trẻ của Việt Nam", ông Thiên cho hay.
Bên cạnh những lợi thế trên, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhấn mạnh những điểm cần lưu ý tại Đảo Ngọc này. Cụ thể, cần đặc biệt chú ý đến cách tiếp cận thể chế đối với “Đặc khu Hành chính – Kinh tế Phú Quốc” trong quá trình xây dựng Luật Đặc khu hai năm trước.
Trên nền tảng đó, đề xuất tháo gỡ các trói buộc, thay đổi các cơ chế, chính sách chung đang là “đối tượng tái cơ cấu kinh tế” trên cả nước, với lộ trình đi trước trong nỗ lực thị trường hóa, hiện đại hóa thể chế và quản trị.
"Cần định hình rõ hơn nữa hệ thông khuyến khích các doanh nghiệp đầu đàn, những 'con đại bàng Việt Nam' đến làm tổ và dựng nghiệp ở Phú Quốc, với những cám kết mạnh mẽ và xứng tầm. Chắc chắn phải gỡ rất nhiều vấn đề thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là cho một tọa độ được định vị chức năng tiên phong phát triển và khác biệt' như Phú Quốc. Ba đề xuất nêu trên chỉ là những gợi ý mang tính định hướng", PGS.TS Trần Đình Thiên nêu.
Ông cũng bày tỏ hy vọng sau cuộc Hội thảo khởi động này, sẽ có những hoạt động mạnh mẽ hơn xoay quanh chủ đề phát triển Phú Quốc, sẽ có nhiều đề xuất cụ thể và xác đáng. "Đất nước đang tạo cơ hội cho Phú Quốc. Không có lý do gì sự bùng nổ phát triển của Phú Quốc lại bị trì hoãn thêm một lần nữa", ông Thiên nói thêm.