Trên trang cá nhân, NSND Hoàng Dũng, người đóng vai ông trùm Phan Quân trong loạt phim Người phán xử, chia sẻ về việc bị lừa 50 triệu đồng. Theo đó, một người em thân thiết của nghệ sĩ bị chiếm đoạt tài khoản Facebook rồi hacker đứng đằng sau đã trò chuyện với Hoàng Dũng để hỏi vay tiền.
“Ông trùm Phan Quân” cho biết vì cứ tin tưởng người thân ở nước ngoài cần tiền gấp nên “vội vã thực hiện ngay và đến cuối ngày thì biết rằng mình đã bị lừa”. Theo hình ảnh mà NSND Hoàng Dũng chia sẻ, ông đã thực hiện hai giao dịch chuyển khoản với số tiền 20 triệu đồng và 30 triệu đồng trong chiều ngày 11/4.
“Một cú lừa ngoạn mục, mất toi 10 tháng lương hưu”, nghệ sĩ đăng trên Facebook cá nhân. Trong các phần bình luận, Hoàng Dũng nói rằng đã báo cơ quan chức năng ngay sau khi phát hiện bị lừa. Việc “ông trùm Phan Quân” bị mất tiền cũng nhận được sự quan tâm, chia sẻ của nhiều nghệ sĩ và các thành viên trên Facebook.
Lừa đảo thông qua Facebook hay các mạng xã hội khác không mới tại Việt Nam nhưng vẫn có nạn nhân mắc phải. Thông thường, hacker sẽ chiếm đoạt tài khoản Facebook sau đó vào trò chuyện với bạn bè của chủ tài khoản đó để hỏi vay tiền, nhờ chuyển khoản ngân hàng hay mua hộ thẻ nạp điện thoại, thẻ game…
Một hình thức khác là giả mạo đại diện Facebook hay các công ty, tập đoàn lớn. Với những cái tên như “Hệ thống Messenger”, Tri ân khách hàng”, “Điều hành Facebook”…, kẻ lừa đảo cho biết người dùng đã trúng các giải thưởng giá trị và để nhận thì cần làm theo một số bước trong đó có việc chuyển tiền cho hacker.
Theo Thùy Linh, một người dùng Facebook, không quá khó để nhận ra các tin nhắn thông báo trúng thưởng là lừa đảo. Trong khi đó với các vấn đề liên quan đến tiền bạc, Linh đều gọi điện thoại xác nhận chứ không bao giờ vội vã thực hiện chỉ qua các tin nhắn trên mạng xã hội.
Thống kê của Bkav, 85% người sử dụng Facebook Việt Nam gặp phiền toái với tin nhắn lừa đảo, nội dung đồi trụy hay liên kết giả mạo có cài mã độc. Hiện môi trường Facebook đã dần được cải thiện với nhiều nỗ lực thắt chặt an ninh, ngăn chặn tin nhắn rác song tình trạng lừa đảo qua Facebook vẫn tồn tại.
“Tài khoản Facebook của người dùng có thể bị đánh cắp với nhiều hình thức như ghi lén mật khẩu (keylogger), tạo các trang đăng nhập giả (phishing)…”, Đức Hoàng, một chuyên gia bảo mật cho biết. “Để tăng tính an toàn, người dùng nên mở xác thực hai bước cho tài khoản và kích hoạt tính năng thông báo khi đăng nhập trên thiết bị lạ”.