Khách xếp hàng chờ mua bánh trung thu từ sáng tới tận đêm khuya
Chỉ còn 3 ngày nữa đến Tết Trung thu (Rằm tháng tám âm lịch), trưa 21/9, hàng trăm người dân Hà Nội rồng rắn xếp hàng chờ mua bánh Trung thu Bảo Phương khiến tuyến đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội luôn nhộn nhịp.
Video: Cảnh người dân xếp hàng dài hàng trăm mét chờ mua bánh trung thu Bảo Phương.
Cảnh dòng người xếp hàng khiến nhiều người đi đường chú ý. Với người dân Hà Nội, đa số đều muốn mua được bánh Trung thu có hương vị truyền thống, cổ xưa nên cứ những ngày cận Rằm tháng tám âm lịch luôn đông nghịt người đi mua bánh. Cảnh tượng dòng xếp dài 300-400m cứ như thế kéo dài từ sáng sớm đến tận tối đêm, hết lượt người này đến lượt người khác như thời bao cấp.
Đứng xếp hàng hơn 1 giờ đồng hồ nhưng vẫn chưa tới lượt, bà Trần Thị Mùi (64 tuổi, nhà ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) cho biết, năm nào bà cũng tới đây mua bánh trung thu. Sở dĩ loại bánh trung thu này được gia đình yêu thích bởi mang hương vị cổ xưa.
“Nhà tôi năm nào cũng đến đây mua bánh trung thu biếu cha mẹ, thắp hương cho tổ tiên. Trung thu gợi nhớ lại nhiều kỷ niệm đẹp. Cả gia đình khi đó được quây quần bên nhau thưởng thức một chút hương vị bánh trung thu mang đậm hương vị truyền thống thì còn gì bằng, chính vì thế nên xếp hàng lâu chúng tôi cũng chờ được”, bà Mùi cười nói.
Cũng chung tâm trạng như bà Mùi, anh Hùng (làm nghề xe ôm ở Mỹ Đình) nhưng đi xe máy sang tận phố Thuỵ Khuê mua bánh trung thu. Theo anh Bình, hiện có nhiều loại bánh trung thu. Đi khắp phố ở đâu cũng bán nhưng gia đình anh đã quen với hương vị bánh trung thu truyền thống rồi nên anh vẫn lui tới đây mua mỗi dịp rằm tháng tám cận kề.
“Tôi phải chờ hơn 1 tiếng đồng hồ để mua bánh. Cũng may vẫn có bánh để mua. Chủ tiệm bánh thường xuyên treo tấm biển hết bánh khiến người xếp hàng cũng như người dân đi xa tới đây sợ không mua được”, anh Hùng chia sẻ. Nói rồi người đàn ông này vội chụp tấm ảnh cảnh người dân xếp hàng rồi vội vã di chuyển, tránh ách tắc.
Dù xếp hàng nhưng cô Ứng Thị Diệp (nhà ở phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Cô Diệp cho biết, sở dĩ bánh trung thu Bảo Phương được nhiều người mua bởi mang nét hương vị cổ truyền, thứ 2 không chất bảo quản khiến bản thân sử dụng yên tâm.
“Giờ nhiều loại bánh trung thu bên trong đủ thứ màu xanh, đỏ, nhân đỗ… nhưng để cả tháng trời không sao. Gia đình tôi có thói quen mua bánh trung thu Bảo Phương từ gần 10 năm nay rồi nên hôm nay hai vợ chồng tôi ra đây chờ mua bánh”, cô Diệp chia sẻ.
Do lượng người mỗi lúc một đông khiến cửa hàng bánh Trung thu Bảo Phương luôn rơi vào tình trạng quá tải. Tiệm bánh đã thường xuyên treo biển “hết bánh”.
Chủ tiệm bánh Bảo Phương số 201 Thuỵ Khuê cho biết, do quá tải nên bánh làm ra tới đâu hết tới đó. Tiệm bánh chỉ có hai loại bánh nướng và bánh dẻo phục vụ khách. Ngoài ra, rất nhiều các đơn đặt hàng từ khắp mọi miền đất nước nhưng tiệm bánh không đủ phục vụ.
Ông chủ “khai sinh” thương hiệu bánh nổi tiếng đất Bắc chia sẻ 3 điều đặc biệt ở tiệm bánh Bảo Phương
Dù năm nay đã ở tuổi 88 nhưng cụ ông Phạm Vi Bảo vẫn rất minh mẫn. Ông Bảo là người đã “khai sinh” ra thương hiệu bánh trung thu nổi tiếng Bảo Phương. Hiện hai cơ sở bánh trung thu Bảo Phương trên phố Thuỵ Khuê ông Bảo giao phó cho con cháu sản xuất và đã được ông truyền lại kinh nghiệm. Thế nhưng hằng ngày ông Bảo vẫn thường xuyên kiểm tra bánh, chất lượng và cả nhu cầu của thực khách.
Ông Bảo cho biết, để có thương hiệu bánh trung thu nhiều người xếp hàng như hiện nay quan trọng nhất đó là kinh doanh phải có sự tín nhiệm của khách hàng. Thứ hai đó là chất lượng bánh phải đảm bảo, thứ 3 giá cả phải hợp lý, vừa lòng khách hàng.
“Khách hàng họ rất tinh ý, 5,6 năm nay năm nào đến dịp này cũng chật kín khách từ sáng tới tận đêm khuya, hàng làm ra bao nhiêu không đáp ứng hết. Suốt từ năm 2014 đến nay tiệm bánh chúng tôi vẫn giữ nguyên giá. Thế nhưng, chất lượng bánh thì không thay đổi mặc dù giá nhiên liệu, nhân công, chi phí mỗi năm một khác nhau nhưng nhà hàng chấp nhận sự khác nhau đó để lấy sự tín nhiệm với khách”, ông Bảo nói.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Bảo kể, từ năm 18 tuổi, ông đã bắt đầu làm bánh, và khi đó cụ làm thuê cho một ông chủ hiệu bánh ở phố Hàng Đường. Làm được một thời gian ông bỏ đi nơi khác làm ăn.
Năm 23 tuổi, cụ ông Phạm Vi Bảo một mình lặn lội về đất cảng Hải Phòng và bắt đầu bươn trải bằng nghề làm bánh mưu sinh. Cụ Bảo nhớ lại trong những ngày gian khó ấy mỗi mẻ bánh ra lò là cụ lại chân trần đi bán rong khắp phố xá Hải Phòng, thậm chí nhiều khi cụ cuốc bộ sang tỉnh Quảng Yên (Quảng Ninh ngày nay) để bán bánh. Thấy nghề cơ cực, đôi khi cụ muốn bỏ nghề nhưng vị bánh, hình bánh cứ như bám riết lấy cụ khiến cụ Bảo không thể rời xa nó được.
Khi Thủ đô giải phóng cụ Phạm Vi Bảo quay trở lại với đất kinh kỳ và cần mẫn với nghề làm bánh, xây dựng hiệu bánh Bảo Phương ở phố Thuỵ Khuê nổi tiếng đất Bắc như ngày nay.
Cụ ông này có một gia đình hạnh phúc với 4 người con (3 trai, 1 gái). Các con của cụ cũng theo nghề làm bánh. Trong số những người con ấy cụ truyền nghề cho con trai trưởng của mình là Phạm Vi Nhân và giao lại quầy bánh tại 201 Thụy Khuê. Hiện cơ sở sản xuất này do cháu đích tôn được cụ truyền nghề trực tiếp là Phạm Hải Đăng quản lý. Còn cơ sở bánh trung thu Bảo Phương tại địa chỉ số 183 Thụy Khuê là do người con trai thứ 2 và con trai út của cụ quản lý.