Đi dọc con đường Nguyễn Khoái (quận 4, TP. HCM), nhiều người vô cùng thích thú khi bắt gặp vài con hẻm nhỏ được khoác lên mình những bức tranh rực rỡ đầy màu sắc. Mỗi khi có ai đó thắc mắc về tác giả, người dân khắp con hẻm 64 Nguyễn Khoái liền nhiệt tình kể: “Chú Minh họa sĩ đó chứ ai, chú vẽ đẹp lắm ai nhìn cũng thích, nhà chú ngay cuối con hẻm chạy cái vèo là tới liền hà ”.
Vậy cũng đủ biết, cái tình người dân quanh con hẻm dành cho chú lớn đến nhường nào!
Hy sinh sức khỏe vì mải miết làm đẹp cho phố phường
Suốt hơn 4 năm ròng, ngày nào cũng vậy, cứ đều đặn 7 giờ sáng, trên chiếc xe đạp cà tàng, chú Minh miệt mài dạo qua các con hẻm quanh xóm, rồi qua cả con con đường quận 1, quận 3,… miệt mài khoác chiếc áo mới rực rỡ cho những bức tường cũ đã bám đầy rêu phong.
Từng học trường mỹ thuật thời trẻ, rồi cuộc sống khó khăn bộn bề, chú Minh phải tạm gác lại đam mê mà lo cơm áo gạo tiền. “Chú vào quân đội mười mấy năm, sau giải phóng khó khăn đủ đường. Mà thời đó còn ai vẽ vời gì, khổ quá chỉ lo miếng cơm manh áo qua ngày. Chú cũng đành, hẹn một ngày đủ điều kiện sẽ sống trọn vẹn với đam mê“, chú Minh bồi hồi nhớ lại.
Căn bệnh mất ngủ kéo dài hơn 7 năm dày vò, khiến chú Minh đau đáu vì nghĩ phải “treo cọ, treo sơn” mãi mãi. “Thế rồi tối đó tự nhiên ngủ được, điều đầu tiên chú mong muốn được làm là: mình phải vẽ! Nghĩ đến mấy bức tường cũ kỹ ẩm mốc bám đầy rêu quanh xóm, chú tự nhủ phải làm chúng mới hơn“, chú Minh tâm sự.
Lúc đầu chỉ dám vẽ tường nhà mình, sau đó vẽ quanh nhà hàng xóm. Dần dà, mọi người thấy đẹp nên ủng hộ, chú Minh vẽ khắp con hẻm, vẽ sang hẻm bên cạnh. Những bức trạnh mộc mạc, giản dị cùng những câu thơ chứa đựng đủ đầy ý nghĩa nhân văn ngày càng được nhiều người biết đến, yêu quý. Bao nhiêu tiền dành dụm được, tiền con cháu cho, chú Minh dành tất cả mua sơn, mua cọ, không một đồng tiêu xài cho bản thân.
Một ngày cuối tháng 5/2018, vài ba bạn sinh viên tình nguyện tới tận nhà nhờ chú Minh đi vẽ cùng. “Chú cũng vui lắm, mấy đứa sinh viên trẻ nhiệt huyết mong muốn làm đẹp Sài Gòn, chú sẵn sàng giúp ngay“.
Ở cái tuổi 77, căn bệnh hen suyễn không cho phép lội mưa lội nắng, vậy mà hai ngày tham gia ngay mùa bão, chú Minh đội áo mưa từ quận 4 sang tận Nhà Bè vẽ cùng các chiến sĩ. “Bức tường không một chỗ trú mưa tránh gió, đi ngày đầu về chú mắc bệnh, mà nghĩ đến bức tường dang dở, tụi nhỏ lại chẳng đứa nào biết vẽ vời, không cam tâm nên chú ráng, một mình ôm trọn bức tường dài 30 mét, cao 5 mét “.
Sau lần đó, chú Minh bệnh hơn hai tuần không khỏi, bệnh viện chẩn đoán chú bị nám phổi. Liên quan đến phổi, chú Minh biết chẳng thể đụng đến sơn đến cọ được. “Chú suy sụp, thôi tiêu rồi, kiểu này hết vẽ vời, hết cầm cọ gì được nữa rồi. May mắn sao, lúc mở khẩu trang ra, một vị bác sĩ bảo thấy chú quen quen, thì ra là đọc được tin tức chú vẽ tường Sài Gòn, thế rồi chắc người ta cũng cảm mến mình hơn. Khám cho chú kỹ lưỡng, sau khi siêu âm xét nghiệm kỹ càng thì chú chỉ bị dịch ở phổi nhẹ. Chú mừng lắm, thế là vẫn được cầm cọ! “, chú Minh vui vẻ kể.
“Ngày nào còn sức khỏe, ngày đó chú còn vẽ tranh làm đẹp cho đời”
Được xem là một trong những người tiên phong làm mới những bức tường cũ của Sài Gòn, chú Minh vẫn luôn nhiệt huyết với tâm niệm mong mọi người vui, góp chút ít công sức làm Sài Gòn tươi trẻ hơn, vẽ nên những điều đẹp đẽ nhất cho mảnh đất này.
“Vừa qua, chú có đọc được một vài tin tức về các cô cậu thanh niên tình nguyện hợp sức vẽ tranh ở mấy bức tường bị bôi bẩn quanh Sài Gòn, chú mừng lắm chứ. Mừng vì thế hệ trẻ bây giờ đã biết nghĩ đến mọi người, đến cộng đồng mà hành động thiết thực“, chú Minh chia sẻ.
Chú Minh mong muốn, nếu có điều kiện, sẽ cùng đồng hành với thế hệ trẻ để những con đường đặt chân qua đều mang một giá trị đẹp đẽ: “Nếu mà chú được đồng hành cùng mấy bạn trẻ, chú sẽ góp ý thêm, mình nên chèn một số câu thơ, ý văn có giá trị về kiến thức hoặc mang giá trị nhân văn vào mỗi bức vẽ tường. Để người ta thấy hay mà suy ngẫm, mà sống tốt, sống ý nghĩa hơn“.
Dù chỉ mới đầu tháng 11 nhưng chú Minh đã ấp ủ một dự định “hoành tráng” mang xuân về cho đường phố. “Sắp tới đây, khoảng giữa tháng 11, sức khỏe ổn định, chú sẽ bắt tay vào vẽ bức tường dài trăm mét trên đường Nguyễn Khoái này. Chú tính vẽ tới Tết là vừa hoàn thành luôn”.
Khi nhắc đến nguyên vật liệu, chú Minh chậc lưỡi: “Đợt trước đi thi một chương trình, chú được người ta cho ít sơn, để dành rồi mà chắc cũng không thấm vào đâu. Thôi kệ, cứ vẽ, tới đâu tính tới đó con ơi“.
Thế đấy, chất nghệ sĩ pha lẫn cái tính hào sảng người Sài Gòn từ bên trong chú Minh khiến bao người yêu quý, ngưỡng mộ. Để rồi, mỗi ngày, trong con hẻm nhỏ Sài Gòn, theo chân ông giáo già, người ta lại ngạc nhiên, tấm tắc khen ngợi trước tấm áo mới toanh của đường, của phố.
Sài Gòn đâu đó bỗng chốc thu bé lại xíu xíu, vừa đỗi dễ thương quá chừng như tấm lòng ông giáo Minh vậy!