Người ta nói, Sài Gòn có 2 mùa: Nóng và nóng hơn thế nữa. Tui thấy có cái gì sai đâu. Ở lâu như tui mà bao năm vẫn sợ Sài Gòn ẩm ương, khó chiều khó hầu quá. Ngày nọ, tự nhiên đổ nắng ong ong kéo dài tận cuối tháng. Đó là cái mùa đỉnh điểm 40 độ C, người ta chạy xe thấy khói bốc lên ngùn ngụt từ mặt đường tráng nhựa, phải lo trùm kín kin kít như ninja, trốn gốc cây, gầm cầu… Và có khi mấy bà nội trợ vì nỗi lo cho làn da trắng nõn mà cả tháng chẳng dám ló mặt ra khỏi nhà.
Vậy mà, hôm bon bon qua đường, chợt thấy bóng dáng của con xe xanh thoắt ẩn thoắt hiện sau những vườn hoa di động, lại thấy mát rười rượi. Người ta thi nhau í ơi: Chị cây cảnh ơi, chị cây cảnh à, gọi như gọi một người thân tình nhất Sài Gòn.
Cứ thế, bao nhiêu năm mặc nắng mặc mưa, những con xe chở “chợ xanh” vẫn rong ruổi khắp phố phường, mang theo niềm thương nhớ của người Sài Gòn. Có khi bon bon trên lộ, có khi ì ạch trong hẻm, hay một buổi chiều nắng rãi vàng, mây ngừng trôi, gió thổi vi vu, lại đậu cái cạch trước cửa nhà… Tất cả đã trở thành một phần của thành phố, một đặc sản của Sài Gòn này mà thôi.
Theo đó, những con xe chở “chợ xanh” cũng từng trải qua một giai đoạn lịch sử lâu dài. Từ cái thời xe đạp có gắn kệ gỗ mộc mạc, đến hiện đại là con xe máy, đóng kệ sắt chở được lần 30-40 chậu kiểng. Nào là hương thảo, dâm bụt, hồng, lan, đến cóc, ổi, chanh…. tạo một khu vườn hút mắt.
Có lần, bị mê mấy cây lan rừng, ớt cảnh chi chít quả chín giòn mà tôi lẽo đẽo theo sau xe chị Thường (43 tuổi). Bắt chuyện mới biết chị là dân Hưng Yên, vào Sài Gòn ngót 20 năm. “Từ khi vợ chồng Nam tiến là đã làm cái nghề này rồi. Ban đầu đi xe đạp không à, sau có tiền lên được chiếc dream đóng giàn sắt để đi xa hơn”.
Chị bảo: Nghề này cũng cực lắm. Ra đường từ 6h sáng, nhà ở Gò Vấp mà bán tận Tân Bình, Q.10 hay có khi vòng xoay Phú Lâm (Q.6). Cứ vậy, 20 năm ở Sài Gòn là 20 năm chị chở theo chiếc chợ xanh sau lưng đi bán khắp phố, “ăn ngủ bán ngoài đường, chồng con còn bỏ bê”.
“… Chớ cũng tại cái tánh mê hoa kiểng quá, mà nhà thuê trọ lấy đâu đất trồng. Vậy nên đi bán dạo, vừa được ngắm hoa vừa có tiền nuôi con cái” - chị cười hì hì.
Còn anh Trung (50 tuổi, quê Hưng Yên) cũng có 18 năm chở “chợ xanh” trên xe. Đặc biệt, chỉ bán độc loại mai chiếu thủy do anh tự trồng. Mỗi ngày, anh chở theo 6 gốc mai to bằng bắp chân trên con bọt thép đi lòng vòng thành phố. Ấy vậy, chục năm đi qua ngõ, người ta vẫn thấy thương mấy chùm hoa lí tí hình ngôi sao đương độ nở trắng muốt thơm lừng của anh, mà lẽo đẽo theo sau đòi mua cho bằng được.
Hỏi anh chuyện buồn vui trong nghề, anh Trung bảo nhiều lắm, “ngày trời mưa thì phải chịu ướt để lo che cho cây không rụng bông, ăn nằm ngoài đường, rồi nắng nóng,… nhưng buồn thì ít chớ chỉ cần đi bán là vui rồi”. Nói xong, anh cười ngon ơ.
Ngộ hen! Với chị Thường, anh Trung thì những con xe chở “chợ xanh” ấy đâu chỉ còn là cái nghề mà còn là chuyện đời, chuyện phố ở cái đất Sài Thành này nữa. Chị Thường hay bảo: “20 năm đậu ở cổng chợ Nguyễn Tri Phương, ai cũng quen chị. Nhất là mấy cụ già vì mê tít tụi hoa cảnh đủ màu, mua miết giờ đã trồng được nguyên cái vườn chim trời tới làm tổ luôn”.
Còn anh Trung thì nhớ lại: Cách đây chục năm, đứa con trai vào đại học, anh phải lặn lội vào tận Sài Gòn làm ăn. Hổng tay nghề… thôi thì đi bán cây xanh. Vậy mà, giờ đây thằng con đã ra trường, làm ăn cũng khá lắm, mấy lần bảo cha nghỉ ở nhà con phụng dưỡng, anh đâu chịu. “Hổng phải nhớ nhung gì, nhưng mà ở nhà không thì chân tay bủn rủn lại hổng ưng bụng”.
Cô Lan (55 tuổi, ngụ Q.10) cũng tấm tắc: Ngày nào chị Thường qua đây, cô cũng mua hoa về trồng. Lén lấy tiền đi chợ nên ông chồng chửi hoài, mà giờ được nguyên vườn bông lại cười hì hì.
Tui tin rằng: Chị Thường, anh Trung chưa bao giờ dư giả để có thể tự sắm cho mình bộ quần áo đắt tiền, một đôi dép xịn xò… ngay cả con xe bọt thép cũng đã lạch đạch vị cũ thời gian. Nhưng ở Sài Gòn, anh chị là những người đẹp nhất.
Vì lúc nào cũng có hoa tươi, có cái vườn di động và cả bầu trời mát xanh rười rượi luôn ở sau lưng.