Chiều 22/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, kết quả kiểm tra mẫu nước tại hiện trường cá chết trên sông La Ngà (huyện Định Quán) cho thấy nồng độ NH4 (Amoni), NO2 (Nitrite)vượt giới hạn cho phép nhiều lần.
Cụ thể, hàm lượng NH4 vượt mức giới hạn cho phép của cá nuôi 5,6 -11 lần, hàm lượng NO2 vượt giới hạn cho phép 10-20 lần (theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt thì NH4 < 0,9 mg/lít; NO2=0,05mg/lít). Ngoài ra, hàm lượng oxy hòa tan (DO) đều thấp, dao động khoảng 2,6-3,2 mg/lít (hàm lượng DO tối ưu khuyến cáo cho cá nuôi từ 4 mg/lít trở lên).
Theo Sở Nông nghiệp, trước khi cá chết, trên địa bàn có mưa lớn kéo dài hơn 7 tiếng. Lượng nước từ thượng nguồn chảy về có thể cuốn theo các chất ô nhiễm làm tăng tính độc của một số khí như NH3, H2S, CH4, NO2… dẫn đến cá bị sốc, chết hàng loạt. “Tuy nhiên, nguyên nhân cụ thể phải chờ sau khi có kết quả phân tích nguồn nước, các mẫu cá”, ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nói.
Ông Vinh cho rằng, nếu nguyên nhân cá chết là do thiên tai thì khoảng 80 hộ dân bị thiệt hại sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ để khôi phục sản xuất. Với thiệt hại hơn 1.500 tấn cá, số tiền hỗ trợ có thể hơn 10 tỷ đồng. Còn nếu phát hiện xả thải gây ô nhiễm do con người thì sẽ xử lý theo quy định pháp luật về môi trường.
Người dân nài nỉ thương lái mua cá thối
Hai ngày sau xảy ra sự cố, bến cá La Ngà thuộc xã Phú Ngọc vẫn đông đúc cảnh mua bán cá chết. Hàng trăm tấn cá phân hủy, bốc mùi nồng nặc vẫn được người dân kéo đến “năn nỉ” thương lái thu mua làm phân bón nhằm vớt vát chút vốn. Để được ưu tiên, thay vì chờ đến lượt, nhiều chủ lồng tự gom cá đưa lên xe của thương lái xí phần.
Ở phía ngoài sông, làng bè dài gần 2 km trở nên vắng vẻ. Ông Võ Văn Thảo (47 tuổi, ngụ xã Phú Ngọc) ngồi bần thần trong ngôi nhà nổi của mình nhìn ra những lồng bè trắng toát một màu của cá chết. Ông là một trong những hộ có cá chết nhiều nhất, thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng.
Ông kể, khoảng 21h ngày 20/5, nhân viên trực đêm phát hiện cá ngoi đầu lên bất thường, nước đen và hôi tanh. Lúc sau, thấy mọi người các bè xung quanh vớt cá lên, ông chạy ra xem thì thấy không chỉ có một bè mà nhiều lồng cá diêu hồng, cá lăng, cá chép giòn… đều trong tình trạng lờ đờ, thoi thóp.
Nghi chuyện chẳng lành, ông liền huy động gần 10 công nhân đem máy móc ra sục oxy và vớt hết cá chết lên, đồng thời bắt cá qua các bè trống để giảm mật độ. Mọi người chặt dây neo các lồng cá có giá trị, nổ xuồng máy kéo về phía hạ nguồn để tránh “dòng nước độc” nhưng đã quá muộn.
“Tôi nghĩ mưa xuống, cá chết vài con cũng bình thường, không ngờ càng lúc càng nhiều. Dòng nước đen chảy đến đâu là cá chết đến đó. Chừng 30 phút, 100 tấn cá nổi trắng”, ông Thảo ngậm ngùi.
Làng bè La Ngà nằm phần hạ lưu con sông, nơi dòng nước chuẩn bị đổ vào hồ Trị An. Hàng chục năm qua, khoảng 150 hộ dân kết hơn 500 lồng bè san sát nhau, nuôi cá lăng, chép, diêu hồng… di dộng, chủ yếu nằm dọc hai bên dòng sông. Cách đó khoảng 7 km ở phía thượng nguồn là nơi có nhiều công ty hoạt động.
Ông Thảo cho biết đã có hơn 15 năm kinh nghiệm nuôi cá trên khúc sông này, tuy nhiên đây là lần thiệt hại nặng nề và bất ngờ nhất. “Những năm trước làng bè cũng có cá chết do ô nhiễm nhưng không đáng kể, ai ngờ lần này chết nhiều quá. Trắng tay thiệt rồi”, người đàn ông có nước da rám nắng mếu máo.
Ở bè kế bên, vợ chồng anh Nguyễn Hoàng Phương cũng đang đội mưa vớt cá vào bao để bán cho thương lái với giá 2.000 đồng một kg. “Hơn 40 tấn cá chết mà hôm qua đến giờ vẫn chưa vớt hết. Nay tôi chỉ để vậy, ai mua thì bán chứ cũng không còn sức để vớt”, anh Phương chia sẻ.
Anh cho biết toàn bộ vốn liếng của gia đình dành dụm đều đổ vào các bè cá và chỉ còn vài tháng nữa là xuất bán. Thay bằng thu về hơn một tỷ thì nay anh chỉ bán được vài triệu coi như trả công tiền vớt cá chết. “Tôi chỉ nuôi cá cho chủ đầu tư, giờ tiền giống, thức ăn cả mấy trăm triệu nợ đại lý không biết kiếm đâu mà trả”, anh Phương nói và cho biết thiệt hại hơn tỷ đồng.
Theo anh Phương, người dân ở đây phần lớn là nuôi gia công, nhận giống, thức ăn của các đại lý. Một mùa vụ nuôi khoảng 7 tháng, đối với cá chép giòn thì thời gian dài hơn. Đến khi thu hoạch, đại lý đến lấy tiền, người dân chỉ hưởng tiền chêch lệch vài trăm triệu đồng cho một mùa vụ.
Nhìn hàng chục tấn cá diêu hồng nằm phơi bụng trong lồng bè của gia đình đang chờ thương lái cân mua, ông Nguyễn Cao Cường cũng nghẹn giọng: “Số cá này đáng lẽ hôm nay bán với giá 40.000 đồng một kg, nhưng giờ chỉ còn 3.000 đồng, nhưng phải năn nỉ họ mới mua”, ông nói, giọng chua xót.
Để đầu tư vào lứa cá hơn 60 tấn, ông đã phải cầm sổ đỏ đi vay mượn ngân hàng, chưa tính tiền cám của đại lý. “Nay chỉ biết làm lại từ đầu mà trả nợ dần chứ biết sao giờ, mong cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân để bà con yên tâm nuôi trở lại”, ông Cường hy vọng.