Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Thời cuộc

Nước ngập lút mái nhà ở ngoại thành Hà Nội

Dù mưa đã tạnh, nhiều khu vực tại huyện Chương Mỹ nước vẫn sâu vài mét, người dân phải di tản lên đê.

Chiều 22/7, hàng trăm hộ dân thôn Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ) nằm ngoài đê sông Bùi vẫn bị cô lập giữa bốn bề nước sau một tuần Hà Nội mưa lớn, nước sông dâng cao do thủy điện Hòa Bình mở 4 cửa xả đáy.

Những hộ dân nằm giữa thôn Nhân Lý bị ngập khoảng một mét. Hộ nằm ven cánh đồng ngập khoảng 2-3 mét, nước lên tới mái nhà cấp 4.

Các con đường trong thôn Nhơn Lý biến thành sông. Đa số người dân đã di tản, chỉ còn vài người ở lại trông đồ đạc.

Bèo từ cánh đồng tràn vào thôn Nhân Lý tạo màu xanh ngắt.

“Ngập lên tận mái rồi, cả nhà chuyển hết đồ lên đường, lợn, vịt cũng ở trên đấy hết rồi, chỗ này phải sâu gần 3 m, tôi bơi vào mà cũng có chạm chân đâu”, ông Tân vừa bơi, vừa chỉ tay về phía ngôi nhà của mình nằm ven cánh đồng.

Người dân sơ tán gia súc lên đê sông Bùi vì sợ mưa còn tiếp diễn những ngày tới.

Ngôi nhà đang xây dở của ông Dân phải dừng, vật liệu xây dựng bị cuốn trôi mất. Phương tiện đi lại được ông chế từ chiếc lốp ôtô.

Ở cánh đồng ngoài đê, có chỗ nước sâu 5-7 m. Toàn khu vực mất điện, những ngôi nhà xung quanh không còn nhìn thấy mái.

Gia súc, gia cầm phải tá túc ngoài trời vì chuồng đã bị ngập tận mái.

Có nhà thuê máy phát điện bơm nước ra khỏi kho chứa hàng. Tháng 10 năm ngoái, đê sông Bùi bị vỡ sau đợt mưa lớn khiến nhiều khu vực huyện Chương Mỹ, trong đó có xã Nam Phương Tiến ngập sâu cả tháng. Năm 2008, đê này cũng từng vỡ hai điểm, nước tràn vào khu dân cư 45 ngày sau mới rút.

Do mưa lớn, nước tràn đê sông Bùi, nhiều nhà dân trong đê bị ngập khoảng 50-70 cm. “Mọi người xã Nam Phương Tiến đã quá quen với việc này nên nhà nào cũng có một hai chiếc thuyền, mủng để sẵn phòng khi nước ngập”, một người đàn ông cho hay.

Các chiến sĩ trung đoàn 318 đang vận chuyển mì tôm và nước vào những nơi bị cô lập. Sau trận lụt khiến Nam Phương Tiến ngâm nước cả tháng hồi năm ngoái, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Trần Thanh Nhã cho biết đây là vùng trũng thấp, không thể ở, phải di dời. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung hứa thành phố sẽ tìm nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, di dời các hộ dân trong vùng ngập úng lên vị trí cao hơn.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo VnExpress

Được quan tâm

Tin mới nhất
Quỳnh Kool cưới?