Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tối 6/9, mưa đã xuất hiện tại tại Hà Nội và nhiều khu vực lân cận, có khả năng mở rộng ra các tỉnh miền núi trong 2 ngày tới.
Cụ thể, một rãnh áp thấp có trục đi qua vùng núi Bắc Bộ bị nén bởi áp cao lục địa ở phía bắc, xoáy thấp trên cao cũng dần hình thành. Do ảnh hưởng của hình thái này, các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa dông, cục bộ mưa lớn.
Mưa tập trung vào đêm và sáng sớm với lượng phổ biến 50-120 mm/ngày. Miền núi có thể ghi nhận lượng mưa trên 150 mm, kèm nguy cơ lũ quét và sạt lở đất.
Tại Hà Nội, mưa dông tiếp diễn từ đêm 6/9 đến ngày 8/9, cục bộ mưa to.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng cho biết, dự báo trong nửa cuối tháng 9, miền Bắc nước ta sẽ đón đợt không khí lạnh đầu tiên, gây giảm nhiệt ở Bắc Bộ.
Theo đó, các đợt không khí lạnh đầu mùa thường có đặc điểm chung là không mạnh, không làm thay đổi nhiệt độ đột ngột. Thời tiết thường lạnh về đêm và sáng ở vùng núi với nhiệt độ thấp nhất khoảng 23 - 25 độ C. Khu vực đồng bằng trời mát mẻ.
Tuy nhiên, các đợt không khí lạnh đầu mùa thường gây ra mưa rào và dông, kèm theo các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc xoáy, mưa đá và gió giật mạnh.
Ngoài ra, trong nửa cuối tháng 9, dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh, khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiệ 1 - 2 áp thấp nhiệt đới/bão, gây mưa lớn trên diện rộng ở khu vực Trung Bộ và phía Bắc Tây Nguyên.
Bắc Bộ trong tháng 9 cũng đón khoảng 3 đợt mưa dông, trong khi Nam Bộ và Tây Nguyên đang là thời kỳ mùa mưa nên sẽ xuất hiện nhiều ngày có mưa rào và dông. Nửa cuối tháng có khả năng xuất hiện mưa vừa đến mưa to.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, sang tháng 10 và tháng 11, các đợt không khí lạnh sẽ hoạt động tăng cường, miền Bắc đề phòng khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá. Mùa đông năm nay cũng được nhận định là đến sớm và lạnh hơn so với mùa đông năm ngoái.