Chia sẻ về lí do chọn nghiên cứu tế bào gốc để ứng dụng trong y học, chị Ngọc thú thật rằng đây là một cái duyên. Ngọc vui vẻ kể: Thú thực, ban đầu chị mong được trở thành bác sĩ, nhưng vì thi rớt trường Y lại đậu KH Tự nhiên nên đành xuôi theo số phận (cười). Tuy vậy, trong thâm tâm chị luôn mong có thể tìm cách cứu chữa cho những người bị bệnh. Duyên số run rủi thế nào chị lại được phân công thực hiện 1 phần đề tài trong hai liệu pháp điều trị ung thư bằng liệu pháp tế bào tua; điều trị tiểu đường bằng tế bào gốc do viện nghiên cứu đưa ra.
Nuôi tế bào gốc cực còn hơn nuôi con, nhưng bù lại mình nhận được nhiều niềm vui to lớn
Đó là câu trả lời gần gũi của TS.Vũ Bích Ngọc khi được hỏi rằng liệu chị có bao giờ cảm thấy gian nan và chán nản khi theo đuổi con đường nghiên cứu khô khan này không? Không đao to búa lớn, không nói về những thứ mang tầm vĩ mô, chị chọn cách so sánh công trình và thành tựu nghiên cứu của mình với việc sinh và nuôi con. Thai nghén, rồi mang nặng đẻ đau là một quá trình cực nhọc, vất vả đấy nhưng cũng đầy niềm vui và nụ cười khi nhìn chúng trưởng thành.
“Ban đầu mình cũng không thể tránh khỏi hoang mang . Tuy nhiên, càng làm mình lại càng bị cuốn hút. Giờ thì mình xem những mô tế bào mình nghiên cứu như con vậy. Từng giai đoạn tế bào phát triển, nó sẽ đem lại niềm vui niềm hứng khởi khác nhau. Cũng giống như việc nuôi con, khi chúng biết đi, biết nói thì trong lòng bạn cũng đầy cảm xúc. Tế bào cũng như trẻ nhỏ, nó đều sẽ có hình thái và cách đối thoại với mình khác nhau, vì thế mình không cảm thấy khô khan trong việc nghiên cứu này”.
Mọi sự trên đời đều có cách giải quyết, việc của mình chính là tìm ra chìa khóa
Khi nói về nghiên cứu, mọi người thường nghĩ rằng, công việc này chỉ cần đam mê thôi là chưa đủ, nó còn còn phải đòi hỏi tính kiên nhẫn, chính xác… Chị Ngọc cũng đồng tình với ý kiến đó.
Kiên nhẫn chăm tế bào mỗi ngày, cho chúng ăn, ấp chúng và chờ đợi sự phát triển. Nghe đơn giản vậy nhưng không phải ai cũng đủ sức để làm. Bởi lẽ, chỉ một công việc lặp đi lặp lại cả ngày, từ năm này qua tháng nọ, chỉ để đổi lấy một mầm sống mỏng manh không phải là công việc đủ lí thú để níu chân bất kỳ ai.
Đó là chưa kể đến tính chính xác quyết định 90% thành công của cả quá trình nghiên cứu. Mỗi lần cho tế bào ăn, cho tế bào ngủ… chị Ngọc đều phải canh thời gian, canh giờ kỹ càng, vệ sinh, vô trùng để hạn chế mức thấp nhất vi khuẩn xâm nhập ăn chết tế bào.
Nhưng cực nhọc thì không riêng gì nghiên cứu, mà TS. Vũ Bích Ngọc nghĩ mỗi ngành đều có sự vất vả riêng. Chị cho rằng không có khó khăn nào là không có đường ra, không có cách giải quyết. Với chị, mọi sự tồn tại trên thế giới này đều là hiển nhiên, khi nó phát sinh cũng đồng nghĩa với việc có 1 chìa khoá phù hợp để giải quyết nó. “Việc của mình là đi tìm chìa khoá đó. Khi có được chìa khoá rồi, mình lại biết được nhiều điều hơn. Mình luôn tìm cách biến khó khăn thành thuận lợi. Cũng như chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ bỏ dở công trình nghiên cứu của mình”.
Trăn trở làm sao để người dân của mình hiểu hơn về tế bào gốc
Khi được nhắc lại về việc mình vừa lọt vào top 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh, niềm tự hào lóe sáng trên cặp mắt của chị. Bởi lẽ, nó là ghi nhận cho “đứa con” chị nỗ lực chăm nom bao ngày cuối cùng cũng trưởng thành và có thể cống hiến cho đời.
“Mình vui bởi vì sau lễ trao giải nhiều người đã biết đến phương pháp tế bào gốc nhiều hơn, trong đó có bệnh nhân và nhiều gia đình đã liên hệ với mình để nói chuyện, và tìm hiểu kỹ hơn.
Mọi người đều cảm thấy rất hi vọng có thể trị được những bệnh nan y cho người thần của họ sau khi nghe những chia sẻ của mình về tác dụng của tế bào gốc đối với sức khoẻ. Đây là điều làm mình vui nhất và cũng là điều trăn trở của mình. Làm sao để người dân của mình hiểu hơn về tế bào gốc để họ tìm đến, đề cập hay đề nghị được sử dụng loại tế bào nhiều hơn.
Sự quan tâm và nhu cầu của người dân là một trong những yếu tố rất quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp mới này, để các bác sĩ, các nhà quản lý quan tâm đầu tư hơn. Đồng thời cũng để tránh được thế độc quyền của một số đơn vị trong nước. Việc tránh được độc quyền sẽ giúp giá thành sản phẩm rẻ hơn”.
Không dự định khởi nghiệp như lời đồn vì tin rằng chỉ làm tốt nhất khi chú tâm vào một việc….
Sau khi được biết hơn với danh hiệu top 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017, cuộc sống của TS. Vũ Bích Ngọc cũng bị xáo trộn, mà đáng kể hơn cả chính là lời đồn về việc chị muốn khởi nghiệp từ tế bào gốc mà mình nghiên cứu ra.
“Mình làm trong 1 đơn vị nghiên cứu với sản phẩm được tạo ra được coi là sản phẩm mới không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Do đó, để thương mại hoá được 1 sản phẩm, phải cần sự hỗ trợ của nhà nước về chính sách để cho phép lưu hành sản phẩm và ứng dụng ; của các công ty để có hệ thống tiêu chuẩn sản xuất được 1 sản phẩm đảm bảo chất lượng ; của các đơn vị ứng dụng như bệnh viện hoặc viện thẩm mỹ … để đưa đến với người dân.
Cá nhân mình không không có đủ thời gian để có thể phân thân vừa nghiên cứu vừa làm kinh doanh. Khởi nghiệp không phải dễ, cần có sự đầu tư về nhiều mặt. Nếu mình tiến vào công việc kinh doanh thì mình phải đầu tư rất nghiêm túc, khi đó hoạt động nghiên cứu của mình sẽ có thể phải dừng lại. Hiện tại, mình vẫn yêu thích công việc nghiên cứu hơn”.
…nhưng sẽ đồng hành để xây dựng một trung tâm tiếp nhận sản phẩm nghiên cứu giúp ích cho nhiều startup
Dù khẳng định sẽ không chạy theo con đường khởi nghiệp, nhưng chị Ngọc cũng đang ấp ủ cùng lãnh đạo Viện Tế Bào Gốc lên kế hoạch xây dựng một trung tâm sản xuất thử nghiệm, nơi tiếp nhận mọi sản phẩm nghiên cứu của tất cả các nhà nghiên cứu, sau đó thẩm định khả năng thương mại. Tiếp theo, cùng với tác giả chuẩn hoá quy trình sản xuất sản phẩm ở quy mô pilot và phối hợp với các đơn vị khác tìm đối tác (công ty, doanh nghiệp, bệnh viện…) sẵn sàng tiếp nhận công nghệ sản xuất sản phẩm/quy trình này để thương mại hoá thị trường.
“Mình mong muốn người Việt Nam mình có thể tiếp cận được với nhiều sản phẩm công nghệ cao. Nhà nghiên cứu có thể tạo được những sản phẩm tốt, ưu việt nhưng đến nay rất ít người có thể đưa sản phẩm đến với thị trường. Hi vọng rằng với mô hình hoạt động của Viện Tế Bào Gốc, sẽ có nhiều đơn vị khởi nghiệp khác được tạo ra từ hoạt động hợp tác với đơn vị của mình, nhiều sản phẩm tốt được đưa ra thị trường với giá thành rẻ, nhiều người dân được tiếp cận với các sản phẩm này để nâng cao chất lượng cuộc sống hơn”.
Làm việc đừng tính toán thiệt hơn, hãy làm thật và làm đúng ắt sẽ nhận quả ngọt
Đó là lời chia sẻ chân tình từ TS. Vũ Bích Ngọc dành cho thế hệ nghiên cứu sinh trẻ.
Chị tự nhận mình không biết nói gì vì mỗi người có một cá tính và sở thích khác nhau nên cách hoạt động nghiên cứu sao cho tốt nhất cũng có thể khác nhau. Riêng chị, chị luôn nói “có” với những công việc được giao. Chị không sợ mình bị thiệt vì chị cho rằng mình “được” nhiều hơn mất. Được kinh nghiệm được bài học và nhiều động lực để phấn đấu.
“Đến bây giờ, mình vẫn sẵn sàng tiếp nhận mọi công việc được giao. Mình thấy rõ ràng, trong công việc nghiên cứu của mình, mọi hoạt động mình thực hiện đều mang lại tri thức mới cho mình, mở ra cho mình rất nhiều điều hữu ích. Mình coi những thông tin có được chính là phần trả công xứng đáng cho mình. Mình làm rất nhiều và cũng nhờ đó mình tích luỹ được rất nhiều.”
Còn với các bạn, các bạn cũng hãy kiên trì làm việc, đừng quá tính toán thiệt hơn, hãy “làm thật và làm đúng”. Làm nghiên cứu có thể coi là sự cống hiến của tuổi trẻ cho khoa học. Mình vẫn rất tin rằng các bạn trẻ là những người rất sáng tạo, có sức khoẻ tốt, các bạn hoàn toàn có thể tạo ra giá trị lớn cho xã hội.
Tiến sĩ Vũ Bích Ngọc (32 tuổi), hiện công tác tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Tiến sĩ Ngọc Là một trong những nhà khoa học nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc hàng đầu Việt Nam. Đạt giải thưởng Khoa học công nghệ thanh niên Quả Cầu Vàng năm 2017. Tế bào gốc được áp dụng trong điều trị ung thư như một phương pháp trị liệu miễn dịch.
Tế bào gốc do TS. Vũ Bích Ngọc cùng đồng đội của mình tìm ra đã được Bộ Y Tế cho phép thử nghiệm lâm sàng trên 1 số lượng bệnh nhân nhất định và đem lại kết quả khả quan.
Liệu pháp này với cơ chế dùng chính tế bào miễn dịch của cơ thể (thường là tế bào gốc) đưa ra ngoài nuôi cấy và hoạt hóa lên,sau đó truyền lại vào cơ thể để làm tăng khả năng tự miễn dịch được kỳ vọng là phương pháp điều trị ung thư của tương lai, đem đến hy vọng tươi sáng hơn cho các bệnh nhân ung thư trên toàn thế giới. Liệu pháp miễn dịch có thể đem kết hợp với các liệu pháp khác (Phẫu thuật, xạ trị, thuốc kháng ung thư) hoặc đơn phương điều trị đều đem lại kết quả.
Nếu được kết hợp với 3 liệu pháp trên sẽ có tác dụng hỗ trợ lẫn nhau, khắc phục phản ứng phụ, giảm suy nhược cơ thể. Ngoài ra Liệu pháp miễn dịch còn áp dụng cho cả những bệnh nhân cơ thể suy nhược do ung thư, không thể phẫu thuật hoặc không thể dùng thuốc kháng ung thư.