Cứ đến dịp Halloween, đủ loại dịch vụ ăn theo lại được dịp nở rộ. Một trong số đó có nghề hóa trang kinh dị. Những người làm công việc này vốn là các tay trang điểm “cừ khôi”, có nhiều năm kinh nghiệm. Halloween chỉ là một dịp ngắn ngủi nhưng cũng phần nào giúp họ trở nên nổi tiếng và dần được giới trẻ cùng cộng đồng hóa trang biết đến.
Mùa Halloween năm nay, cái tên được bạn trẻ Hà Nội săn đón chính là Lê Ngọc Dung (Dung momo, SN 1988) - người đã có 8 năm lăn lội trong giới trang điểm và hóa trang.
“Biến hình” cho người khác trở nên kinh dị - thử thách không phải tay trang điểm nào cũng làm được
“Sáng nay mình đi make up cho cô dâu đấy chứ, suýt nữa thì quên lịch hẹn“, chị Dung mở đầu câu chuyện rất tự nhiên và thoải mái. Nếu không nói ra, có lẽ ít người nghĩ, cô gái với dáng người mũm mĩm nặng tới gần 100kg này là một “phù thuỷ” hoá trang có tiếng trong giới trang điểm tại Hà Nội.
“Trang điểm cô dâu là nghề chính của mình, còn hoá trang Halloween là điều mình làm để thử thách bản thân, mình muốn xem mình có thể “phiêu” đến mức nào”.
Theo chị Dung, hoá trang mang hơi hướng kinh dị, ghê rợn như vẽ miệng rách đến tận mang tai hay vết thương để lộ xương vẫn còn là 1 điều khá mới mẻ ở Việt Nam, vì trước nay không có nhiều người muốn thử nó. Ai cũng thích trở nên đẹp đẽ, chứ ai lại muốn mình xấu xí bao giờ. Hơn nữa, vài năm gần đây, Halloween mới dần được yêu thích nồng nhiệt hơn kéo theo việc những trò nghịch ngợm như hóa trang, vẽ mặt kinh dị bắt đầu có cơ hội phát triển mạnh.
Trong giới trang điểm, có thể chị Dung chưa phải người nổi tiếng nhất. Thế nhưng để tìm cho ra một người có khả năng “phù phép”, làm biến dạng một gương mặt, khiến “quỷ dạ xoa” nhìn thấy cũng muốn “xỉu” thì hẳn là điều mà không phải ai cũng làm được.
“Hóa trang kinh dị cần dùng những vật dụng, đồ dùng khác hoàn toàn so với trang điểm thông thường, nhiều thứ còn đắt hơn cả mỹ phẩm cao cấp“, chị Dung nói. Điều khiến hóa trang khó hơn trang điểm là người thợ phải tư duy nhiều hơn về ý tưởng. Muốn biến một gương mặt trở nên khác lạ, bản thân họ phải hình dung kỹ và gần như ám ảnh về một hình tượng ghê rợn nào đó trong trí tưởng tượng.
“Khi mà được cầm cọ, cầm bút thực hiện những ý tưởng về một nhân vật kinh dị, ghê rợn như Joker, Valak… mình thấy phiêu lắm. Bạn bè hay trêu là cứ tưởng tượng về mấy nhân vật ma quái đó rồi vẽ rồi xem rồi nghĩ đến… mà không thấy sợ mất ăn mất ngủ à. Mình chỉ cười thôi vì thấy vẽ như vậy vui, sảng khoái chứ có gì mà phải sợ“, chị Dung cười nói.
Nhiều người không hiểu về hóa trang, xem chị Dung vẽ thường chép miệng, “vẽ nguệch ngoạc thế kia mà cũng là hóa trang à”? Kỳ thực, mỗi đường đi, nước bước của người thợ đều có dụng ý khác nhau. “Nếu chỉ vẽ bừa lên mặt người khác chắc mình thất nghiệp lâu rồi“, chị Dung nói. Bản thân chị khi theo đuổi nghề này cũng phải học hỏi, nghiên cứu sách báo rất nhiều, sau đó là tự thử thách trên gương mặt, cơ thể mình, khi đã thành thục rồi mới dám đi hóa trang cho khách.
Vì Halloween là 1 dịp lễ lớn được nhiều bạn trẻ háo hức đón đợi nên năm nào, chị Dung cũng bận tối mắt nhưng chưa lúc nào, chị làm ẩu cho khách mà luôn làm cho họ hài lòng mới thôi. Có nhiều bạn trẻ còn đi học, kinh tế eo hẹp, chị Dung liền hỗ trợ hết mình bằng cách giảm giá tiền, tìm ra loại vật liệu hoá trang có công dụng tương tự nhưng giá thành rẻ hơn, giúp các bạn có một đêm Halloween đáng nhớ bên bạn bè.
Con đường hóa trang và quyết định liều lĩnh của tuổi trẻ
Tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh của ĐH Công đoàn năm 2010, 2 năm sau chị Dung một mình vào TP. HCM tham gia khoá học kéo dài 1 năm về làm đẹp do các giảng viên của 1 trường ĐH thẩm mỹ Nhật Bản sang giảng dạy. Đến nay, riêng về hóa trang kinh dị, chị đã có 5 năm kinh nghiệm còn về lĩnh vực trang điểm thì đã có 8 năm dày dạn. Vì mải mê công việc, đến giờ chị Dung vẫn còn độc thân.
“Bố mẹ mình thì không muốn con cái vất vả nên phản đối khá dữ nhưng tính mình quyết đoán, muốn làm công việc nào đó mà mình thật sự yêu thích”, chị Dung kể.
1 năm theo học những giảng viên xuất sắc nhất của Nhật Bản đã giúp chị Dung không chỉ có kiến thức chuyên sâu về làm đẹp, mà còn tạo cho chị một phong cách sống chuẩn mực.
“Các thầy cô bên Nhật không chỉ rèn nghề cho mình mà còn giúp mình hoàn thiện cách sống. Chẳng hạn nếu gặp khách hàng khó tính thì mình cứ xin lỗi nhận sai, rồi dần dần nói cho khách hiểu, cũng như khi khách ra về mình nên cúi người cảm ơn khách. Đó không phải là hạ mình, mà là biết ơn họ đã tin tưởng chọn lựa mình làm đẹp cho họ”, Chị Dung chia sẻ.
Một khó khăn nữa khi làm trong lĩnh vực làm đẹp của chị Dung là cân nặng của chị hơi quá khổ so với người Việt Nam. Nhiều người mới nhìn vẻ ngoài thường đánh giá chị lười nhác hoặc ho là, người béo thế thì sẽ làm được gì. “Đấy là tiếp xúc ít thôi còn nếu đã chưng khi chứng kiến thành quả lao động của mình, họ đã phải rút lại những lời nói đó“, chị Dung vui vẻ nói.
Tuy việc thừa cân cũng gây nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của chị nhưng lúc nào “Dung Momo” cũng xuất hiện với dáng vẻ tự tin, tràn đầy năng lượng. “Mình luôn để kết quả công việc nói lên con người mình là ai, mình có thể làm được những gì chứ không phải là số cân nặng mình sở hữu”, chị Dung nói thêm.