“Lần đầu tôi nghe đến ung thư là năm 12 tuổi. Đó là khi Quỳnh - cô bạn cùng trường mắc ung thư xương. Lúc đó tôi không biết ung thư là gì, ngoại trừ việc nó khiến chân bạn ấy sưng to và đau đớn. Cha mẹ của Quỳnh từng đi bộ đội và bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam thời chiến tranh. Tôi đến thăm bạn mỗi tuần, tại căn nhà nhỏ bé trong con ngõ ở thành phố Biên Hòa, Đồng Nai.
Gia đình họ quá nghèo để có thể chi trả các khoản phí chữa bệnh. Tôi hỏi thăm mẹ của một người bạn để nhờ viết bài báo về trường hợp của Quỳnh. Lời kêu gọi đã được cộng đồng hưởng ứng rất nhiều. Đại sứ quán Mỹ và các tổ chức quốc tế khác cũng tìm kiếm sự hỗ trợ tại Mỹ.
Tôi nhớ rất rõ một ngày thứ sáu đến chào tạm biệt trước khi bạn lên chuyến bay sang Mỹ chữa trị vào chủ nhật. Quỳnh vẫn còn bệnh nhưng chúng tôi đều rất vui. Bạn tôi sẽ lần đầu tiên được đi máy bay và tiếp nhận điều trị. Chúng tôi trò chuyện cùng nhau với tất cả sự tò mò về người Mỹ. Chúng tôi không biết mình mong đợi gì, chỉ là thấy rất phấn khích. Ngày kế tiếp, một người bạn gọi báo cho tôi là Quỳnh không được khỏe lắm. Lúc tôi vừa tới nhà bạn ấy, mọi người đều đang chuẩn bị cho tang lễ. Quỳnh đã ra đi sau một cơn đau tim, chính xác là một ngày trước chuyến bay đến Mỹ” - Trích nhật ký chiến đấu ung thư của “nữ hoàng startup” Thủy Muối.
Biết đến ung thư từ năm 12 tuổi, hiểu rõ cả sự đớn đau, tàn khốc mà căn bệnh gây nên… nhưng có lẽ Thủy Muối không thể ngờ rằng rồi một ngày kia, chính mình lại trở thành bệnh nhân K. Có điều, so với cô bạn tên Quỳnh, Thủy tin là mình may mắn hơn bởi vì ít nhất, năm 12 tuổi, cô vẫn là đứa trẻ khỏe mạnh. 2018, sau hơn 1 năm kiên cường, bền bỉ chiến đấu cùng ung thư, nhìn lại quãng đường đã đi qua, nỗi đau chắc chắn là điều khó có thể kể hết song Thủy vẫn cảm nhận, ung thư đã giúp cô sống một đời hạnh phúc hơn. Giống như ai đó đã từng nói… “Bạn sẽ thay đổi, sống và suy nghĩ khác đi nếu có một nỗi đau đủ lớn“.
Trương Thanh Thủy được cộng đồng công nghệ ở Việt Nam gọi bằng nickname Thủy Muối. Cô từng được báo nước ngoài ca ngợi là “Nữ hoàng khởi nghiệp” và được tạp chí Forbes Vietnam vinh danh trong danh sách “Forbes 30 Under 30” năm 2015.
Thủy Muối Mỹ định cư tại Mỹ cùng gia đình từ năm 17 tuổi. Năm 2009, cô quay lại Việt Nam sau khi tốt nghiệp cử nhân Khoa học Máy tính tại Đại học Southern California.
Cô thành lập chuỗi cửa hàng Parallet Frozen Yogurt. Năm 2013, Thủy Muối trở thành giám đốc điều hành công ty GreenGar Inc, đưa công ty đến Silicon Valley gia nhập chương trình 500 startup Accelerator.
Đầu năm 2014, sau thất bại với GreenGar, Thủy làm lại từ đầu với công ty Tappy và được công ty Weeby.co mua lại đầu năm 2015.
Đầu năm 2016, cô một mình lái xe vòng quanh nước Mỹ trước khi quay về Việt Nam bắt tay vào thực hiện những dự án mới. Trong khi đang tham gia sản xuất một bộ phim ở Việt Nam, tháng 9/2016, cô đột ngột phát hiện mình bị ung thư phổi giai đoạn cuối.
Không hoang mang tuyệt vọng vì căn bệnh, cô gái trẻ đã thành lập nhiều dự án giúp những người mắc ung thư như cô có thể đối mặt với nó cũng như chăm sóc bản thân tốt hơn, trong đó có Salt Cancer Initiative, sáng kiến hỗ trợ bệnh nhân ung thư qua việc nhằm cung cấp thông tin, giáo dục và hỗ trợ đến bệnh nhân ung thư và người thân tại Việt Nam
Tháng 4/2017, Thủy đã tổ chức một Hackathon đầu tiên (buổi gặp gỡ để giúp đỡ các bệnh nhân ung thư) tại trường đại học University of Southern California (USC). Buổi gặp gỡ đã thu hút hơn 50 cơ quan và đại diện của các tổ chức sức khỏe và y tế trên toàn thế giới.
Đã nghĩ được thì phải làm cho được
Nếu nói cuộc sống sẽ khác đi kể từ khi chúng ta thực sự làm những điều mình thích thì có lẽ, Thủy Muối đã bắt đầu điều đó từ rất lâu, lúc cô quyết định dấn thân vào lĩnh vực khởi nghiệp.
Tuổi dưới 30, Muối trở thành 1 hình mẫu được nhiều người ngưỡng mộ khi có trong tay tới 3 công ty đạt được thành công nhất định ở các lĩnh vực khác nhau. Dự án sau cùng mang tên Tappy đã được bán lại với mức giá hàng triệu đô. Trước đó, GreenGar Inc cũng là công ty Việt đầu tiên gia nhập vào mạng lưới startup ở thung lũng Silicon.
Các sản phẩm mà Thủy làm như một minh chứng rằng, trí tuệ người Việt đang vươn mình ra thế giới. Chúng ta không chỉ làm được những thứ giải quyết nhu cầu trong nước mà còn tìm thấy chỗ đứng trên phạm vi toàn cầu. Ý tưởng của các startup Việt, ngày càng được thế giới ghi nhận, đánh giá cao hơn và Thủy Muối chính là 1 trong số đó.
Được vinh danh là “nữ hoàng khởi nghiệp”, lọt top 30 gương mặt nổi bật của tạp chí Fobers, được cộng đồng startup biết đến và ngưỡng mộ, xuất hiện trên mặt báo với cuộc sống đầy trải nghiệm thú vị, đa màu sắc, đi du lịch, một mình lái xe vòng quanh nước Mỹ… Cuộc sống của Thủy Muối đã lên đến bậc cao của sự thành công hay ít nhất, cũng được đánh giá là một cuộc đời đáng sống.
Giống như câu nói nổi tiếng của Mark Twain: “Hai mươi năm sau lúc này, bạn sẽ thấy nuối tiếc vì những điều mình không làm hơn vì những điều mình đã làm. Vậy nên hãy tháo nút dây. Hãy cho thuyền rời khỏi bến cảng an toàn. Hãy căng buồm đón gió. Tìm tòi. Ước mơ. Khám phá”.
Thủy Muối có lẽ đã sống đúng như những điều Mark Twain nói, luôn không ngừng tiếp tục hành trình khám phá chính mình. Chỉ có điều, hành trình đó không biết khi nào mới dừng lại và giới hạn sức chịu đựng của mỗi người, có lẽ luôn là 1 câu hỏi hóc búa cho đến lúc chúng ta tự tìm ra đáp án.
Thất bại ở những dự án startup, từng có lúc lâm vào cảnh khó khăn, chênh vênh và đôi khi mất lòng tin vào con đường mình đang chọn - tất cả đều là những điều Muối đã đi qua. Vùng an toàn là 1 nơi thoải mái mà khi quay lại đó, chúng ta thấy mình sống yên ổn. Vượt ra khỏi nó, phía trước là bấp bênh, lo lắng, sợ hãi, cô đơn, phía sau lùi lại cũng không biết sẽ đi về đâu… nhưng rồi thì hóa ra tất cả cũng không phải là tận cùng đớn đau. Nỗi sợ hãi lớn nhất - chính là cái chết.
“Ung thư đã giúp mình biết rằng hóa ra thất bại khởi nghiệp, mất tiền, phải bắt đầu lại từ con số 0 hay đôi khi là con số âm… đều không phải là những điều đáng sợ nhất.
Ngày xưa mình làm việc hay nghĩ cho quá nhiều người, rồi ngồi phân tích tất cả các trường hợp có thể xảy ra cho những quyết định của mình - làm cái gì cũng sợ “bị người ta nói”. Bây giờ thì khác, đã nghĩ được phải làm cho được, vì biết mình còn sống được bao lâu nữa mà cứ chần chừ. Mình cứ làm những việc mà lương tâm cảm thấy đúng. Khi cái chết là nỗi sợ to nhất rồi, những nỗi sợ khác không là gì cả. Có lẽ vì thế nên mình sống can đảm hơn, thanh thản hơn.
Khi đã vượt qua nỗi sợ lớn nhất, bạn sẽ thấy rằng, trên đời này thật ra không hề có giới hạn, chỉ là cách chúng ta đối mặt và chấp nhận nó như thế nào. Nếu không còn sợ hãi, chẳng điều gì làm bạn phải hoang mang. Mỗi nỗi đau mới sẽ mở ra hy vọng về 1 cuộc đời mới. Biết tin mình bị bệnh ở giai đoạn cuối, có lẽ Thủy Muối cũng không hy vọng sống đến năm 100 tuổi nhưng ung thư, thực sự đã đem lại 1 cuộc sống khác, để Thủy làm những điều mà cô chưa từng nghĩ tới.
“Xem mỗi ngày như ngày cuối cùng của cuộc đời”
Chúng ta đang sống cuộc đời của mình nhưng thật ra lại bị chi phối bởi rất nhiều thứ: gia đình, bạn bè, định kiến xã hội. Có những thứ chúng ta cố công tìm kiếm, gầy dựng thực ra lại không phải vì chính mình mà bởi vì xã hội cho nó là đúng, là hạnh phúc và người thân, bạn bè chúng ta cũng tin rằng như thế.
Trước kia, Thủy Muối từng bị chi phối bởi những điều ấy, kể cả khi cô đã trở thành 1 “nữ hoàng startup” và bước qua vùng thoải mái để khởi nghiệp. Từ khi bị ung thư, Thủy đã sống 1 cuộc đời khác. Lâu lắm rồi, cô đã tự đề ra quyết định sống với phương châm - “Xem mỗi ngày như ngày cuối cùng của cuộc đời”.
“Thủy sống chậm lại, lắng nghe nhiều hơn, mở lòng mình để yêu thương và chấp nhận. Muốn yêu thương ai đó thì đầu tiên phải hiểu, vì con người sống cần sự thấu hiểu chứ không phải thương hại. Có những người gặp mình nhưng không tiếp tục đi chung 1 chặng đường nữa đơn giản vì sự khác biệt và một chữ “duyên”. Có thể vào một thời điểm nào đó, con người gặp nhau, chung chí hướng, đúng thời điểm thì xây dựng nên những mối quan hệ tốt đẹp. Nhưng cũng có những lúc, đúng người, sai thời điểm, cũng chỉ là những mối quan hệ bình thường“.
Khi hiểu được điều đó, Thủy dần chấp nhận bệnh ung thư 1 cách bình thản và nhẹ nhàng hơn. Ngay cả việc mất đi mối quan hệ cũ - người mình từng nghĩ là bạn bè, cũng không còn làm tâm trạng cô bị tụt dốc quá nhiều.
Mắc bệnh ung thư, có những thứ đã mất nhưng không ít cánh cửa mới lại tiếp tục mở ra. Nhiều người tìm đến với Thủy bằng tấm lòng chân thành - họ là bạn bè, những cộng sự thật sự thấu hiểu và muốn chia sẻ khó khăn cùng cô. Những người ấy đã cùng Thủy leo lên 1 con thuyền khác xây dựng tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động vì người bệnh ung thư và rồi Salt Cancer Initiative (SCI) ra đời.
Hạnh phúc là không ngừng chia sẻ giá trị mình tạo ra, truyền cảm hứng tích cực tới cộng đồng
Đối mặt với nỗi đau, chấp nhận và vượt qua nó là điều mà ai cũng có thể hiểu và nói ra nhưng để làm theo thực sự không dễ dàng. Trong quá trình điều trị, có lúc Thủy đã bị tác dụng phụ đến nỗi cổ họng đau nhức không nói được thành lời, mất hoàn toàn khả năng sinh con, mỗi ngày tiêm 4-5 mũi, mặt mũi xấu đi vì nổi đầy ban rồi thậm chí nhận cả tin dữ ung thư di căn vào xương, bị thuốc điều trị làm cho não bộ suy nghĩ tiêu cực…
Đó thực sự là câu hỏi khó và cũng không phải bỗng nhiên, Thủy Muối tìm thấy ngay 1 đáp án đúng. Điều quan trọng nhất là trong hành trình chống chọi với ung thư, Thủy Muối luôn có bạn bè, gia đình kề bên và dần dần, cô hiểu rằng, ung thư không phải là vấn đề của 1 người và 1 cá nhân cũng không thể đơn độc trong trận chiến đầy rẫy khó khăn.
“Với Thuỷ, ung thư là một vấn đề, và nó là vấn đề không chỉ của một người mà là của cả một gia đình. Và khi nó là vấn đề của nhiều gia đình thì nó trở thành một vấn đề của xã hội. Vậy chúng ta đối mặt và giải quyết nó bằng cách nào? Ra đường, hỏi bất kỳ ai chắc chắn họ cũng biết một ai đó đang có căn bệnh ung thư trong người, rất nhiều người muốn giúp cho bệnh nhân ung thư nhưng lại không biết làm cách nào. SCI là nơi dành cho các bạn thấy được ung thư là vấn đề, muốn giải quyết nó, quan trọng là dám nghĩ, dám làm. Đó là ý nghĩa của chữ “Initiative” - Khởi xướng”!
Tổ chức này được thành lập với hai mục đích: một là cung cấp kiến thức về căn bệnh ung thư đến với bệnh nhân, người thân và hai là giúp đỡ họ về mặt tinh thần. Hiện tại, SCI đã và đang tổ chức những buổi meet-up trao đổi và chia sẻ về kiến thức ung thư giữa bác sĩ với các bệnh nhân và người thân hàng tháng tại TP. HCM. Ngoài ra, đơn vị này cũng đang hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong nước để tổ chưc các hoạt động cho bệnh nhân ung thư. Nổi bật nhất là việc flashmob, tập yoga hay mang lớp học tới cho các em nhỏ mang K không có điều kiện tới trường tại Bệnh viện K Tân Triều… “Tất nhiên không phải dự án nào cũng thành công, nhưng thà làm thử, sai thì rút kinh nghiệm hơn là ngồi nghĩ mãi mà chả làm gì”.
Bây giờ, Thủy Muối đã có rất nhiều cộng sự. Mỗi một người làm việc cùng cô không còn giới hạn ai là thủ lĩnh, ai là cấp dưới, tất cả đều là những người bạn đi chung 1 con thuyền với cùng ý chí và mục tiêu. Điều Thủy hy vọng nhất rằng sau khi mất đi, SCI vẫn còn trường tồn để tiếp tục giúp được nhiều bệnh nhân ung thư tại Việt Nam.
Chúng ta vẫn luôn tự hỏi hạnh phúc thực ra là gì? Xây đắp 1 gia đình hạnh phúc, kiếm 1 công việc ổn lương cao hay hạnh phúc là làm được những thứ mình yêu, sống 1 cuộc đời của riêng mình? Với Thủy, hạnh phúc là sống theo những điều mình cho là đúng và không ngừng chia sẻ giá trị mình tạo ra, truyền cảm hứng tích cực đến cộng đồng. Một cuộc sống cho đi không theo nghĩa hy sinh vì người khác mà là giúp người khác cùng với mình, đứng vững trên 1 con thuyền giong buồm hướng về ước mơ đẹp.