Đó là câu nói và cũng là châm ngôn sống của Lý Đài Trang (SN 1993, quê ở Thái Nguyên) chia sẻ khi gặp chúng tôi tại quán cafe trên đường Kim Mã, Hà Nội.
Thoạt đầu nhìn Trang ai ai cũng sẽ bị cuốn vào giọng nói dễ nghe, khuôn mặt xinh đẹp, ưa nhìn… Thế nhưng ẩn sâu trong cô gái xinh đẹp, nhỏ nhắn ấy đó là những vết thương do bị bỏng nặng ở phần cánh tay và một số bộ phận trên cơ thể mà Trang đã phải chiến đấu, giành giật sự sống để rồi giờ đây lạc quan với đời, với người…
Chuỗi ngày đầy đau đớn của cô giáo xinh đẹp gặp nạn vì nổ bóng bay
Buổi sáng tháng 9/2016, Lý Đài Trang công tác tại một trường mầm non ở Thái Nguyên vội vã sửa soạn quần áo, cặp sách đến trường chuẩn bị cho buổi lễ khai giảng.
Công việc của Trang hôm ấy là trang trí bóng bay ở khu vực khán đài. Lúc này một quả bóng bay rất lớn bơm bằng khí hidro, bất ngờ phát nổ đúng lúc cô đi ngang qua, bao trùm lấy toàn bộ cơ thể Trang, bén lửa từ đầu đến chân. Người cô bốc cháy, quần áo và cả tóc, tất cả xảy ra chỉ trong vòng một tích tắc.
Khắp cơ thể Trang từ mặt mũi, chân tay,… hễ chỗ nào hở đều bị lửa bén vào. Cô nhanh trí chạy tới vòi nước dội trực tiếp lên mặt, nhờ đó đã “cứu” được khuôn mặt xinh đẹp của mình. Còn phần da thịt khác đã bị lửa “nấu chín” đến mức lộ cả lớp màu hồng bên trong.
Trên đường đến bệnh viện cấp cứu, Trang vẫn còn tỉnh táo, thậm chí nghĩ nằm viện sơ cứu vết bỏng 2-3 hôm là được về nhà. Cô không hề hay biết, kể từ phút giây đó, cuộc đời cô đã bước sang một trang khác với những tháng ngày đau đớn, vật vã tột cùng.
Do bị bỏng nặng Trang được chuyển ngay sau đó xuống Bệnh viện Bỏng quốc gia. Tại đây bác sĩ chẩn đoán Trang bỏng cấp độ nặng nhất và dặn dò gia đình chuẩn bị sẵn tinh thần xấu nhất có thể xảy ra. May mắn, nhờ sự tận tình của các y bác sĩ, cô đã bước qua “cửa tử” nhưng đau đớn, tủi hờn vẫn đeo bám suốt thời gian dài.
Trang mất 1 tháng nằm tại khoa Cấp cứu, trải qua 4 cuộc phẫu thuật ghép da. Tuần đầu tiên, cô không được uống thuốc giảm đau. Sang tuần thứ 2, các bác sĩ bắt buộc tiêm thuốc mỗi lần thay băng, vì bệnh nhân không thể chịu đựng thêm sự đau đớn.
Trang bất lực và ám ảnh. Cô phải uống nhiều loại kháng sinh, thuốc điều trị, tiêm truyền đến tê cứng chân tay. Với cô giây phút hạnh phúc nhất lúc bấy giờ đó là được tiêm thuốc giảm đau, nó sẽ tạm xoa dịu những vết bỏng rát xé sâu vào tâm can cô gái trẻ như Trang.
Được chuyển xuống Khoa Phục hồi chức năng, chứng kiến cuộc sống của các bệnh nhân bỏng, Trang càng thêm sợ hãi. Lần đầu tiên đặt chân xuống đất sau gần một tháng nằm im trên giường bệnh, cô gần như mất cảm giác. Điều trị tại bệnh viện đúng 1 tháng 10 ngày thì Trang được đưa về nhà phục hồi chức năng. Trong quãng 4 năm qua khi nhớ lại với Trang đó là những hồi ức đầy tăm tối, có lúc rơi vào bĩ cực.
“Trở về nhà, tôi nhốt mình trong phòng, không dám ra đường rồi dần dần rơi vào trạng thái trầm cảm. Tôi không dám soi gương khi nghĩ về bộ dạng mình như vậy. Trước đây thì lúc nào cũng diện những bộ áo váy đẹp còn lúc này chỉ khoác bộ quần áo cộc rộng như con trai, tóc thì trụi hết, tay đầy vết bỏng…Ngày nào tôi cũng gào thét rồi ngồi khóc như kẻ điên dại. Khi ấy tôi không biết phải đối diện với thực tại như thế nào? Tôi thực sự bế tắc”, Trang chia sẻ.
Từng tìm đến cái chết nhưng bản thân không cho phép mình gục ngã
Nhưng vết thương ở tay chân về lâu dài bắt đầu có hiện tượng co cơ khiến Trang phải chịu những cơn đau giằng xé, nhiều đêm cô không thể nào chợp mắt. Cô gái ấy nhiều lần nghĩ đến chuyện tự tử. Có lần cô đi bộ lên trên cầu định nhảy xuống sông kết liễu cuộc đời rồi lại không đủ can đảm khi nghĩ đến bố mẹ.
“Lúc đó tôi nghĩ đến gia đình. Trong đầu tôi nghĩ đến mẹ, nghĩ về cuộc đời mình. Nếu nhảy xuống sông thì cuộc đời mình sẽ chấm dứt tại đó, mình sẽ không có gì khác cả. Tự nhiên bản năng sống trỗi dậy. Tôi nghĩ biết đâu mình có cuộc sống tốt hơn thì sao.
Nếu giờ chọn con đường sống thì phải sống thế nào và tôi đã chọn cuộc sống vui vẻ, để sau này già đi tôi sẽ không bao giờ hối tiếc về bản thân. Tôi phải ra ngoài chứ không thể trốn tránh mãi trong nhà như thế được”, Trang tâm sự.
Trang quyết định sống mạnh mẽ nhưng không thể vui vẻ chấp nhận ngay được. Cô mất một thời gian dài để thích nghi với hoàn cảnh hiện tại. Cô bắt đầu để tóc dài, tìm mua những bộ đồ phù hợp với bản thân và học cách trang điểm… Dần dần cô trở nên yêu đời và cuộc sống hơn. Dẫu vậy, Lý Đài Trang đôi lúc vẫn tủi thân khi ai đó nhắc đến những vết sẹo trên cơ thể.
Có lần Trang quay về trường thăm học trò. Thấy cô giáo bước tới đám trẻ nhỏ ngây ngô hỏi: “Cô ơi, sao tay cô xấu thế”. Câu nói của con trẻ đã đụng chạm vào trái tim mềm yếu của Trang. Lúc này cô nghĩ đến chuyện quay lại nghề giáo viên không còn thích hợp với mình nữa. Trang sẽ ra sao khi mỗi ngày các con đụng chạm đến vết thương trên cơ thể mình? Liệu phụ huynh có đủ tin tưởng, bình tĩnh giao con cho mình dạy dỗ?
Dù không thể đi xe máy, bàn tay sau phẫu thuật không được khả quan, Trang vẫn nỗ lực kiếm tìm cơ hội việc làm. Cô lên mạng xã hội, khảo sát những lĩnh vực, ngành nghề phù hợp. Cô hiểu, các nhà tuyển dụng không chỉ nhìn vào khuôn mặt xinh đẹp của mình, với đôi bàn tay co rút, một vài ngón dính vào nhau như thếsẽ làm được gì.
Hiện tại, Lý Đài Trang đang kinh doanh online. Cô chủ động đóng gói hàng hoá, tự chủ kinh doanh. Để phát triển hơn nữa, cô xin bố mẹ lên Hà Nội. Bỡ ngỡ và khó khăn ban đầu không thể ngăn nổi nỗ lực phi thường của Trang. Từ đó, cô cảm thấy may mắn so với những bệnh nhân bỏng khác, khi cô vẫn còn tay và chân, tự kiếm tiền nuôi sống bản thân.
“Giờ đây tôi tự tin đi ra ngoài với bộ đồ trang phục phù hợp với mình. Tôi cũng không mặc cảm che giấu bản thân như trước đây. Cách đây không lâu tôi vô tình chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội. Mọi người đọc được đã động viên quan tâm tôi rất nhiều. Lúc đó tôi thấy bản mình tự tin hơn rất nhiều so với trước đây. Tôi đã trở lại là con người thật của mình”, Trang cười.
Phía trước Trang cuộc sống còn dài, mặc dù những vết bỏng đã dần hồi phục nhưng những di chứng để lại sau này sẽ theo cô suốt cuộc đời. Thế nhưng, Trang bảo cô sẵn sàng đương đầu với mọi thứ. Cô luôn tâm niệm phải sống sao cho thật tốt để sau này không có gì phải hối tiếc với bản thân mình.