Ngày 26/10, một nguồn tin từ Công an TP Cà Mau xác nhận trên báo Pháp Luật TP.HCM, đơn vị này đang xác minh sự vụ nhiều giáo viên và cả hiệu trưởng của một trường tại TP Cà Mau bị “khủng bố” điện thoại, mạng xã hội. Bước đầu nhà trường và công an đã xác minh được nguồn cơn sự vụ là từ việc vay tiền qua mạng xã hội của cô giáo L.T.T.L., giáo viên trường này.
Bốn giáo viên của trường này, cả ban giám hiệu đã có đơn tố giác, báo cáo, đề nghị công an can thiệp, giải quyết. Nội dung là từ ngày 23/10/2019, có nhiều số điện thoại lạ gọi vào máy bàn của hiệu trưởng T.V.T. và bốn giáo viên yêu cầu có trách nhiệm hối thúc cô giáo L.T.T.L. trả các khoản nợ vay trên mạng xã hội.
Mỗi người bị gọi hàng trăm cuộc mỗi ngày, chặn số này họ gọi số khác. Và trên mạng xã hội cũng đã xuất hiện thông báo cảnh giác lừa đảo của một đơn vị tự xưng là Công ty H. nhưng không có số điện thoại, địa chỉ gì cả.
Thông báo cảnh giác này có tiêu đề cảnh giác lừa đảo, chỉ rõ tên, số điện thoại, hình ảnh bốn giáo viên của trường. Thông báo cho rằng bốn giáo viên này là đồng lõa với cô giáo L.
Theo thông tin từ báo Thanh Niên, ngày 25/10, Hiệu trưởng Trường THPT - THCS Lý Văn Lâm (TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) Thi Văn Trí cho biết, khoảng 8h ngày 23/10, ông nhận được số điện thoại gọi vào máy bàn đòi nợ của cô giáo L. nhưng không biết phải trả lời ra sao. Ông Trí chủ động kết thúc cuộc gọi để làm rõ vụ việc nhưng phía “chủ nợ” liên tục gọi lại gây sức ép. Ông Trí buộc phải rút dây cáp điện thoại bàn để làm việc. Từ chiều 24/10 đến sáng 25/10, bên chủ nợ không còn gọi nữa.
“Cô ấy vay chỉ mấy triệu, nhưng vay nhiều nơi và lãi suất nghe nói khá cao. Mấy tháng nay không trả lãi nên chủ nợ mới manh động như vậy”, ông Trí chia sẻ.
Cô giáo L.T.T.L. cũng xác nhận với báo Pháp Luật TP.HCM rằng đã gửi tường trình toàn bộ sự việc vay tiền đến ban giám hiệu trường và Công an TP Cà Mau.
Theo tờ tường trình này, cô L. thừa nhận có vay tiền trên mạng xã hội từ đầu năm 2019 đến nay do làm ăn thất bại, vợ chồng ly hôn, nợ nần chồng chất.
Trong sáu khoản vay mà cô tường trình rõ trong đơn thể hiện cô đã vay với mức lãi suất từ 9,6% đến 84%/tháng.
Cô L.T.T.L. thừa nhận lúc vay được nhân viên tư vấn qua điện thoại về số tiền được vay, được nhận và thời gian phải trả, số tiền phải trả. “Tôi vẫn biết mức lãi suất đến mấy chục phần trăm nhưng cùng đường tôi liều mạng”.
Về thủ tục vay, cô L. cho biết chỉ cần chụp giấy chứng minh nhân dân và cho họ một số điện thoại của người thân. Tất cả lần vay, cô chỉ cho một số điện thoại của người em ruột, không từng cho số của bất kỳ giáo viên nào ở trường mình.
Sau khi thông tin lan truyền trên mạng, theo báo Tuổi Trẻ, nhiều cô giáo bị “khủng bố” liên tục bằng hàng trăm cuộc gọi, tin nhắn yêu cầu trả nợ. Vì vậy, nhiều cô giáo phải tắt điện thoại để không bị làm phiền. Máy điện thoại bàn nhà trường phải rút dây cáp điện thoại nhằm tránh bị “khủng bố”.
Theo các giáo viên, cô L. có thiếu nợ, tuy nhiên không hiểu sao bốn cô giáo đang công tác tại trường bỗng dưng biến thành “đồng lõa”.
Ngày 25/10, 4 giáo viên vô cớ bị “khủng bố” vì đồng nghiệp nợ tiền đồng ký tên yêu cầu Công an TP.Cà Mau can thiệp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và tư cách người giáo viên.