Sắc màu Cuộc Sống

Nỗi niềm trăn trở của bác sĩ cấp cứu nhiễm COVID-19: ‘Không lo bệnh mình nặng mà luôn sợ đồng nghiệp bị lây’

Định Nguyễn
Chia sẻ

Những người bác sĩ điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện nhiệt đới Trung ương hơn 1 tháng qua nhiều người không về nhà. Trong số họ, có người bị lây nhiễm chéo trong lúc tiếp xúc với bệnh nhân.

Nỗi niềm trăn trở trong những ngày điều trị của bác sĩ cấp cứu bị nhiễm COVID-19. Clip: Thành Khương

Hơn 1 tháng không về vì sợ người thân và hàng xóm bị lây

Hơn 1 tháng nay, bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai, Phó trưởng Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và các đồng nghiệp chưa về nhà. Có người bám trụ tại bệnh viện cũng đã hơn 2 tháng kể từ ca nhiễm COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam.

Một ngày của bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai với guồng công việc bận rộn từ thăm khám bệnh nhân nhiễm COVID-19, tiếp nhận những ca mới, họp bàn với hội đồng chuyên môn để đưa ra những phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân…

Đã lâu rồi chị cũng chưa được gặp các con, người thân gia đình… Tất cả dồn sức lực cùng đồng nghiệp chữa trị cho những người bệnh nặng có, nhẹ có…

Hơn 1 tháng qua bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai, Phó trưởng Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương không về nhà vì sợ lây cho người thân, hàng xóm vì tiếp xúc với người bệnh nhiễm COVID-19.

Bác sĩ Mai công tác trong ngành y đặc biệt ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đến nay đã 27 năm. Chị đã có không ít kỷ niệm đáng nhớ nhưng đáng nhớ hơn cả đó là những ngày điều trị cho người bệnh nhiễm COVID-19. Mỗi lần chứng kiến những người bệnh được công bố khỏi bệnh, chị Mai cùng đội ngũ các y bác sĩ thêm phần vui mừng.

Chị kể, từ đầu tháng 3 tới nay không dám về nhà vì thuộc diện tiếp xúc F1 với người bệnh. Chị sẽ phải cách ly tuyệt đối, gần như không tiếp xúc với đồng nghiệp khác, lẫn người ngoài. Chị nhớ các con nhưng nếu về thì sợ lây nhiễm sang con, sang người thân trong gia đình và hàng xóm…

Bác sĩ Mai cho biết, có 4 khoa tại bệnh viện cùng điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19. Riêng Khoa nhiễm khuẩn tổng hợp được phân công điều trị 39 bệnh nhân nhưng chưa trường hợp nào cần hỗ trợ bằng thiết bị. Mỗi bệnh nhân lại có phác đồ điều trị riêng. Những người tham gia điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 mỗi ngày đều phải ngồi lại với nhau để hội chẩn, với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Hội đồng chuyên môn, để báo cáo, đánh giá tình hình từng người.

Các y bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đi lấy mẫu xét nghiệm.

Nhân viên y tế luôn phải mặc đồ bảo hộ 24/24h.

“Việc điều trị cho bệnh nhân chúng tôi nghiên cứu cùng hội đồng chuyên môn để đưa ra những phác đồ. Có những thành công, thiểu số cũng có trường hợp không thành công, chúng tôi băn khoăn trăn trở rất nhiều để từng ngày có hướng điều trị cho bệnh nhân không bị nặng lên”, bác sĩ Mai bày tỏ.

Phó trưởng Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp kể, hiện tại có những bệnh nhân có tiến triển, tuy nhiên quá trình điều trị có nhiều điểm thay đổi bất thường. Ví dụ như như xét nghiệm đang âm tính sau dương tính với COVID-19, bệnh nhân có thể sốt, tác dụng phụ của thuốc. Lúc này các bác sĩ sẽ giúp đỡ để bệnh nhân không bị tác dụng phụ của thuốc hoặc chấp nhận tác dụng phụ của thuốc nhẹ nhàng hơn.

Đến giai đoạn 2 (sau ca bệnh số 17) lượng bệnh nhân tăng nhiều, nhanh, bệnh cảnh lâm sàng nhanh. Có bệnh nhân phải hỗ trợ thở máy, lọc máu, phải điều trị tích cực. Lúc này các bác sĩ ngày đêm cố gắng không để bệnh nhân chịu tác dụng phụ của thuốc để đẩy vào tình trạng nặng để làm nặng gánh thêm cho khoa cấp cứu, khoa hồi sức tích cực.

Những người tham gia điều trị cho bệnh nhân như bác sĩ Mai ngày nào cũng phải ngồi cùng với nhau hội ý từng trường hợp, từng bệnh nhân và có sự hỗ trợ của Bộ Y tế và Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế. Phác đồ điều trị chúng tôi tìm những loại thuốc, liều lượng thích hợp với người bệnh.

Đeo cả khẩu trang khi ngủ

Chị kể, dịch bệnh khiến bác sĩ phải đeo khẩu trang, đồ bảo hộ y tế suốt 24/24h, kể cả lúc đi ngủ. “Tôi có điều kiện tốt hơn khi ở một mình một phòng nên có lúc bỏ khẩu trang đồ bảo hộ trong phòng. Những nhân viên khác thì không dám bỏ đồ bảo hộ ra, giường ngủ khoảng cách 2m tuy nhiên lúc ngủ mọi người vẫn đeo khẩu trang”, bác sĩ Mai kể.

Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp có 39 bệnh nhân mắc COVID-19 nên phải chia làm 2 tốp, mỗi tốp có 3 bác sĩ, 8 điều dưỡng để đổi ca làm việc. Mỗi tốp làm 14 ngày rồi lại nghỉ, tự cách ly, hết thời gian cách ly lại chiến đấu tiếp, không được về nhà. Kết thúc chiến dịch sẽ phải tự cách ly thêm 14 ngày.

Bác sĩ Mai xúc động khi chia sẻ về việc đồng nghiệp bị nhiễm COVID-19.

Nhắc về nam bác sĩ T. (29 tuổi ở khoa cấp cứu) cùng một đồng nghiệp bị nhiễm COVID-19, bác sĩ Mai không khỏi xúc động. Nam bác sĩ này 29 tuổi tham gia chống dịch COVID-19 từ 31/1/2020 với các công việc: khám sàng lọc các bệnh nhân nghi COVID-19 đến bệnh viện, điều trị những bệnh nhân được chẩn đoán dương tính và tham gia cấp cứu một số bệnh nhân nặng.

Trong quá trình làm việc, anh được cấp đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cá nhân. Sau giờ làm việc, anh nghỉ và sinh hoạt ở khu vực cách ly dành cho nhân viên y tế trong bệnh viện.

Ngày 19/3, anh xuất hiện triệu chứng đau rát họng, ngày 20/3, anh có triệu chứng ho, đau mỏi cơ, sốt. Ngày 21/3, anh tự cách ly tại khu vực đệm của khoa cấp cứu, được xét nghiệm cho kết quả xét nghiệm tại bệnh viện dương tính với SARS-CoV-2 và gửi mẫu bệnh phẩm sang viện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Các nhân viên y tế cùng làm với bệnh nhân 116 đã được đưa vào diện giám sát. Xét nghiệm lần đầu ngày 21/3, tất cả các nhân viên này âm tính với virus SARS-CoV-2.

“Khi biết mình bị nhiễm bệnh, bác sĩ T. luôn luôn áy náy vì nhân viên y tế lại để lây bệnh. Bác sĩ T. lo lắng trong thời gian đó đồng nghiệp có ai bị không. Tôi chưa bao giờ thấy bạn ấy than thở, lo lắng bệnh của mình nặng mà luôn luôn nghĩ cho đồng nghiệp”, bác sĩ Mai chia sẻ.

Còn về phía các y bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương như chị Mai bày tỏ: “Khi có ca nhiễm chính là nhân viên y tế chúng tôi lo chứ nhưng chúng tôi không thấy sợ COVID-19. Chúng tôi phải rà soát lại toàn bộ quy trình chống nhiễm khuẩn, chúng tôi phải làm chặt hơn nữa, quyết tâm hơn nữa vì đây là cả một tập thể, một người lây có thể lây cho nhiều người. Chúng tôi phải tập huấn lại cho toàn bộ bác sĩ, điều dưỡng… khi vào tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mình phải làm đúng những quy trình đảm bảo chống nhiễm khuẩn, an toàn để mình không bị lây nhiễm chéo”, bác sĩ Mai nói.

“Tất cả các bác sỹ khi tham gia chống dịch, đều xác định mình có nguy cơ nhiễm COVID-19”

Cũng giống như bác sĩ Mai, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp -Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết, đến nay hơn 2 tháng kể từ khi ca dịch nhiễm COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam ông luôn bám lại tại bệnh viện.

Bác sĩ Cấp kể, từ trước đến nay, Bệnh viện luôn áp dụng quy trình bảo hộ nhân viên y tế do Bộ Y tế ban hành. “Tất cả các bác sỹ khi tham gia chống dịch, đều xác định mình có nguy cơ nhiễm COVID-19, nguy cơ ấy là xác suất nên không thể tránh khỏi. Trong các trang thiết bị phòng hộ cá nhân, không có loại nào bảo hộ được 100%. Ví dụ khẩu trang N95 chỉ bảo vệ khỏi 95% mầm bệnh, vẫn sót 5%”, bác sĩ Cấp nói.

Hình ảnh bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cắt tóc, hơn 2 tháng chưa về nhà.

Còn bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng cho biết đến nay đã hơn 1 tháng chị cũng chưa về nhà. Bác sĩ Ninh cho biết, hơn ai hết thời điểm này những người bệnh nhiễm luôn cần đến mình. Những lúc nhớ con chị chỉ còn cách gọi qua facetime.

Theo bác sĩ Ninh, bệnh viện đang điều trị hàng chục bệnh nhân nhiễm COVID-19, được chia làm các nhóm có biểu hiện lâm sàng nặng, nhẹ khác nhau. Bệnh nhân nặng cho tới nay có những hiệu quả bước đầu trong điều trị.

Bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Viêm phổi căn nguyên do virus, bệnh viện đã có nhiều kinh nghiệm trong điều trị do virus như trước có H1N1, H5N1… hầu hết những chứng thở máy do viêm phổi này có khác biệt nhất định so với bệnh nhân có căn nguyên vi khuẩn. Bệnh viện cũng đã áp dụng toàn bộ chiến lược thở máy dành cho hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) của các trường hợp căn nguyên virus.

“Chiến lược thở máy rất quan trọng, giúp kiểm soát được đường thở của bệnh nhân. Thứ 2 bệnh viện áp dụng các phác đồ điều trị khá mới mặc dù những phác đồ này còn nhiều ý kiến khác nhau, tuy nhiên bệnh viện vẫn đang thấy hiệu quả điều trị của bệnh nhân lên đầu tiên.

Trong quá trình điều trị chúng tôi cũng theo dõi rất sát tác dụng của thuốc, tiếp tục duy trì điều kiện chữa trị đó cho bệnh nhân. Trong trường hợp đánh giá phác đồ điều trị đó không tốt, bệnh viện sẽ áp dụng phác đồ khác. Rất may quá trình điều trị bệnh viện đã áp dụng nhiều phác đồ điều trị khác nhau nhưng bệnh nhân đáp ứng rất tốt”, bác sĩ Ninh chia sẻ.

“Em biết ơn các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế”

Được ra viện, nữ bệnh nhân Tạ Anh T. (23 tuổi, bệnh nhân số 136, du học sinh Mỹ) vô cùng vui mừng và xúc động.

Anh T. cho biết, khi nhập viện không có nhiều triệu chứng rõ rệt, dù xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Bệnh nhân được các bác sĩ đánh giá bệnh cảnh ở thể nhẹ.

Tạ Anh T. xúc động gửi lời cảm ơn bác sĩ trong ngày được công bố khỏi bệnh.

Trong thời gian điều trị COVID-19, bác sĩ đưa cho Anh T. nước súc họng và nước nhỏ mũi chứ chưa phải dùng các phác đồ điều trị đặc biệt.

Sau khoảng 1 tuần điều trị, khi xét nghiệm lại cho kết quả âm tính. Một số người có thể trạng không tốt bằng Anh T. nên bệnh nặng hơn.

“Sau khoảng 1 tuần nhập viện điều trị, em có kết quả âm tính luôn, nhưng các bác sĩ đề nghị ở lại viện để tiếp tục theo dõi. Khi biết mình hết bệnh, em lập tức báo tin cho người nhà và bạn bè, mọi người đều rất vui, chúc mừng em. Thật lòng, em rất cảm ơn các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế của bệnh viện đã tận tình chăm sóc em suốt thời gian qua, em thực sự biết ơn”, Anh Th. chia sẻ.

Bày tỏ niềm vui trong ngày ra viện, nam bệnh nhân 137 chia sẻ, từ Đức về Việt Nam ngày 15/3 và được cách ly ở thị xã Sơn Tây. 9 ngày đầu anh hoàn toàn khỏe mạnh nhưng sang ngày thứ 10 thì có dấu hiệu sốt nhẹ. Ngày 23/3 nam bệnh nhân này được đưa vào bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để điều trị.

“Lúc biết mình mắc COVID-19 tôi vẫn lạc quan, bởi lúc này đã ở Việt Nam và tôi rất tin vào khả năng điều trị của các y, bác sĩ nước mình.

Trong suốt quá trình điều trị tình trạng của tôi không quá nặng, điều tôi ấn tượng nhất chính là sự chăm sóc tận tình của Bệnh viện, đặc biệt bữa cơm ở đây rất đầy đủ còn có cả trái cây và sữa.

Được chữa khỏi bệnh tôi muốn nói lời cảm ơn đến tất cả các nhân viên y tế đã chăm sóc, điều trị cho tôi trong thời gian qua”, nam bệnh nhân bày tỏ.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất