Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Nỗi niềm của những người phụ nữ 'lấy đêm làm ngày' trong ngày 8/3

Thay vì nhận những lời chúc ngọt ngào hay bó hoa tươi thắm thì những nữ cửu vạn vẫn mang trên mình đôi quang gánh cùng dụng cụ làm việc để mưu sinh trong ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Ngày 8/3 là dịp đặc biệt để tôn vinh hình ảnh người phụ nữ, dành cho họ những lời chúc hay món quà ý nghĩa. Vào ngày này “một nửa thế giới” tạm gác công việc thường ngày để quây quần bên gia đình của mình. Thế nhưng, ở đâu đó vẫn còn những người phụ nữ không được hưởng trọn niềm vui trong ngày Quốc tế Phụ nữ. Họ vẫn phải nai lưng làm việc, lao ra những nẻo đường, góc chợ và gánh trên vai nỗi lo “cơm áo gạo tiền”.

Những người phụ nữ gương mặt rám nắng, đen xạm mặc trên mình bộ quần áo lao động thô ráp không có nhiều kỷ niệm hay ấn tượng về ngày 8/3. Với họ đây là ngày bình thường như bao ngày khác. Thậm chí trong ngày này, họ còn tranh thủ kiếm thêm mối hàng để bù vào những ngày “ế” người thuê.

Ngày 8/3 trên đôi vai của những nữ cửa vạn là nỗi lo mưu sinh.

Họ vẫn tất bật làm việc, không có ngày nghỉ.

Trong ngày Quốc tế Phụ nữ, những nữ cửu vạn vẫn tấp nập rảo bước trên những tuyến phố để chờ người thuê. Bất kể ngày đêm, mọi hoạt động mua bán, vận chuyển hàng hóa diễn ra bình thường. Tại chợ đầu mối Long Biên, số lượng nữ cửu vạn ước tính hàng trăm người. Dáng người nhỏ bé, lọt thỏm giữa khu chợ lớn nhất Thủ đô - họ bốc vác những bao hàng lớn từ chiếc xe trọng tải, sau đó vận chuyển đến các khu phân phối.

Chị Hoa (43 tuổi, quê Hưng Yên) trên vai vác bao dứa lớn, chạy băng băng dưới chân cầu Long Biên cho hay, công việc những người cửu vạn không quản ngày đêm, chỉ mong có người thuê làm. Ngày lễ tết càng phải làm việc cật lực. “Cả đời chưa bao giờ biết đến “mùi” quà tặng 8-3 là gìĐến miếng ăn còn chẳng đủ thì làm sao dám nghĩ tới chuyện quà cáp“, chị Hoa cười nhạt.

Vì gánh nặng mưu sinh, lo lắng cho gia đình, cho nên chị Hoa không cho phép mình được nghỉ ngơi kể cả ngày dành riêng cho mình.

Với chị được làm việc, kiếm tiền gửi về cho gia đình là một hạnh phúc.

Những nữ cửu vạn đến từ các tỉnh lân cận quanh Hà Nội như Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Nam Định, Hưng Yên… Họ làm công việc bốc vác thuê - vốn mặc định dành cho những đấng mày râu.Tuy vất vả mệt nhọc nhưng tiền công cũng không được là bao. Vận chuyển mỗi bao dứa lớn khoảng 20kg được trả với giá 2 nghìn đồng. Một xe dứa khoảng 15 bao mới kiếm được 30 nghìn đồng.

“Tiền công rẻ mạt nên chúng tôi phải vận chuyển nhiều hàng mới kiếm được khoảng 200 - 300 nghìn đồng. Trung bình mỗi ngày tôi gánh khoảng 10 chuyến hàng. Nếu chi tiêu tiết kiệm, số tiền hàng tháng chị gửi về quê cũng được 2 - 3 triệu đồng”, chị Hoa kể.

Cả đời cô Yến chưa bao giờ biết đến ngày 8/3, chưa bao giờ được nhận hoa và quà.

Gương mặt đượm buồn của cô khi nói về ngày Quốc tế Phụ nữ.

Trong ngày này, cô vẫn ra chợ Long Biên chờ người thuê.

Tâm sự của cô Yến về món quà mình mong nhận được trong ngày 8/3.

Nhiều nữ cửu vạn là lao động chính trong gia đình. Họ phải gồng gánh nhiều lo toan, trăn trở thường nhật của cuộc sống. Với họ điều ý nghĩa trong ngày Quốc tế Phụ nữ là được nhiều người thuê bốc vác, kiếm được nhiều tiền.

“Tôi chỉ mong ngày này được nhiều người thuê, trả tiền công cao hơn chút đỉnh, giúp tôi kiếm thêm thu nhập để trang trải cho cuộc sống gia đình và chăm lo con cái“, bà Yến (54 tuổi, Nam Định) cho hay.

Trong suy nghĩ của những nữ cửu vạn, việc sống nhờ vào những gánh hàng thì ngày Quốc tế Phụ nữ là một điều gì đó hết sức xa xỉ.

Cuộc sống buộc họ phải vật lộn để mưu sinh.

Với những người phụ nữ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, niềm hạnh phúc trong ngày mùng 8/3 là thấy con cái ngoan ngoan, nghe lời ông bà cha mẹ và học hành tử tế.

Còn với chị Hường (33 tuổi, Khoái Châu, Hưng Yên) niềm vui trong ngày mùng 8/3 của chị là thấy con cái ngoan ngoãn, nghe lời ông bà và chăm chỉ học hành.

“Tôi gọi điện về cho con, thấy con khỏe mạnh, vui vẻ… tôi vui lắm. Với tôi đó là điều hạnh phúc hơn cả”, chị Hương tâm sự.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Cường Ngô

Được quan tâm

Tin mới nhất
Trải Nghiệm Sân Chơi Băng Tuyết Độc Đáo Giữa Lòng Thành Phố