Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Cô gái 22 tuổi và tấm bảng 'không bán túi nylon'

Theo Pháp Luật TP HCM Theo dõi Saostar trên google news

Cô gái 22 tuổi Nguyễn Hữu Quỳnh Hương, người đứng sau những tấm bảng “Tui bán rau, không bán túi nylon” gây ấn tượng mạnh cho cộng đồng bởi hành động sống xanh đầy sáng tạo.

Tại khu chợ nhỏ ở hẻm 10 (khu phố 4, phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM), nhiều người đã quen với hình ảnh cô gái trẻ hôm cầm theo túi vải, hôm cầm rổ, hộp nhựa để đi chợ mua hàng.

Luôn đem theo rổ, hộp đi chợ

Trong thời gian còn là sinh viên, sau dịp tham gia một số hoạt động liên quan đến diễn đàn về môi trường thì cuộc sống của Hương gần như hoàn toàn thay đổi. Cô nhận thức nhiều hơn về nghề nghiệp, ước mơ và quyết định theo lối sống xanh.

Tuy vậy, Hương cũng gặp không ít bất tiện vì trong lúc đó, những khái niệm về sống xanh vẫn chưa được phổ biến, các tiểu thương chưa quen với việc bán hàng mà không cần túi nylon. “Có lần tôi mang hộp đi mua thịt, sau khi nhờ người bán hàng bỏ thịt vào thì cô ấy không nói gì cả, chỉ lườm tôi.

Khi tôi tiếp tục đề nghị, cô vẫn không nói, dùng dằng ném cục thịt vào giỏ của tôi” - Hương kể. Dù vậy, Quỳnh Hương vẫn không nản mà kiên trì theo đuổi cách sống đó. Mỗi lần ra ngoài với bạn bè, Hương mang theo ly riêng.

Cô cũng đã từ bỏ luôn thói quen dùng ống hút nhựa mỗi khi uống nước. Bên cạnh đó, khi đi mua sắm, đi ăn uống, Hương ưu tiên chọn chỗ ủng hộ sống xanh.

Nguyễn Hữu Quỳnh Hương (phải) cùng bà Trần Thị Bảo Hương, một trong các tiểu thương ủng hộ lối sống xanh. Ảnh: THỦY TRÚC

Tấm bảng “Tui bán rau, không bán túi nylon”

Đồng cảm và biết rõ về giá thành của túi nylon tự phân hủy nên Quỳnh Hương đã cố gắng suy nghĩ cách giúp người bán hàng giải quyết mối lo này.

Sau khi trao đổi với những người bán hàng và nhận được sự đồng ý, những tấm bảng: “Tôi bán rau, không bán túi nylon” đã được ra đời.

Hương đã thuyết phục được bảy sạp hàng, trong đó có bốn sạp (ba sạp rau, một sạp thịt) đồng ý, một sạp hàng đang cân nhắc. Hương vẫn cố gắng đến và thuyết phục bà chủ mỗi ngày.

“Ngày tôi mang những tấm bảng này ra, có những cô chủ sạp hàng thấy và lập tức quay đi ngay. Một số cô từ chối ngay, bảo không thể đặt trước sạp hàng, bây giờ khách quen rồi, nếu mình để như vậy sẽ khó bán và cũng không muốn làm khách hàng khó chịu” - Hương kể.

Ảnh: Dự án Đường vành đai nghìn tỷ trở thành nơi đổ rác thải

Đồng ý ngay và cũng là người đầu tiên đặt tấm bảng tại sạp rau của mình, bà Trần Thị Bảo Hương (50 tuổi, quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Trước giờ tôi đã sử dụng lại túi nylon cũ rồi nên khi Quỳnh Hương đặt vấn đề thì tôi đồng ý ngay”.

Nói là làm, ai mua ít hoặc thấy tiện thì bà Hương nhờ khách cầm tay, ai mua nhiều bà bỏ chung tất cả vào một túi nylon để dành tái sử dụng.

Đến mua rau về nấu bữa trưa, khách quen của sạp hàng, bà Nguyễn Thị Như Thúy, hồ hởi chia sẻ: “Tôi hoàn toàn ủng hộ, vì nó làm sạch, xanh cho môi trường. Bình thường tôi đem giỏ đi chợ, cố gắng hạn chế mang bao nylon về nhà vì đi đâu cũng thấy rác trôi nổi, rồi sau này chỗ đâu mà sống”.

Nói rồi bà khoe chiếc túi nylon nhỏ đã dùng hơn một năm đựng tất cả vật dụng cá nhân khi đi chợ của mình. Cách sạp của bà Hương khoảng hơn chục bước chân là sạp rau của bà Võ Thị Hà (50 tuổi, quận Bình Thạnh).

Cũng giống bà Hương, bà Hà hoàn toàn ủng hộ việc tái sử dụng và hạn chế sử dụng túi nylon để bảo vệ môi trường. Tấm bảng “Tui bán rau, không bán túi nylon” được đặt ngay ngắn, nơi dễ thấy nhất trên sạp rau của bà Hà.

Ở đó, bên cạnh những bó rau xanh mướt là một túi nylon lớn, bên trong đựng nhiều túi nhỏ hơn, kích thước, màu sắc cũng khác nhau..

Khi cùng những chủ sạp hàng đặt tấm bảng “không bán túi nylon”, Quỳnh Hương mong muốn cùng các chủ sạp hàng đánh động, truyền cảm hứng để mọi người hành động vì lối sống xanh.

Gây sốt cộng đồng mạng về lối sống xanh

Sát cánh cùng con gái của mình, gia đình Quỳnh Hương ở Vũng Tàu cũng sống “xanh”. Mẹ của Hương đi chợ luôn xách theo giỏ và bên trong là những chiếc hộp nhựa để đựng đồ tươi sống. “Cha tôi đang làm việc ở bến xe.

Ông nói rằng sẽ góp ý để bến xe có thêm thùng phân loại rác. Còn anh tôi cũng đề nghị chỗ làm việc hạn chế sử dụng chai nước nhựa trong các cuộc họp” - Quỳnh Hương kể, ánh mắt lấp lánh niềm vui.

Ngoài ra, Quỳnh Hương còn là người sáng lập và quản lý trang mạng “Mình là Hũ”. Đây là nơi cô gái này đăng tải những thông tin, câu chuyện từ trải nghiệm của mình hằng ngày về sống xanh từ văn phòng, trên đường đi, ở gia đình… Cô chia sẻ suy nghĩ về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Cũng tại đây, câu chuyện về tấm bảng với thông điệp hạn chế tối đa sử dụng túi nylon của Quỳnh Hương đã “gây sốt” cộng đồng mạng khi nhận hơn 4.000 lượt chia sẻ cùng sự quan tâm, ủng hộ của nhiều người, nhất là những người trẻ.

Mỗi sạp hàng sẽ có một tấm bảng “không bán túi nylon”

Bà Võ Kim Tuyết (tổ trưởng tổ 52, khu phố 4, phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết trong thực tế việc kêu gọi xách giỏ đi chợ đã được nhắc nhở từ trước nhưng người dân trong khu phố vẫn chưa thật sự chú ý.

Dịp này, khi câu chuyện về tấm bảng “ không bán túi nylon ” được lan rộng, bà hy vọng mọi người sẽ ủng hộ nhiều hơn.

Bà Tuyết cũng cho hay trong cuộc họp tổ dân phố sắp tới, bà sẽ đề xuất việc nhân rộng mô hình, vận động mỗi sạp hàng có một tấm bảng “Tôi bán rau , không bán túi nylon”.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Pháp Luật TP HCM

Được quan tâm

Tin mới nhất