“Ở phố cổ nhưng người khổ”
Nằm khuất sâu trong ngõ 44 phố Hàng Buồm, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tối om là ngôi nhà nhỏ chưa đầy 5m2 của ông Hoàng Văn Xuân (57 tuổi). Căn nhà như hộp diêm này của ông Xuân khác xa với thực tế mọi người vẫn nghĩ về cuộc sống của người dân nơi phố cổ Hà Nội. Kể về cuộc đời mình, người đàn ông này lắc đầu bảo: “Mang tiếng dân phố cổ nhưng người khổ. Tôi mang tiếng có nhà nhưng ở vỉa hè còn sướng hơn”.
Ngồi bệt trong căn nhà nhỏ dài 3m, rộng 2m, cao 1,2m phải bật quạt để tránh sự ngột ngạt. Bốn phía xung quanh là các bức tường cũ kỹ đã bong tróc vữa, ông Xuân phải trèo lên những thanh sắt chữ U tự chế để lên được nhà. Khi đã ở trên, ông dặn khách thăm nhà đừng buông chân xuống dưới kẻo chạm vào đầu người khác đang đi bên dưới.
Trong căn nhà siêu nhỏ tăm tối và xập xệ, chiếc TV to đã chiếm một góc diện tích của căn nhà, góc còn lại để đủ trải một manh chiếu và các vật dụng cá nhân của chủ nhân ngôi nhà. Nhìn quanh ngôi nhà “bé như lỗ mũi”, chắc khó có thể bắt ai đó tin được rằng người đàn ông này đã “chung sống với lũ” như thế suốt gần 60 năm qua.
Ông Xuân kể về nỗi khổ cực trong ngôi nhà chưa đầy 5m2.
“Đây là ngôi nhà bố mẹ tôi để lại, nhà đông anh em (7 người con trong đó có 5 trai 2 gái) nên phân chia mỗi anh em vài ba mét. Bên cạnh nhà tôi là nhà của cậu em trai cũng cùng cảnh tương tự. Chật chội quá vợ chồng nó ra ngoài thuê ở nên giờ bỏ không. Tôi đây không có điều kiện kinh tế, quanh năm cũng chỉ xe ôm ngày kiếm vài chục nghìn đủ rau cháo nên cứ phải ở đây”, ông Xuân chia sẻ.
Chính vì ở trong ngôi nhà không thể đứng, chỉ quỳ, ngồi hoặc nằm nên dáng người ông Xuân cũng không cao lớn được như những người khác. Ngoài những giờ nghỉ trưa hay ngủ vào ban đêm thì ông Xuân buộc lòng phải về nhà, còn lại thì ông cứ ra ở vỉa hè vì theo ông thà như vậy còn sướng hơn.
“Tôi sống ở quán nước vỉa hè nhiều hơn là ở nhà, cơm đường cháo chợ quen rồi. Thế mà cũng đã sống quá nửa đời người rồi đấy. Về nhà ngột ngạt thế này cũng chán, không muốn về. Ngoài vấn đề nóng bức, bí khí, không sóng điện thoại,… vấn đề khổ nhất là mỗi khi thay áo ông Xuân phải quỳ chân, còn mặc quần phải nằm ngửa ra, cơ cực vô cùng. Tôi chẳng có chiếc áo sơ mi nào, chỉ toàn áo phông vì muốn cũng chẳng sơ vin được”, ông Xuân cho biết thêm.
Vợ chịu không nổi bỏ đi vì nhà quá chật chội
Ông Xuân kể mình và vợ đến với nhau nhờ mai mối, cũng không tìm hiểu không gian sống của nhau trước nên khi về nhà vợ ông rất chán nản và khóc rất nhiều. Lúc đó, ông Xuân cũng chẳng biết làm gì ngoài việc an ủi vợ và thống nhất chăm chỉ đi làm cùng phấn đấu để mua một căn hộ mới. Nhưng mãi vẫn không thoát khỏi số kiếp éo le .
Ngày đó, được vợ chấp nhận và thông cảm cho hoàn cảnh khó khăn để đến với mình, ông Xuân vui ra mặt. Hai vợ chồng bảo ban nhau làm ăn với ấp ủ sau này sẽ mua được một ngôi nhà đúng nghĩa. Thế nhưng cuộc sống chẳng như mơ, khi công việc chính của ông là chạy xe ôm còn vợ làm tạp vụ. Năm 1996 hai vợ chồng ông lại sinh thêm một đứa con, cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng thêm chồng chất khổ cực.
“Sống với nhau thấy có quá nhiều bất tiện và mãi cuộc sống không khá lên được, cô ấy bỏ bố con tôi đi tìm hạnh phúc mới, khi đó con trai lớn nhà tôi mới chỉ 10 tuổi. Thời gian đầu cũng buồn và suy sụp lắm nhưng nghĩ cảnh sống trong ngôi nhà như vậy vợ mình cũng chịu đựng đủ quá rồi. Tưởng tượng một mình trong cái hộp như thế này đã khổ, mà giờ lại có đến ba người cùng ở thì chắc khổ hơn trăm lần. Từ đó tôi chỉ biết cố gắng làm ăn để nuôi con trai”, ông Xuân nói.
Ông Xuân cho biết thêm, giờ vợ cũ của ông đã có hạnh phúc mới. Tuy nhiên, ông cũng không buồn vì điều đó và mong vợ cũ có cuộc sống tốt hơn. Con trai ông Xuân là là Hoàng Xuân Thủy năm nay đã 22 tuổi. Sau khi học xong cấp 3, Thủy nghỉ học rồi đi làm thuê. Chàng trai hiện đang làm bảo vệ cho một khách sạn ở Hà Nội cách nhà bố không xa. Thế nhưng vì nhà chật hẹp nên Thủy ở luôn tại khách sạn, thi thoảng mới về thăm bố.
Ông Xuân kể lúc chào đời Thủy đã chịu khổ nên chỉ nặng 1,5 kg. Lớn lên một chút thì mẹ bỏ đi, hai bố con ông cùng nhau sống cảnh cùng cực. Vì hoàn cảnh nên con ông cũng chẳng được ăn học đến nơi đến chốn. Hồi còn đi học Thủy phải nằm xuống sàn mà viết chữ. Ông Xuân nhìn vậy thương con đến đứt từng khúc ruột nhưng bởi công việc không ổn định, người đàn ông này bao năm chỉ gắn bó với nghề xe ôm không đủ trang trải cho cuộc sống chẳng thể làm gì khác hơn.
“Giờ đây con tôi cũng chuyển ra ngoài sống vì nó còn có cuộc sống riêng, sao ở trong căn hầm này mãi được. Tôi cũng thông cảm cho cháu vì thi thoảng Thủy vẫn hay về thăm nom tôi. Mỗi khi về thăm bố, cháu chỉ gặp tôi ở ngoài quán trà đá rồi lại đi, chẳng muốn lên nhà. Mình khổ đủ rồi không muốn con ở đây gắn với mình cả đời ở chốn này được”, ông Xuân tâm sự.
Những lúc ốm đau hay nhà có công việc, ông Xuân đều phải mời bạn bè, người nhà ra ngoài quán nước ngồi nói chuyện. Chính vì thế người đàn ông này ái ngại bao năm qua không dám mời ai vào nhà. Mong muốn lớn nhất của người đàn ông này là được nhà nước quan tâm, tu sửa lại khu nhà cũ và nếu có thể có khu tái định cư ở xa phố cổ hàng chục cây số ông cũng sẵn sàng đi.
“Người ta vẫn nói an cư rồi mới lạc nghiệp. Đời tôi coi như là hết rồi, nhưng còn tương lai của con trai tôi nay mai này sẽ ra sao. Giờ kể có điều kiện thuê hay cấp cho một căn chung cư nhỏ chỉ 20, 30m2 ở ngoại thành Hà Nội tôi cũng sẵn sàng đi để đỡ phải ở nơi khốn khổ này nữa”, ông Xuân bộc bạch.